Venezuela: Thiếu bao cao su, phụ nữ phải tìm đến triệt sản
Chủ nhật, 7/8/2016 19:31 (GMT+7)
19:31 7/8/2016
Khủng hoảng ở Venezuela gia tăng, các cách tránh thai truyền thống gần như biến mất trên kệ hàng khiến ngày càng nhiều phụ nữ chọn con đường triệt sản để tránh những khó khăn.
“Hiện tại, có một đứa trẻ đồng nghĩa với việc khiến nó phải chịu khổ”, Milagros Martinez nói với Reuters vào một buổi sáng, trong khi chờ quá trình triệt sản diễn ra tại một trung tâm y tế gần Caracas. Người bán thịt 28 tuổi đến từ vùng ngoại ô của thủ đô quyết định thực hiện tiểu phẫu sau khi lỡ kế hoạch đứa trẻ thứ hai do không tìm thấy thuốc tránh thai.
Cuộc sống hàng ngày của cô xoay quanh chuyện tìm thực phẩm. Cô dậy từ nửa đêm và đứng trong đoàn người đang xếp thành hàng dài bên ngoài các siêu thị. Thỉnh thoảng, cô bế theo đứa con nhỏ. Cậu bé bị cháy nắng trong khi chờ ngoài trời hàng tiếng đồng hồ.
“Tôi thấy hơi sợ nhưng thà như vậy còn hơn sinh thêm đứa nữa”, Martinez nói. Cô cùng với hàng chục người phụ nữ khác bắt xe bus từ khu ổ chuột vào lúc 4h sáng để tới tham dự “ngày triệt sản” đặc biệt ở khu phố giàu tại Caracas. Các bác sĩ và nhân viên y tế cho biết, nhu cầu đối với loại hình dịch vụ này ngày càng tăng. Chương trình y tế địa phương dành cho phụ nữ ở bang Miranda - bao gồm nhiều phần của thủ đô, quy định 40 địa điểm trong "những ngày triệt sản". Nhưng ít nhất tới tận năm ngoái, họ không thường xuyên tiếp nhận người dân. Hiện tại, các địa điểm này chật kín người và khoảng 500 phụ nữ đang trong danh sách chờ, Deliana Torres - giám đốc của chương trình, cho biết.
“Trước đây, các điều kiện để tham gia chương trình này là những phụ nữ có thu nhập thấp và có ít nhất 4 đứa con. Hiện tại, chúng tôi chấp nhận cả những người chỉ có một hoặc hai con”, Torres nói. Các nhân viên y tế tại một tổ chức kế hoạch hóa gia đình quốc gia và 3 bệnh viện của chính quyền tại các bang Falcon, Tachira và Merida nhắc lại ý kiến của cô khi nói rằng nhu cầu triệt sản ngày càng phát triển trong những tháng gần đây. Xu hướng này nhấn mạnh mức độ suy thoái của quốc gia dầu mỏ đang buộc người dân phải quyết định những lựa chọn khó khăn.
Venezuela là một quốc gia chủ yếu theo Công giáo La Mã, nơi mà học thuyết Giáo hội bác bỏ tất cả hình thức ngừa thai và phá thai bị cấm trừ khi cuộc sống của người phụ nữ gặp nguy hiểm. Đức Tổng Giám Mục của Merida, Baltazar Porras, nói với Reuters rằng triệt sản gia tăng là một sự “man rợ”. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của Venezuela nghiêm trọng đến mức các cuộc bạo loạn gần như xảy ra hàng ngày vì sự thiếu thốn của thực phẩm, đối với cả tầng lớp trung lưu cũng như những người nghèo.
Phụ nữ mang thai đặc biệt bị ảnh hưởng khi họ phải đấu tranh tìm thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng cũng như sinh nở trong các bệnh viện đông đúc và thiếu thiết bị hay phải dành nhiều thời gian xếp hàng để mua tã, thức ăn trẻ em và thuốc men - những thứ đang khan hiếm.
Một số nhân viên y tế lo ngại cuộc khủng hoảng kinh tế đang gây áp lực đối với những phụ nữ khiến họ lựa chọn những điều có thể khiến họ phải hối tiếc nếu cơn khủng hoảng qua đi. “Đôi khi chúng tôi nghe họ kể rằng những người chồng nói họ triệt sản bởi sinh thêm con trong thời điểm hiện tại là không thực tế”, Ania Rodriguez, một nhân viên xã hội, nói.
Rodriguez cho biết, cô gặp tới 5 người phụ nữ tìm đến triệt sản trong một ngày, tăng từ con số một đến 2 người mỗi tuần vào khoảng một năm trước. Khi một số người dường như chưa chắc chắn hoặc bị ép, Rodriguez cố gắng hướng họ chọn cách đặt vòng tránh thai - có sẵn và rẻ hơn so với thuốc tránh thai hoặc bao cao su.
Trên thị trường chợ đen, một hộp bao cao su 3 chiếc có giá khoảng 2.000 bolivar tương đương khoảng 200 USD trong khi giá tiền ở Mỹ chỉ là 0,6 USD. Tầng lớp ưu tú của Venezuela đủ khả năng chi trả nhưng tầng lớp trung lưu và người nghèo ngày càng cảm thấy khó khăn hơn.
“Tôi không thể tìm thấy thuốc tránh thai. Tại chợ đen, nó rất đắt. Và hiện tại, bạn không thể tìm thấy những thứ đó nữa”, Yecsenis Ginez, 31 tuổi – người đã có một con trai và quyết định triệt sản, nói. Người phụ nữ này chia sẻ: "Tôi từng nghĩ tôi sẽ sinh 5 đứa trẻ. Thậm chí tôi đã nghĩ về những cái tên. Tuy nhiên, thật điên rồ nếu có thai trong thời điểm hiện tại".
Một số người phải chờ trong nhiều tháng để triệt sản bởi những điểm hạn chế tại các bệnh viện công và thực hiện tại phòng khám tư nhân có thể phải trả gấp 12 lần mức lương tối thiểu hàng tháng. Một số trung tâm y tế không thể thực hiện tiểu phẫu do thiếu thiết bị hoặc chuyên gia.
Vào thời kỳ giá dầu bùng nổ, cựu tổng thống Hugo Chavez xây dựng hàng nghìn trung tâm y tế tại các khu dân nghèo và cũng áp dụng các chương trình sức khỏe thai sản suốt thời kỳ cầm quyền, 1999-2013. Tuy nhiên, khi giá dầu lao dốc, nền kinh tế lao đao, các bệnh viện xuống cấp nghiêm trọng.
Tình trạng thiếu thuốc men lên tới 85%. Các trang thiết bị, từ găng tay phẫu thuật tới các lồng ấp, đang trong tình trạng khan hiếm. Nhiều bác sĩ bị trả lương thấp đã nghỉ việc hoặc di dân. Tuy nhiên, chính phủ vẫn khẳng định hệ thống y tế của Venezuela là một trong những hệ thống tốt nhất thế giới và cáo buộc những lời dèm pha là một phần của chiến dịch bôi nhọ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh tại Venezuela là 8,9/1.000 trẻ vào năm ngoái, trên mức trung bình của khu vực châu Mỹ (7,7/1.000). Cơ quan này cho hay, tỷ lệ tử vong của phụ nữ sau khi sinh là 95/100.000 vào năm 2015, một trong những mức tồi tệ nhất tại châu Mỹ Latin và tăng từ con số 90 vào năm 2000. Bên cạnh đó, quốc gia 30 triệu dân là một trong những nước có tỷ lệ trẻ tuổi vị thành niên mang thai cao nhất châu lục, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc.
Trong khi chờ đợi đến lượt vào phòng triệt sản, Yessy Ascanio, bà mẹ 38 tuổi và có 2 con, buồn bã nhớ lại: “Trước đây, khi bạn có thai, mọi người vui mừng. Hiện tại, khi một phụ nữ nói: ‘Tôi có thai’, mọi người đều mắng bạn. Điều này khiến tôi cảm thấy buồn cho những phụ nữ trẻ". Khi một số người lo lắng sau khi nhìn thấy bệnh nhân ngồi trên xe lăn được đẩy ra từ phòng phẫu thuật, cô khuyên: "Nếu bạn sợ hãi, hãy nghĩ đến thực phẩm".
Xoài hiện là thực phẩm chính của nhiều gia đình Venezuela trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực đang diễn ra ngày càng trầm trọng, nhất là tại những khu đặc biệt nghèo.
Để đối phó với khủng hoảng lương thực đang xảy ra, chính phủ Venezuela vừa ban hành một sắc lệnh có thể huy động người dân ra đồng làm việc trong nhiều tháng.