Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'VEC không có quyền cấm vĩnh viễn 2 ôtô vào cao tốc'

Theo luật sư, việc từ chối phục vụ vĩnh viễn cũng giống như lệnh cấm lưu thông vào cao tốc đối với 2 phương tiện đó, trong khi VECE (hay VEC) không có thẩm quyền này.

Công ty dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) vừa thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn với 2 ôtô mang biển kiểm soát TP.HCM là 51A - 55850 và 51G - 77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

VEC cam cua xe vao cao toc anh 1
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Lê Quân.

VEC cho rằng những người đi trên 2 phương tiện này đã có hành vi gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đại diện VECE cho biết thêm, quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đã chiếu theo các thông tư, quy định của pháp luật trước khi được đưa ra. Đơn vị này cũng lưu ý rằng toàn bộ cao tốc của VEC không phải là độc đạo, các xe nói trên có thể lưu thông bằng những đường khác.

Tuy nhiên, quyết định này đang nhận được nhiều phản đối từ chuyên gia pháp lý.

Không thuộc thẩm quyền của VEC

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Kiều Anh Vũ (Công ty luật KAV Lawyers) cho rằng, nếu chủ 2 ôtô có có hành vi gây rối an ninh trật tự, vi phạm quy định của pháp luật tại tuyến đường cao tốc thì các hành vi vi phạm này phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời nhưng phải đúng với quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, không thể xử lý tùy tiện.

Luật sư Vũ chỉ ra, việc quản lý, khai thác đường cao tốc hiện nay được quy định cụ thể tại Nghị định 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc và Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT (sửa đổi theo Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT). Theo đó, Cơ quan quản lý đường cao tốc là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc là chủ thể trực tiếp thực hiện việc khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc, được xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi thông qua Hợp đồng với Cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc với Nhà đầu tư đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư.

Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc là doanh nghiệp dự án đối tác công tư và doanh nghiệp được nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường cao tốc.

VEC cam cua xe vao cao toc anh 2
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc tuyến đường bộ cao tốc phía đông quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP.HCM nối QL51 và QL1A với chiều dài toàn tuyến 55 km. Ảnh: Lê Quân.

"Qua đó có thể thấy VEC hay VECE không phải là cơ quan quản lý đường cao tốc mà chỉ là đơn vị khai thác, đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì công trình đường cao tốc, có quyền lợi và nghĩa vụ trên cơ sở hợp đồng, không có chức năng và thẩm quyền quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, quản lý đường cao tốc; không có thẩm quyền xử phạt vi phạm", luật sư Vũ nêu.

Do đó, luật sư nhận định việc VECE thay mặt VEC thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác là không có cơ sở thuyết phục, không có cơ sở cho thấy họ có thẩm quyền và chức năng để thực hiện việc này.

Theo luật sư, việc “từ chối phục vụ vĩnh viễn” tại tuyến đường cao tốc cũng giống như “lệnh cấm lưu thông” vào đường cao tốc đối với các phương tiện đó. Trong khi, VEC hay VECE không có thẩm quyền này.

Vi hiến, trái luật

Nhận định về động thái của VECE, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc từ chối phục vụ lưu thông này là "vi hiến, trái pháp luật". 

"Mọi người đều có thể đi lại ở bất cứ nơi đâu nếu pháp luật không hạn chế quyền đi lại. Chúng ta phải hiểu đây là đường công cộng của nhà nước chứ không phải đường của riêng VEC. VEC chỉ là đơn vị thi công mặt đường để thu phí chứ không phải là đơn vị sở hữu đường nên không bao giờ có quyền từ chối phục vụ", luật sư Học nhận định.

VEC cam cua xe vao cao toc anh 3
Camera giám sát tại trạm thu phí ghi lại cảnh nhóm người tụ tập trước làn thu phí. Ảnh cắt từ clip.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hiện nay, theo các quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì không có bất cứ chế tài nào việc việc cấm xe lưu hành trên đường cao tốc với lý do trước đó xe đã từng vi phạm trên hệ thống đường này.

"Đường cao tốc là đường công cộng không phải thuộc sở hữu của chủ đầu tư nên chủ đầu tư chỉ có quyền khai thác trên đó. Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/1/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc mà VEC dẫn chứng là quy định nội bộ của một tổ chức kinh tế, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không có giá trị", luật sư Hùng nêu quan điểm.

Luật sư Kiều Anh Vũ cho biết thêm, nếu trong trường hợp VEC hay VECE cho rằng các phương tiện đã có hành vi gây rối, vi phạm pháp luật, vi phạm luật giao thông đường bộ thì có thể thông báo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm theo quy định.

"Chẳng hạn xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này quy định cụ thể các mức phạt xảy ra tại đường cao tốc bằng các hình thức phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn,…", luật sư Vũ dẫn chứng.

2 ôtô bị 'cấm cửa' vào cao tốc do VEC quản lý vì cáo buộc gây rối

Đơn vị quản lý tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vừa thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn với 2 ôtô vì cho rằng các chủ xe có hành vi gây rối tại trạm thu phí.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm