Venice, Đà Lạt và những thành phố xuống cấp bởi khách du lịch quá tải
Thứ ba, 26/3/2019 14:36 (GMT+7)
14:36 26/3/2019
Venice (Italy) chật kín người, Boracay (Philippines) đóng cửa vì ô nhiễm, Đà Lạt của Việt Nam ngập rác... là những hậu quả của vấn đề khách du lịch quá tải.
Đà Lạt (Lâm Đồng) là điểm du lịch hấp dẫn khách trong nước và quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, lượng du khách ngày một tăng dẫn đến tình trạng quá tải xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa cao điểm. Du khách tăng kéo theo nhiều hậu quả ảnh hưởng đến thành phố như ô nhiễm môi trường, các di tích cũ xuống cấp, tắc đường, địa điểm lưu trú mọc lên như nấm, khiến thành phố trong rừng dần bị bê tông hóa. Ảnh: Minh Nguyệt.
Đầu năm 2018, chính phủ Philippines phải ra quyết định đóng cửa đảo ngọc Boracay (Philippines) trong 6 tháng để dọn rác. Hòn đảo này từng bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sự gia tăng lượng khách du lịch là một trong những nguyên nhân chính khiến hòn đảo sở hữu những bãi biển đẹp nhất hành tinh bị phủ đầy rác, nước biển xanh trong bị ô nhiễm bởi chất thải.
Tính đến đầu năm 2018, vịnh Maya (Thái Lan) đón khoảng 5.000 lượt khách du lịch mỗi ngày. Hơn 200 tàu thuyền các loại di chuyển trên vịnh, cùng lượng khách du lịch đông, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái trên vịnh, phá hủy gần như toàn bộ rạn san hô màu sắc và xua đuổi các loài sinh vật biển tại đây. Trước năm 2000, chính phủ Thái Lan từng có động thái đóng cửa các vịnh Maya trong 5 tháng mỗi năm để trả lại không gian riêng cho hệ sinh thái.
Trái với những hình ảnh check-in với quang cảnh đẹp tựa thiên đường là một Bali (Indonesia) thực tế đầy rác và chật chội du khách từ khắp nơi đổ về. Theo Insider, các quan chức ở Bali từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp của điểm du lịch này vào năm 2017 sau khi rác thải nhiều đến mức thủy triều dâng cao đã mang một lượng lớn nhựa dạt vào các bãi biển.
Khoảng 6 triệu du khách đổ về đảo Big Major (Bahamas) mỗi năm. Hòn đảo thiên đường này đang phải chứng kiến sự chết dần chết mòn của số lượng lớn những con lợn bơi đặc trưng nơi đây. Theo Insider, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của loài vật trên đảo là do du khách cho chúng ăn tạp các loại thức ăn như bia, rượu, thức ăn nhanh... Nhiều du khách thậm chí cưỡi lên lưng các con lợn.
Theoước tính, khoảng hơn 20 triệu lượt du khách ghé Venice (Italy) mỗi năm. Lượng khách đông và tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng phần nào đến những di sản lâu đời của thành phố trên sông. CNN cho biết Venice đã đưa ra nhiều quy tắc nghiêm ngặt để quản lý về du lịch, thành phố thậm chí còn hạn chế số lượng phòng khách sạn mới để bảo toàn cảnh quan nơi đây.
Năm 2017, khoảng 1,2 triệu khách du lịch đã đến thăm thành phố Dubrovnik (Croatia), sau khi địa điểm này nổi lên từ những cảnh quay trong bom tấn Game of Thrones. Lượng khách du lịch tăng nhanh, tình trạng quá tải ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng tại các khu phố cổ. UNESCO từng cảnh báo có thể sẽ tước danh hiệu Di sản Thế giới của thành phố này (được công nhận năm 1979) nếu tình trạng tàu du lịch và du khách quá tải không giảm thiểu.
Những năm gần đây, khu tàn tích Inca cổ Machu Picchu (Peru) hấp dẫn hàng nghìn du khách ghé thăm mỗi ngày, vượt xa giới hạn 2.500 người/ngày do Peru và UNESCO đưa ra vào năm 2011. Lượng du khách tăng nhanh đã khiến Machu Picchu đứng trước nhiều nguy cơ xuất hiện những thiệt hại không thể khắc phục được.
Chiang Mai (Thái Lan) được coi là thiên đường du lịch dành cho các du khách nhí với nhiều điểm vui chơi thú vị như bảo tàng côn trùng, vườn thú, vương quốc hổ, trò chơi mạo hiểm...
Nằm cạnh thủ đô Bangkok, Erawan là bảo tàng góp phần gìn giữ di sản, nghệ thuật Thái Lan, đặt trong tượng voi 3 đầu khổng lồ nặng đến 250 tấn, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm.