Tuyển Campuchia đang đứng hạng 176 thế giới, thuộc nhóm cuối của FIFA. Tuy nhiên, họ không còn là đối thủ cam phận lót đường như trước. Trình độ của họ đã được nâng lên đáng kể (ĐTQG đang đứng thứ 2 bảng C, vòng loại Asian Cup 2019 còn đội U22 vừa mới cầm hòa Trung Quốc, đánh bại Philippines ở sân chơi châu lục).
Ôm mộng vươn tầm
“Mục tiêu của chúng tôi là tìm kiếm những cầu thủ giỏi, thông qua những học viện bóng đá để đảm bảo sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp trong tương lai. Số lượng cầu thủ sẽ tăng lên và dễ dàng chọn ra những nhân tố tốt nhất cho ĐTQG”, ông Sao Sokha - Chủ tịch FFC đồng thời là vị tướng giữ chức Tư lệnh Hiến binh Hoàng gia Campuchia cho biết.
Việc thành lập học viện bắt đầu từ tỉnh Svay Rieng kéo dài đến cuối năm 2018. FFC sẽ phối hợp với Bộ giáo dục Campuchia để triển khai chương trình. Mỗi học viện sẽ được cấp khoản 4 triệu riels (hơn 22 triệu đồng) để trả lương cho HLV. Số tiền này sẽ do FFC chi trả.
Chủ tịch LĐBĐ Campuchia Sao Sokha (trái) bắt tay với Chủ tịch AFC, đánh dấu mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa 2 bên. Ảnh: FFC. |
Liên đoàn bóng đá Campuchia hy vọng đến năm 2023 khi quốc gia này đăng cai SEA Games, họ sẽ có một lứa cầu thủ tài năng. Xa hơn, mục đích của chương trình nhằm giúp cho thanh, thiếu niên ở quốc gia này hướng đến lối sống lành mạnh, tránh xa những tệ nạn xã hội.
Việc phổ cập bóng đá đến khắp cả nước là một trong những kế hoạch táo bạo của FFC để thúc đẩy môn thể thao vua. Cách đây 4 năm, tướng Sao Sokha thông qua việc mua 15 hecta đất để xây dựng Trung tâm đào tạo bóng đá quốc gia, có trụ sở tại quận Bati, tỉnh Takeo. Kinh phí xây dựng 3 triệu USD được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có sự trợ giúp đắc lực từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và dự án Goal của FIFA.
Hiệu quả của những chương trình này còn phải chờ thời gian nhưng đến lúc này, bóng đá Campuchia cho thấy bước tiến đáng khích lệ. ĐTQG đang có cơ hội giành vé dự VCK Asian Cup 2019. Các trận đấu của đội trên sân nhà đều bán sạch vé. Các lứa U được xây dựng vững chắc, còn giải VĐQG đi vào ổn định.
Các đội tuyển của Campuchia từ ĐTQG, U19, U15 đều đang được dẫn dắt bởi các HLV ngoại. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Cách đây hơn 10 năm, tuyển Việt Nam gặp Campuchia chỉ đơn giản sẽ thắng bao nhiêu bàn. Còn bây giờ dưới sự dẫn dắt của HLV Vitorino, họ tự tin sẽ đánh bại thầy trò HLV Mai Đức Chung. Khoảng cách về trình độ vẫn tồn tại giữa hai đội nhưng nó đang được thu hẹp đáng kể.
Nền tảng từ giải VĐQG
Cambodia Premier League - Giải đấu số một của Campuchia ra đời năm 2005. Hiện tại giải có 12 đội với cơ cấu ổn định. Các đội được thi đấu với 4 ngoại binh trong đội hình và một cầu thủ gốc châu Á. Những ngoại binh đến từ Nhật Bản, Nigeria, Tây Ban Nha… đã góp phần nâng cao chất lượng giải đấu.
Ông Thái Bá Y, một doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại Campuchia lý giải: “Bóng đá Campuchia đang ở giai đoạn bùng nổ và đi vào ổn định. Liên đoàn và các CLB chung tay phát triển nên khuyến khích nhiều người đến sân xem. Do đó giá vé những trận đấu ở đây rất rẻ. Họ chưa xem đây là nguồn thu chính”.
Giải vô địch quốc gia có sự cạnh tranh tốt, giúp các cầu thủ Campuchia nâng cao trình độ. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Chẳng hạn, giá vé cho trận Campuchia vs Việt Nam có 2 mức 5.000 riels (chừng 28.000 đồng) và 10.000 riels (56.000 đồng). Con số này chỉ bằng 1/4 hay 1/5 so với ở Việt Nam. Các trận đấu ở giải VĐQG cũng tương tự.
Đặc biệt, họ khuyến khích những dòng tiền từ bên ngoài đầu tư vào để phát triển bóng đá. Chẳng hạn, nhà tài trợ chính của giải đấu là Metfone - doanh nghiệp lớn nhất của Viettel ở nước ngoài. Số tiền họ bỏ ra hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hay Cambodian Tiger - một CLB đứng sau bởi những ông chủ người Nhật Bản. “Kế hoạch ngắn hạn của chúng tôi là trở thành CLB số một ở Campuchia rồi sau đó đứng đầu Đông Nam Á. Chúng tôi muốn làm cho người dân Campuchia tự hào”, Akihiro Kato - giám đốc điều hành của đội bóng cho biết.
Các trận đấu của ĐTQG Campuchia không khác gì ngày hội. Vé luôn được bán hết những trận gần đây. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Nhật Bản xem Campuchia là một trong những thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á để kinh doanh thể thao. Vì thế, họ bắt tay với hàng loạt đội bóng lớn. Tổng giám đốc CLB Phnom Penh Crown là người Nhật Bản.
Nhưng đáng nhớ nhất phải nói đến trường hợp của chân sút Chan Vathanaka. Tiền đạo này trở thành cầu thủ Campuchia đầu tiên sang Nhật Bản thi đấu. Anh khoác áo CLB Fujieda MYFC theo một bản hợp đồng cho mượn từ Boeung Ket Angkor ở J.League 3. Báo chí địa phương tiết lộ, cầu thủ sinh năm 1994 sẽ nhận lương 10.000 USD/tháng, được cấp xe cũng như một căn hộ hai phòng ngủ…
Bóng đá như một dòng chảy không ngừng tại Campuchia. Họ học hỏi, tiếp thu từ những quốc gia phát triển hơn để tìm ra hướng đi tốt nhất cho mình. Ngoài chuyện thành tích, họ còn có mục đích tốt đẹp hơn. “Bóng đá có thể là động lực thật sự cho phát triển xã hội ở Campuchia”, ông Sao Sokha nhấn mạnh.