Nếu lấy Người phán xử làm bước ngoặt, giai đoạn trước đó được ví là quãng thời gian bế tắc của phim truyền hình Việt. Suốt thời gian dài, kéo từ thập niên 1980-1990, phim truyền hình được gắn với “thương hiệu”: “Cứ thấy phim Việt là chuyển kênh”.
Vết xe đổ muôn thuở
Thời 1980-1990, các kênh sóng của VTV phủ ngập phim chưởng bộ Hong Kong, với những giọng lồng tiếng đã trở thành kinh điển. Sự tung hoành của phim chưởng bộ, phim cảnh sát hình sự Hong Kong còn giúp các nghệ sĩ Việt “ăn nên làm ra” với nghề lồng tiếng. Đến Lam Trường cũng từng tự hào kể lại quãng thời gian anh tham gia lồng tiếng cho các phim Hong Kong kiếm tiền, nuôi nghề ca sĩ.
Khi phim Hong Kong thoái trào, truyền hình Việt lại bắt đầu kỷ nguyên phim Hàn Quốc đầy nước mắt kéo dài đến gần 20 năm. Từ những bộ phim dài tập được Hàn Quốc gửi tặng, làn sóng phim Hàn ập đến với những mỹ nam, mỹ nữ, nhấn chìm phim Việt trong quên lãng.
Khi những bộ phim Hàn làm mưa làm gió khắp các kênh sóng Việt Nam và châu Á, người ta mới ngồi phân tích, tại sao phim Hàn có thể lấy lòng được đông đảo khán giả đến thế, và tại sao phim Việt lại bị thất sủng đến thế.
Bộ phim gia đình Những nàng công chúa nổi tiếng của Hàn Quốc từng gây bão màn ảnh nhỏ Việt năm 2009. |
Cách đây chừng 10 năm, bộ phim Những nàng công chúa nổi tiếng xoay quanh cuộc sống của một gia đình gồm 4 cô con gái đã gây bão màn ảnh Việt, với tất cả sự ngạc nhiên của cả truyền thông và công chúng.
Những nàng công chúa nổi tiếng - một bộ phim quá đỗi giản dị, chỉ xoay quanh cuộc sống của một gia đình, từ chuyện đi chợ, cùng nhau ăn thịt nướng, đến những chuyện giận hờn, yêu đương của 5 cô con gái mà có sức lan tỏa mạnh mẽ, làm “chao đảo” khán giả Việt.
Lúc ấy người ta mới nhìn kỹ hơn vào phim Việt với những câu chuyện xa lạ, “trời ơi đất hỡi”, xa rời cuộc sống và đặc biệt nặng tính kịch nói, nặng tính sân khấu trong diễn xuất, lời thoại.
Khi đặt cạnh sức lan tỏa của Những nàng công chúa nổi tiếng, lý do phim Việt bị thất sủng trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn bao giờ hết. Phim Việt không xây dựng từ đời sống, không bám vào chất liệu đời để đến với khán giả, kịch bản phim đã được sân khấu hóa, những câu chuyện mang tính biểu tượng, những nhân vật mang tính hô hào, lời thoại là những câu triết lý sáo rỗng, diễn xuất của dàn diễn viên bị kịch hóa.
Việc biến phim ảnh thành sân khấu, việc biến cuộc sống trên phim thành những câu chuyện mang tính biểu tượng vô lý, xa lạ trong thời gian dài, đã khiến “cứ thấy phim Việt là chuyển kênh” trở thành một thứ biểu tượng khác, của màn ảnh.
Vết xe đổ ở Về nhà đi con
Tính kịch, tính sân khấu có thể được hiểu theo một cách đơn giản nhất là sự sắp đặt của đạo diễn lộ liễu trên phim. Xem phim, nhưng khán giả có thể nhìn thấy bàn tay đạo diễn đã sắp xếp tất cả (bất chấp những logic thực tế), thậm chí diễn viên cũng nói ra những lời thoại do đạo diễn muốn nói.
Khi thoát khỏi tính kịch, tính sân khấu, để cuộc sống chảy vào phim một cách tự nhiên nhất, đời thường nhất, tự thân bộ phim sẽ tìm thấy khán giả của mình.
Dàn diễn viên Khi người đàn ông góa vợ bật khóc đã không thể gây bão như Về nhà đi con. |
Bộ phim Về nhà đi con lấy cảm hứng từ Khi đàn ông góa vợ bật khóc phát sóng năm 2013. Bộ phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc đã không thể gây bão như Về nhà đi con được làm lại vào năm 2019, lý do không khó nhận ra.
Diễn xuất, lời thoại còn nặng tính sân khấu, tình tiết thiếu chọn lọc, nặng tính sắp đặt đã khiến Khi người đàn ông góa vợ bật khóc dù có ý tưởng về mặt nội dung, dù có câu chuyện xúc động, dù có tựa đề rất “sến” vẫn không thể làm nên chuyện như cách Về nhà đi con đã làm được.
Cố tránh “vết xe đổ” muôn thuở về tính kịch, tính sân khấu, đội ngũ biên kịch với chất liệu đã có từ Khi người đàn ông bật khóc, đã nỗ lực xây dựng cho Về nhà đi con những câu chuyện đời nhất, thật nhất, những câu thoại lấy từ chính bạn bè, người thân xung quanh để bồi đắp cho nhân vật.
Được biết, dàn biên kịch của những người làm phim truyền hình hiện đã thay đổi, họ không còn ngồi một chỗ, bên bàn giấy để tưởng tượng, sáng tác, họ đã bám sát đoàn làm phim từ khâu tuyển lựa diễn viên, chỉnh sửa kịch bản, lời thoại theo tính cách, diễn xuất của diễn viên, để có thể có được những nhân vật trên màn ảnh thật nhất.
Về nhà đi con khi lên sóng đã được ngợi khen về những câu chuyện rất thật, cách “diễn mà như không diễn” của dàn diễn viên, những câu thoại lan tỏa, tạo trend… Nỗ lực “thật hóa”, “đời hóa” đã phát huy tác dụng hơn cả mong đợi, “bộ phim thành công ngoài sức tưởng tượng” - chính là chia sẻ của đạo diễn Danh Dũng.
Tập cuối để lộ những sự sắp đặt để "kết cho nhanh gọn" câu chuyện. |
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn sót lại những tàn tích của tính kịch, tính sân khấu, như cách nhân vật ông Sơn rất hay triết lý sâu sắc trong các câu thoại.
Là người đàn ông hiền lành, sống giản dị, bình dân, nhưng những lời thoại mang tính triết lý sâu sắc của ông Sơn xuất hiện với mật độ khá dày đặc trong suốt các tập phim.
Đặc biệt là tập cuối, cú chốt của một “cơn bão” lại nặng tính kịch đến khó lường. Bị cố kéo dài thêm tập, khi các câu chuyện lẽ ra cần kết thúc từ lâu lại không thể kết thúc, phim bị lê thê ở các tập gần cuối, nhưng lại nhanh gọn bất thường ở tập cuối cùng.
Cách bày trí, sắp đặt tình tiết của đạo diễn bị lộ liễu, cách nhân vật Vũ cầu hôn Thư, cách Quốc đột nhiên cầm hoa đến tặng Huệ trong ngày vui của Thư, đã bị “kịch” trong một bộ phim từng rất được khen về độ chân thực.
“Vết xe đổ” muôn thuở của phim truyền hình Việt đã xuất hiện đúng vào cú chốt, khiến Về nhà đi con bị mất điểm.
“Vết xe đổ” vẫn còn, dù cách thức, tư duy làm phim truyền hình đã có những bước ngoặt lớn.