Phạm Thị Kim Tuyến (trường THPT chuyên Lê Khiết) vừa đỗ vào ĐH Sư phạm TP.HCM với số điểm 19,5. Còn Võ Quốc Cường (trường THPT Tư Nghĩa 1) vừa trở thành tân sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM với số điểm 23. Trong khi đó Nguyễn Thị Kim Tuyền (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) đỗ vào ĐH Sư phạm TP.HCM với 17,5 điểm.
Ngày tháng cô đơn của Tuyến
Khi Tuyến còn nằm trong bụng mẹ, cha đã bỏ đi. 14 tháng tuổi, mẹ Tuyến vào Sài Gòn bán vé số, gửi em lại cho ông bà ngoại. Tự lập từ nhỏ, Tuyến già hơn rất nhiều so với tuổi 18 của mình.
Ông Phạm Hưởng, ông ngoại Tuyến, kể: “Hồi còn nhỏ con bé chỉ ăn ở nhà ngoại, còn mọi sinh hoạt đều trong căn nhà tranh mẹ nó để lại (ở thôn Phú Bình Tây, Chợ Chùa). Nhiều lần tôi nói vào ở cùng ông bà nhưng nó không chịu”.
Từ năm 12 tuổi, giặt đồ, nấu ăn, mua sách vở, học bài... Tuyến đều tự lo lấy. Suốt 18 năm, thời gian Tuyến ở bên mẹ chỉ đúng vào dịp tết. Hết tết, mẹ lên xe vào Sài Gòn, Tuyến lại trở về với cuộc sống của mình.
Tuyến chăm sóc vườn thơm phía sau nhà. |
Cuộc sống cực khổ, thiếu thốn tình cảm, thế nhưng 12 năm học Tuyến đều là học sinh giỏi. Hết năm lớp 9, Tuyến thi vào Trường chuyên Lê Khiết rồi chuyển xuống phố trọ học. Tiền mẹ gửi về không đủ trang trải việc học, Tuyến đi phục vụ ở quán cà phê.
Ba năm học THPT là chừng ấy thời gian cô bé làm nhân viên phục vụ, nhưng Tuyến vẫn luôn có tên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Trở thành tân sinh viên, Tuyến tự tin: “Em chờ ngày nhận giấy báo rồi đi học, có gì đâu mà chuẩn bị. Bán đám ngô là em có tiền xe nhập học. Em sẽ vừa học vừa làm. Vào đó có thể chăm sóc mẹ nữa”. Thầy Trần Đình Vợi, hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Khiết, chia sẻ: “Tuyến là cô học trò đáng tự hào của trường”.
Cường “nông dân” mơ thành kỹ sư
Đến thôn Phú Văn, xã Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa), ai cũng biết cậu học trò Cường không chỉ nổi tiếng học giỏi mà còn là “nông dân sản xuất giỏi”. Trong căn nhà ọp ẹp, Cường đang ngồi trước sân bằm sắn phơi.
Bà Lê Thị Sung, bà nội Cường, 76 tuổi, bị mù, kể: “Khi Cường tròn 7 tuổi thì cha qua đời, hai năm sau mẹ đi bước nữa. Từ đó Cường sống với bà nội. Năm Cường học lớp 8 thì tui bị bệnh mắt, mờ dần rồi mù hẳn. Từ đó gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai Cường.
Mỗi ngày từ tờ mờ sáng, Cường đã thức dậy nấu ăn rồi ra đồng. Mỗi khi rảnh ai kêu gì Cường cũng làm, từ giặm lúa, gặt thuê, vác lúa mướn...”. Còn Cường cho biết: “Thứ gì làm có tiền là em làm, chẳng chê gì hết”.
Cường “nông dân” với công việc hằng ngày của mình. |
Ngày nhập học cận kề, ngoài nỗi lo những năm tháng sắp tới, Cường còn lo không biết ai sẽ chăm bà nội. “Hè này em đi làm được hơn 2 triệu đồng, có thể chi phí bước đầu khi vào Sài Gòn học. Em chỉ lo bà ở nhà không biết làm sao thôi”.
Bà Sung nghe cháu nói, vội lập cập động viên cháu: “Đừng lo, ở nhà ăn uống thì nhờ hàng xóm được. Đau ốm thì nhờ người điện thoại cho chú về”.
Vá xe nuôi ước mơ làm cô giáo
Đến nhà Nguyễn Thị Kim Tuyền (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) khi em đang cùng mẹ vá xe cho khách, đôi tay yếu ớt của cô bé gồng lên nạy vỏ xe. Đó là công việc của người cha để lại. Ba Tuyền vừa mất sau gần một năm chống chọi với bệnh tật.
Tuyền vá xe cho khách. |
Năm trước Tuyền đỗ ĐH Văn hóa TP.HCM, trước ngày em đi học, ba bị tai biến, tiền bạc trong nhà dồn hết vào chữa bệnh cho ba. Sự học của Tuyền đành đứt gánh, thay vì đến trường Tuyền đến bệnh viện chăm sóc ba.
Tuyền vào Sài Gòn thay vì đi học lại đi làm phục vụ, công nhân... kiếm tiền phụ giúp mẹ chăm ba. Không nản lòng, Tuyền vẫn kiên trì ôn tập để thi lại. Hay tin em đậu đại học, hàng xóm góp tiền mua cho mẹ Tuyền xe nước mía kiếm thêm để nuôi các em Tuyền...
“Tôi không muốn Tuyền nghỉ học, nhưng chị nó đang học đại học, em thì đứa vào lớp 8, đứa vào lớp 1. Tôi đau ốm liên miên, giờ biết lấy tiền đâu cho con đi học” - bà Trần Thị Kim Thi, mẹ Tuyền, sụt sùi.
Từ ngày Tuyền biết kết quả thi rồi giấy báo về, bữa cơm của năm mẹ con nặng nề hẳn. Tuyền dự tính sau khi nhập học sẽ ở ký túc xá, rồi đi làm thêm phục vụ hay rửa chén, kiếm việc làm buổi tối nữa để tự lo cho cuộc sống của mình, sẽ cố gắng học dù khó khăn thế nào.