Những mức phí chuyển nhượng lên tới gần 100 triệu bảng cho những cầu thủ chỉ ngấp nghé mức ngôi sao đang dần trở nên quen thuộc với bóng đá hiện đại.
Những kỷ lục chuyển nhượng trong quá khứ liên tục bị công phá, những mức giá tiêu chuẩn cho một cầu thủ ngôi sao cũng dần trở thành mức sàn của những vụ chuyển nhượng ở các giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
Ai là cầu thủ đắt nhất lịch sử?
Năm 2000, Real Madrid chi 37 triệu bảng để mang Luis Figo về từ Real Madrid. Cả thế giới chấn động vì sự táo bạo lẫn độ chịu chi của Los Blancos. Gần 20 năm sau, 37 triệu bảng còn không thể chiêu mộ nổi Wilfried Zaha của Crystal Palace. Everton mới đây còn nâng giá Zaha lên 55 triệu bảng nhưng vẫn bị từ chối khi đội bóng thành London đòi 80 triệu cho cựu cầu thủ MU.
Năm 2000, Real Madrid gây chấn động khi chiêu mộ Luis Figo từ Barca với giá 37 triệu bảng, số tiền không đủ để mua Wilfried Zaha của Crystal Palace lúc này. Ảnh: Getty. |
Cách đây vài ngày, HLV Juergen Klopp vừa quả quyết rằng “chỉ có 4 CLB có thể liên tục mua cầu thủ là Real, Barca, PSG và Man City” nhằm ám chỉ sự lũng đoạn của nhóm quyền lực này.
Nhà cầm quân người Đức phát biểu khi Liverpool mới chi ra vỏn vẹn 1,71 triệu bảng để chiêu mộ cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa hè, bất chấp việc họ đang là nhà ĐKVĐ Champions League.
Song với nhà báo kỳ cựu Martin Samuel của Daily Mail, việc Klopp phát biểu quy trách nhiệm như thế cho Real, Barca, PSG và Man City trong việc làm thay đổi thị trường chuyển nhượng là không hẳn chính xác. Những con số có thể chỉ ra Figo rẻ hơn Zaha, nhưng những con số sẽ chỉ chính xác nếu đặt đúng vào lăng kính.
Player Rating là công cụ mà Martin Samuel đã sử dụng để tính toán giá trị thực chất của cầu thủ bao gồm cả trượt giá sau thời gian. Kết quả là hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Neymar (222 triệu euro từ Barca sang PSG) chỉ đứng thứ 5 trong số những hợp đồng đắt giá nhất lịch sử.
Theo tính toán, "Người ngoài hành tinh" Ronaldo mới là cầu thủ đắt giá nhất lịch sử với giá 388 triệu bảng từ Barca đến Inter vào năm 1997. Ảnh: Getty. |
Thương vụ đắt nhất thuộc về Ronaldo từ Barca sang Inter Milan vào năm 1997. “Rô béo” khi ấy được định giá tới 388 triệu bảng (giá thực là 23 triệu euro). Thương vụ thứ 2 là Michel Platini từ Saint-Etienne đến Juventus vào năm 1982 được định giá 299 triệu bảng (giá thực mua thậm chí không được tiết lộ).
Hệ quả tất yếu
Những thuật toán cho ra kết quả có thể gây tranh cãi, nhưng ý tưởng thì không hề sai. Trước PSG, Man City đã luôn có những CLB vung tiền ra thị trường chuyển nhượng nhằm có được các ngôi sao nhằm gia tăng sức mạnh.
Serie A là giải đấu số một thế giới trong hai thập niên 80 và 90, vì thế kỷ lục chuyển nhượng trong gần 20 năm chỉ xoay quanh biên giới Italy. Premier League và La Liga thay nhau đứng đầu kể từ những năm đầu thế kỷ 21, và điều tương tự cũng tới với hai giải đấu này.
Cristiano Ronaldo là một trong những hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Real Madrid. Ảnh: Getty. |
PSG nỗ lực tột bậc để tự đưa mình trở thành CLB mạnh nhất thế giới bằng nguồn tiền của người Qatar. Song tất cả đều đã thấy nỗ lực đơn lẻ của một mình PSG không thể tạo ra khác biệt. Ligue 1 không đủ sức hút để đối chọi lại với Premier League và La Liga.
Man City là CLB đã chi tiền một cách đều đặn (gần 1,5 tỷ bảng trong 10 mùa qua) và vì vậy họ có được thành công khi kết hợp cùng tiền bạc là một HLV tài năng cùng hệ thống học viên ngày một hoàn thiện.
Mùa hè này, Man City mới chỉ chi ra 61,5 triệu bảng cho Rodri từ Atletico Madrid, một hợp đồng mang tính hoàn thiện đội hình hơn là để thay đổi cục diện giải đấu như Real hay Barca từng làm trong quá khứ.
Đội bóng của Pep Guardiola sau 2 chức vô địch Premier League liên tiếp giờ đã tiến lên một nấc thang mới trong việc hoạch định tương lai thay vì vung tiền thêm để mua cầu thủ.
Hơn 500 triệu bảng được chi ra trong triều đại Pep Guardiola đã giúp Man City có được một đội ngũ đủ tinh nhuệ lẫn trẻ trung trong vòng 2-3 năm nữa, và việc mua thêm ngôi sao lúc này là không hoàn toàn cần thiết.
Chữ ký Rodri từ Atletico Madrid đưa số tiền mà Man City chi ra cho công tác chuyển nhượng 10 mùa giải qua lên ngưỡng 1,5 tỷ bảng. Ảnh: Getty. |
Man City đã chi rất nhiều tiền để mang về thành công, và khi bắt đầu có được điều ấy một cách bền vững, The Citizens chọn cách hạn chế.
Tức nếu nói về giá chuyển nhượng thì 80 triệu bảng cho Zaha hay Hary Maguire đều là những mức có thể chấp nhận được nếu nhìn nhận Premier League là giải đấu có sự cạnh tranh đỉnh cao như Serie A cách đây 2,3 thập kỷ.
Tiền chuyển nhượng nhìn từ năm 2019 đơn giản là không thể so sánh với cùng một mức chi trong quá khứ.
Vậy ai là người “có lỗi” trong sự tăng giá phi mã (về mặt con số) này? Câu trả lời nằm ở tham vọng của mỗi CLB. Sự xuất hiện của những Chelsea, Man City, PSG đã thổi bùng lên cuộc đua tiền bạc và kết quả tất yếu là mức giá như hiện tại.
Song chính chính điều ấy cũng đã diễn ra ở quá khứ. Thứ tham vọng khiến Inter bỏ 23 triệu euro để chiêu mộ Ronaldo từ Barca vào năm 1997 cũng giống thứ động lực khiến PSG quyết cuỗm Neymar từ tay Barca vào năm 2017.
Việc Neymar có giá 222 triệu euro chỉ là hệ quả tất yếu của cuộc đua danh vọng giữa nhưng CLB khổng lồ của bóng đá châu Âu. Ảnh: Getty. |
Tức chẳng bên nào “có lỗi” thật sự trong cuộc đua kim tiền này. Khi giá cầu thủ tăng như một hệ quả hiển nhiên, thì việc duy nhất mà các CLB cần làm làm định giá cầu thủ tốt nhất có thể trước khi bước vào công cuộc ngã giá.
Quá khứ đã trôi qua, và không phải điều gì cách đây 20 năm cũng tốt đẹp và lung linh hơn hiện tại.