Zing trích dịch bài đăng trên CNA, đề cập đến những ký ức của cư dân tại Vũ Hán về khoảng thời gian họ đột ngột đối mặt với dịch bệnh bùng phát và lệnh phong tỏa thành phố kéo dài.
Đã gần 1 năm trôi qua, gia đình Koh sinh sống ở Vũ Hán, Trung Quốc vẫn còn nhớ rõ cảm giác nghi ngờ xen lẫn bối rối cả nhà cùng trải qua vào ngày 23/1.
Những gì họ biết được là các quan chức sẽ phong tỏa thành phố 11 triệu cư dân, trong nỗ lực kiểm soát một căn bệnh nào đó có triệu chứng giống viêm phổi. Vài tuần sau đó, dịch bệnh mới được gọi dưới cái tên Covid-19.
Người dân Vũ Hán dần quay trở lại với cuộc sống bình thường sau khi lệnh phong tỏa chấm dứt. Ảnh: Reuters. |
“Ý nghĩ đầu tiên của tôi là làm sao chuyện như vậy có thể xảy ra? Rồi điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Nỗi hoang mang len lỏi khắp mọi nơi”, người đàn ông tên Joshua Koh kể lại.
Ở Vũ Hán, tâm điểm đầu tiên của đại dịch Covid-19, người dân đã bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường với những ký ức khó quên về năm 2020 đầy biến cố.
"Chúng tôi đã bỏ rơi họ"
Tin tức đóng cửa thành phố xuất hiện chưa lâu, Koh và người vợ mang tên Kay Lin Lee lại hay tin dòng người đang lũ lượt lái xe ra khỏi thành phố trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Cặp vợ chồng người Singapore đã ở Vũ Hán được 7 năm. Họ có 4 người con trai, từ 4 đến 17 tuổi. Gia đình 6 người đứng trước lựa chọn khó khăn: ở lại hay quay về quê nhà Singapore.
Koh cho biết ban đầu họ quyết định ở lại Vũ Hán để đảm bảo công việc tại trường quốc tế mà hai vợ chồng chịu trách nhiệm. Nhưng khi tình trạng phong tỏa vẫn kéo dài, họ đăng ký vào danh sách công dân Singapore sơ tán vào tháng 2.
Gia đình Koh tại sân bay ở Vũ Hán hồi tháng 2. Họ chuẩn bị lên máy bay sơ tán công dân Singapore khỏi vùng dịch. Ảnh: CNA. |
"Đó là khoảnh khắc đau lòng khi bạn quyết định phải rời đi và biết rằng không phải ai cũng sẽ làm điều tương tự. Một số người bị bỏ lại và quan trọng hơn, các nhân viên Trung Quốc tại ngôi trường của chúng tôi không thể đi đâu cả. Cảm giác chúng tôi đã bỏ rơi họ đến giờ vẫn còn.Tôi nghĩ nó đã để lại vết sẹo trong lòng mình tới tận giờ”, Koh nói.
Ở sân bay, rủi ro lây nhiễm bệnh vẫn hiển hiện rõ khi dòng người chờ đợi lên các chuyến bay sơ tán công dân chật kín.
“Thời điểm chúng tôi hạ cánh xuống Singapore, cảm giác giống như một tiếng thở phào nhẹ nhõm”, cô Lee nhớ lại.
Ban đầu, họ tính chỉ lưu lại Singapore một tháng. Song, Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu và họ chỉ có thể trở về Vũ Hán vào cuối tháng 10.
Đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi virus tấn công Vũ Hán, những con người tại thành phố này vẫn đang đối diện với những hậu quả dịch bệnh để lại lên cả sức khỏe lẫn tâm lý. Ảnh: Reuters. |
"Cuộc sống dần trở lại bình thường ở Vũ Hán. Nhưng mọi thứ không còn như trước nữa, bạn có thể cảm nhận nhiều thứ đã thay đổi”, người chồng chỉ ra sự phổ biến của việc đeo khẩu trang và hàng loạt doanh nghiệp, công ty đã đóng cửa trong một năm qua.
Giờ đây, gia đình Koh cố gắng tránh những nơi đông đúc như trung tâm mua sắm vào cuối tuần và dành nhiều thời gian hơn ở nhà. Do lệnh hạn chế đi lại, họ không chắc khi nào sẽ quay lại Singapore.
"Không ai muốn trải qua một lần nữa"
Đối với một cư dân Vũ Hán có biệt danh Mdm Jin (42 tuổi), năm 2020 là một năm mà cô muốn xóa khỏi ký ức.
Jin từng xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào tháng 1, sau khi cô trở về quê nhà ở tỉnh Hà Nam.
Các triệu chứng của cô ở mức nhẹ. Mối quan tâm lớn nhất của cô khi đó là liệu bản thân có vô tình lây bệnh cho con trai và cha mẹ già của mình hay không.
“Tôi thấy may mắn khi thoát chết, mặc dù tôi đã chuẩn bị tinh thần cho điều đó. Miễn cha mẹ và con trai đều ổn, những thứ khác không quan trọng”, cô nói.
Ký ức về khoảng thời gian Vũ Hán bị dịch bệnh tấn công đau thương nhưng khó quên. Ảnh: AP. |
Nhưng sau khi cô xuất viện, sóng gió vẫn chưa chấm dứt. Hàng xóm, người thân phản đối khi cô cố gắng trở về nhà bố mẹ đẻ. Thay vào đó, cô phải lưu lại ở khách sạn gần đó.
“Cha mẹ tôi thực sự cầu xin mọi người cho tôi quay lại. Họ khẩn khoản rằng con gái đã khỏi bệnh, tại sao mọi người vẫn giữ tâm lý xua đuổi”, Jin kể lại.
Bây giờ, gần một năm trôi qua, Jin đã trở lại Vũ Hán làm việc. Dù chiến thắng virus, cô đang đối mặt với di chứng sức khỏe kéo dài, chẳng hạn như hệ miễn dịch kém đi hẳn.
Nhưng với Jin, ký ức buồn về khoảng thời gian chống chọi dịch bệnh và những vết thương tâm lý mất nhiều thời gian để chữa lành hơn.
Jin không chắc liệu cái Tết sắp tới cô có nên về thăm nhà. Nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, Jin lo lắng sẽ bị nhiễm virus lần nữa.
"Tôi cố quên đi mọi chuyện diễn ra vào năm nay nhưng không thể", cô cho hay.
Mới đây nhất, Jin muốn mua bảo hiểm, nhưng bị từ chối đơn chỉ vì cô từng nhiễm Covid-19. Sự cố này một lần nữa khiến Jin cảm thấy đau lòng. "Đó là lúc tôi nhận ra rằng Covid-19 tác động tới chúng tôi lớn như thế nào", cô nói.
Đợt phong tỏa kéo dài 76 ngày là khoảng thời gian mà chắc chắn các cư dân Vũ Hán không thể quên. Trong khoảng thời gian đó, nam diễn viên Li Jinglun và các đồng nghiệp của anh đã tình nguyện tham gia vào việc rà soát, kiểm tra tại một cửa ngõ ra vào trong thành phố.
“Thỉnh thoảng khi đi ngang qua đó, chúng tôi vẫn thường chỉ vào nó và nói rằng sẽ không bao giờ quay lại đây nữa. Đó là giai đoạn thật sự khắc nghiệt và không ai muốn trải qua những điều như vậy một lần nữa", ông Li nói.