Tháng 9/2021, TP.HCM bước qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội và căng mình chống lại làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh khiến thành phố phải liên tục thay đổi chiến lược phòng chống dịch.
Tháng 9/2022, nhịp sống ở TP.HCM trở lại năng động, náo nhiệt như đặc trưng vốn có. Đã một năm không còn bóng dáng của cách ly, dây giăng, tem phiếu, đi chợ hộ…
Đối với những người dân ở thành phố, ký ức về quãng thời gian sống chung với dịch đó hằn sâu trong tâm trí. Còn với những y bác sĩ, tình nguyện viên, người tham gia vào “cuộc chiến” này với nhiều vai trò, mỗi người đều lưu giữ ký ức theo một cách khác.
Zing ghi lại những chia sẻ cảm xúc từ 3 nhân vật đã tham gia gần như xuyên suốt chuỗi ngày “sống chung” với Covid-19.
Duy Hiệu - Phóng viên ảnh của Zing News, từng có khoảng thời gian gần 2 năm tác nghiệp ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly.
Anh có nhiều tác phẩm mang dấu ấn cá nhân và tạo được giá trị: Những tang lễ lặng lẽ trong đại dịch Covid-19, Hành trình chở F0 đi điều trị Covid-19 tại TP.HCM, Cuộc tầm soát Covid-19 quy mô lớn nhất ở TP.HCM, Đêm trực căng thẳng tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM... Duy Hiệu được Hiệp hội Báo chí và Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA) trao giải vàng ở hạng mục ảnh về chủ đề dịch Covid-19 (Best Covid-19-related Photography) trong nhóm cơ quan truyền thông vừa và nhỏ.
Chia sẻ sau một năm đại dịch đi qua, anh cho biết: “Những hình ảnh đau thương trong đại dịch vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Mỗi lần đi qua con đường Hùng Vương (quận 5), tôi vẫn bất giác nhìn sang bên phải, trong một chung cư cũ ở lầu 2 có một gia đình gần 20 người phải chứng kiến người thân của mình được bọc trong túi nylon và chuyển đi”.
Bác sĩ Võ Tấn Lực - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến Covid-19 1.000 giường (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2) vào ngày 14/7/2021, anh cùng nhiều bác sĩ khác bước vào khoảng thời gian căng thẳng nhất, khi số ca nhiễm ở TP.HCM liên tục lập kỷ lục.
Bước ra từ chính nơi khốc liệt nhất của dịch Covid-19, chứng kiến cảnh kẹt xe của thành phố nhưng lòng anh cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.
“Những lời hứa với người mắc Covid-19, tới thời điểm này nó hằn vào ký ức của mình. Thật sự mình đã không hoàn thành được lời hứa đối với người bệnh”, bác sĩ Võ Tấn Lực – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, xúc động khi nhìn lại sau một năm đại dịch Covid-19 đi qua.
Võ Kim Shotika - một trong số hàng nghìn bạn trẻ chọn ở lại TP.HCM, tham gia vào các hoạt động tình nguyện để giúp đỡ mọi người.
Từ lần đầu bỡ ngỡ với bộ đồ bảo hộ, cô gái 20 tuổi với mong muốn giúp đỡ nhiều hơn những người trong đại dịch, có gần 4 tháng gắn với nhiều công việc tình nguyện. Đó là những ngày giúp các cụ vô gia cư được tiêm vaccine, mang bữa cơm thiện nguyện đến những mảnh đời cơ nhỡ, hỗ trợ nhiều gia đình F0 khỏi bệnh và giúp nhiều trẻ em không có gia đình tìm được nơi nương tựa.
“Tôi biết trân trọng thời gian của bản thân, yêu thương cũng như tập chia sẻ để hiểu mọi người hơn. Bởi khi đi qua trận chiến, nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống, nhìn lại những người quanh mình thật sự rất đáng trân trọng”, Shotika chia sẻ.