Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì đâu nên nỗi nhạc Hoa ngữ hát khúc ấm ức với Kpop?

Trung Quốc từng giữ vị trí độc tôn tại thị trường nhạc pop châu Á trong một thời gian dài. Nhưng mấy năm gần đây, Hàn Quốc đã hoàn toàn chiếm lĩnh sân khấu.

Thập niên 1970-1990 của thế kỷ trước, nhạc Hoa là một "đế chế" tại châu Á. Những bộ phim truyền hình Hàn thời gian này cũng phải mượn giai điệu Ánh trăng nói hộ lòng tôi của Đặng Lệ Quân làm ca khúc chủ đề. Tại Việt Nam còn nở rộ trào lưu những bài hát nhạc Hoa lời Việt. Thời điểm hoàng kim đó, Đặng Lệ Quân, Trương Quốc Vinh sau đó là Tứ đại thiên vương, Thiên hậu Vương Phi mới là những từ khóa hot. Còn Kpop thực sự chưa được biết đến.

Đặng Lệ Quân và Trương Quốc Vinh là quá khứ hoàng kim của âm nhạc Hoa ngữ. Ảnh: Sina.

Nhưng đó là chuyện quá khứ. Thời thống trị của nhạc Trung đã qua từ khá lâu. Khoảng 2 thập niên qua, các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc đã vươn lên tạo ảnh hưởng ở chính những thị trường từng rất mạnh như Nhật Bản, Trung Quốc và cả Đông Nam Á.

Sina từng viết rằng “âm nhạc Hoa ngữ đang bị tổn thương sau thời kỳ hoàng kim bởi Kpop”. Có thể nói, Cpop bị vượt mặt quá dễ dàng bởi quá nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan.

Âm nhạc mang tính địa phương, 20 năm vẫn như cũ

Người Trung Quốc có thể tự hào rằng họ đông dân nhất thế giới. Cpop có thể chia thành ba loại: Mpop (dành cho khu vực Đại lục), HKpop (hát tiếng Quảng, khu vực Hong Kong) và Tpop (tại Đài Loan). Những người biết tiếng Hoa đều yêu thích cả ba phong cách này. Các nghệ sĩ có thể biểu diễn ở Thái Lan, Malaysia, châu Âu và Mỹ, tự tin sở hữu lượng khán giả đông đảo bởi người Hoa ở khắp mọi nơi.

Vương Phi được xưng tụng Thiên hậu làng nhạc. Nhưng nhiều năm qua, cô thường chỉ đứng yên khi biểu diễn, không có sự mới mẻ. Ảnh: XBK.

Điều này khiến các công ty cùng nghệ sĩ trở nên chủ quan, thiếu sự đầu tư và chăm chút đổi mới cho sản phẩm tinh thần của mình.

Không thể phủ nhận, những ca khúc nhạc Hoa có âm nhạc sâu lắng, ca từ ý nghĩa khiến người nghe thổn thức đến mức rơi lệ. Một thời gian dài, các ca sĩ nổi tiếng như Vương Phi, Mai Diễm Phương hay Tống Tổ Anh chỉ cần lên sân khấu, đứng một chỗ và hát đã là diva. Nhưng sau nhiều năm, vẫn với lối mòn đó và những nghệ sĩ như thế, âm nhạc Hoa ngữ tự loại mình khỏi cuộc đua với Hàn Quốc.

“Ngay cả ông hoàng nhạc pop như Châu Kiệt Luân khi đứng trên sân khấu cũng lỗi thời so với Big Bang hay Super Junior. Gu thời trang biểu diễn, xu thế âm nhạc và vũ đạo sân khấu, nghệ sĩ Trung đều kém xa so với đồng nghiệp Hàn. Đó là chưa kể đến sự bảo thủ trong âm nhạc. Đối lập với đó, Hàn Quốc là sự kết hợp mới mẻ giữa Âu và Á”, một biên tập âm nhạc có tiếng của Hong Kong nhận định.

Trái ngược, Hàn Quốc tạo nên sức hút bởi những tên tuổi trẻ trung và sôi động, đa dạng trong âm nhạc. Ảnh: Sport Korea.

Nghệ sĩ mới như "đãi cát tìm vàng"

Các nhà quản lý văn hóa Trung Quốc thừa nhận, họ thiếu hụt về nhân sự trong lĩnh vực âm nhạc. 10 năm trở lại đây chưa có một ngôi sao thực sự xuất hiện thay thế cho những Châu Kiệt Luân, Thái Y Lâm, Twins hay Vương Lực Hoành.

Những nghệ sĩ mới được ca tụng hết mực như Lý Vũ Xuân hay Đặng Tử Kỳ, Châu Bút Sướng lại chưa vượt ra được khỏi biên giới quốc gia. Thậm chí, họ còn bị chê nghèo nàn về ý tưởng khi có giống hệt Miley Cyrus hay Lady Gaga.

Thêm vào đó, những nghệ sĩ thần tượng lại muốn ghi điểm ở mảng phim ảnh hơn là âm nhạc. Sự thật, Cpop đi xuống và không mấy người tự tin có thể vực dậy. Và vì thế, họ chọn con đường phát triển khác. Đó là lý do khi Kris Ngô Diệc Phàm hay Luhan, Victoria khi về nước lại lấn sân làm diễn viên.

Châu Kiệt Luân hiện là cái tên sáng giá nhất của nhạc đàn Hoa ngữ, dù anh đã 37 tuổi. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Sự hạn chế tương tác qua Youtube, Facebook hay Twitter

Đánh giá của Korea Times cho thấy, Kpop có sự phát triển vượt trội nhờ vào Youtube và kênh mạng xã hội. Mỗi nghệ sĩ/ ban nhạc tại quốc gia này đều có kênh Youtube riêng, phát hành các teaser, MV mới hay cảnh trong hậu trường. Họ sẵn sàng có bản phụ đề tiếng Anh để khán giả quốc tế dễ dàng tiếp cận. Trên trang mạng xã hội, thần tượng xứ củ sâm thường xuyên trao đổi cùng người hâm mộ bằng tiếng Anh.

Do đó, có thể chỉ sau vài ngày ra mắt, sản phẩm âm nhạc của SNSD, Big Bang hay Psy có thể đạt hàng hàng chục triệu lượt xem trên Youtube. Không ngạc nhiên khi vì thế, Kpop có khá nhiều nghệ sĩ tổ chức sự kiện âm nhạc hoành tráng với Google ở California (Mỹ).

Để là fan của Kpop, họ dễ dàng tiếp cận với thần tượng thông qua nhiều kênh diễn đàn quốc tế. Thần tượng với họ vừa xa, vừa gần.

Big Bang là một trong những nhóm nhạc thành danh toàn cầu nhờ Youtube. Ảnh: MTV.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc không vậy. Youtube, Facebook hay Twitter đều bị hạn chế tối đa. Đài Loan và Hong Kong không cấm nhưng các nghệ sĩ cũng chẳng mặn mà chuyện chăm sóc các kênh trực tuyến của mình. Người hâm mộ muốn giao lưu nghệ sĩ thường phải mở tài khoản Weibo bằng tiếng Hoa. Vì lẽ đó, tính tương tác trở nên hạn chế. Sự tiếp cận thông tin mới về âm nhạc của sao Hoa ngữ cũng bị chậm một nhịp.

Những nhà chức trách Trung Quốc cho rằng, họ cần phải học tập Hàn Quốc về xuất khẩu văn hóa. Một số chuyên gia cho rằng đó là lý do các công ty lớn của quốc gia này liên kết hợp tác với SM Entertainment hay YG Entertainment.

Hiểu Nguyệt (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm