Chiều 31/5, ông Nguyễn Phú Phương, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, cho biết tuyến đường hẻm ở ấp 3 của xã vừa xuất hiện vết nứt trên mặt đường nhựa vào lúc 5h45 sáng 30/5. Vị trí sạt lở trên sông Rạch Tôm, hẻm 1740, cách đường Lê Văn Lương 300 m về phía nam.
Ngay sau khi nhận tin báo của người dân, lãnh đạo UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, cùng Khu quản lý đường thủy nội địa đã xuống hiện trường, kiểm tra và có phương án xử lý.
Bà Nguyễn Thị Hồng chỉ vào vết nứt sâu trên đường hẻm cạnh sông Rạch Tôm (ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè). Ảnh: Phước Tuần. |
Tuyến đường hẻm xuất hiện vết nứt nằm cạnh sông Rạch Tôm, hiện có hơn 20 hộ dân đang sinh sống. Vết nứt dài khoảng 40 m (đoạn từ trước nhà số 1740/33 đến cuối hẻm), chiều rộng vết nứt 2-6 cm, chỗ sâu nhất 15 cm. Vết nứt cách mép sông 1-6 m (tính từ sông vào trong bờ).
Ghi nhận tại hiện trường, ngoài vết nứt giữa đường, các tường rào một số nhà dân trong khu vực này cũng bị nứt, có nguy cơ đổ sập xuống sông. Bà Nguyễn Thị Hồng (ấp 3, xã Nhơn Đức) cho biết từ khi xuất hiện vết nứt lớn, gia đình luôn lo lắng, ngủ mà cứ sợ nhà sập xuống sông. Hy vọng chính quyền địa phương sớm có giải pháp đóng cừ tràm, xây kè, khắc phục sớm cho người dân an tâm.
Theo báo cáo của Ban quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT TP.HCM), cao độ mặt đường phạm vi phía ngoài sông thấp hơn cao độ mặt đường phía nhà dân (phía ngoài bị lún xuống) khoảng 3-5 cm và bờ sông chưa được gia cố bảo vệ.
Vết nứt khá lớn sau những trận mưa đầu mùa ở ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, uy hiếp đến sự an toàn của người dân sống cạnh sông Rạch Tôm. Ảnh: Phước Tuần. |
Khu vực bị ảnh hưởng khoảng 500 - 600 m2, bao gồm 7-8 căn nhà xây tường gạch, mái lợp ngói hoặc tôn; toàn bộ phần đường bê tông nhựa từ trước nhà số 1740/33 đến cuối hẻm (40 m x 3 m); 2 trụ điện bê tông cốt thép và hệ thống ống cấp nước dân sinh đặt ngầm dưới lòng đường.
Theo ông Nguyễn Phú Phương, đây là khu vực đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao xã Nhơn Đức, UBND huyện Nhà Bè thực hiện ngay việc vận động, di dời tài sản và bố trí nơi tạm trú an toàn cho các hộ dận đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.
"Chúng tôi bố trí ở nhà văn hóa, trường học cho ba hộ dân (15 nhân khẩu) tối qua ngủ để đảm bảo an toàn. Lực lượng dân quân của xã cũng túc trực 24/7 theo dõi, đảm bảo an toàn cho các hộ dân", ông Phương nhấn mạnh.
Để bảo đảm an toàn cho cư dân trong khu vực sạt lở, Khu quản lý đường thủy nội địa sẽ lắp đặt ngay biển báo khu vực sạt lở để cảnh báo. Đồng thời, đề nghị Sở GTVT chấp thuận chủ trương giao cho khu nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ, chống sạt lở tại khu vực với quy mô đầu tư phù hợp.
TP.HCM có 25 vị trí sạt lở nguy hiểm
Khu quản lý đường thủy nội địa cho biết đến nay TP có 47 vị trí có nguy cơ sạt lở, tăng 5 vị trí so với trước tháng 8/2016. Trong đó có 25 vị trí sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 20 vị trí sạt lở ở mức độ nguy hiểm và 2 vị trí sạt lở bình thường.
Khu vực xảy ra sạt lở. Ảnh: Google Maps. |