Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ phải chịu nhiều di chứng, thậm chí là tử vong.
Viêm màng não
Phế cầu gây viêm màng não thường xuất phát từ niêm mạc hầu họng. Trẻ em dễ bị lây vi khuẩn này từ các thành viên trong gia đình qua đường hô hấp. Trong các bệnh do vi khuẩn này gây nên, viêm màng não được xem là bệnh khó phát hiện nhất.
Khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu dữ dội, dễ nôn, bỏ bú, quấy khóc, khó thở, da tím tái, co giật..., mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ khám và thực hiện xét nghiệm nếu cần để chẩn đoán bệnh.
Vi khuẩn phế cầu gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm ở trẻ em. |
Viêm màng não do vi khuẩn nói chung và phế cầu nói riêng có thể gây ra các biến chứng như: tổn thương các dây thần kinh sọ não, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não... gây tắc nghẽn dịch não tủy, viêm khớp viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm thận...
Mẹ lưu ý đây là bệnh nguy hiểm, dễ để lại di chứng, nếu chẩn đoán và điều trị muộn có thể dẫn đến: lác mắt, mù mắt, điếc hoặc nghe kém, tổn thương não, trẻ có thể bị liệt một chi, liệt nửa người, hoặc liệt hai chi dưới (theo Meningitis Research Foundation)
Viêm phổi
Viêm phổi do phế cầu là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đây là một loại vi khuẩn gây bệnh thường lưu trú tại vùng mũi họng không chỉ ở người bệnh mà ngay cả ở một số người khỏe mạnh. Vi khuẩn phế cầu có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường không khí khi hắt hơi, ho, đặc biệt trong môi trường sống hoặc lớp học đông đúc, từ đó xâm nhập vào cơ thể và gây ra viêm phổi.
Bệnh nhân thường có những biểu hiện cấp tính như sốt cao, đau ngực, ho nhiều... có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trẻ nhỏ dễ có nguy cơ diễn tiến nặng, triệu chứng ban đầu thường là ho nhiều, sốt cao, khóc quấy, bỏ bú, trẻ có biểu hiện thở nhanh (40-50 lần/phút).
Không chỉ gây viêm phổi, phế cầu còn có thể xâm nhập sâu hơn vào cơ thể gây ra nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não... Ai cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn phế cầu, tuy nhiên người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh tim, phổi hoặc gan, thận, nghiện rượu hoặc ung thư... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm phổi là bệnh lây nhiễm gây tử vong số một đối với trẻ em mà nguyên nhân hàng đầu là do vi khuẩn phế cầu. Gần 1,2 triệu trẻ em tử vong hàng năm bởi viêm phổi (theo nghiên cứu Trẻ em viêm phổi ở các nước đang phát triển, 2013). Tại Việt Nam, con số này là 2,9 triệu (theo WHO, 2008). Đây không chỉ là mối đe doạ đối với sức khoẻ của trẻ mà còn là gánh nặng lớn đối với gia đình, xã hội và ngành y tế.
Liên minh Toàn cầu Phòng chống Viêm phổi Trẻ em kêu gọi những hành động cấp thiết để kết thúc tình trạng tử vong do căn bệnh hoàn toàn có thể tránh khỏi này vào năm 2030.
Nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết do phế cầu xâm nhập vào máu gây sốc nhiễm trùng. Bệnh nguy hiểm hơn với những trường hợp đã có sẵn những bệnh lý khác. Đây là hiện tượng vi khuẩn từ đường hô hấp hoặc tai giữa xâm nhập vào máu gây bệnh toàn thân nặng.
25-30% bệnh nhân bị viêm phổi do phế cầu có khả năng bị nhiễm trùng huyết. Theo thống kê của Mỹ, tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng huyết vào khoảng 20% nhưng có thể lên đến 60% đối với bệnh nhân cao tuổi (theo Sở Y tế Pennsylvania). Triệu chứng bao gồm: sốt cao đột ngột, lạnh run, nhịp tim nhanh, thay đổi trạng thái tâm thần, rối loạn đông máu, giảm lượng nước tiểu…
Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh nguy hiểm do vi khuẩn phế cầu. |
Cũng như 2 bệnh nguy hiểm ở trên, với nhiễm trùng huyết, việc tiêm vắc-xin phòng ngừa vi khuẩn phế cầu sẽ giúp mẹ chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ cho con. Bên cạnh việc tiêm vắc-xin, cần giữ ấm cơ thể bé trong mùa mưa và mùa lạnh, cho bé bú mẹ trong 6 tháng đầu, giữ vệ sinh cơ thể trẻ và môi trường sinh hoạt. Khi trẻ mắc các bệnh hô hấp, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ và điều trị dứt điểm, tránh để bệnh kéo dài.
Gặp bác sĩ để được tư vấn tiêm ngừa hoặc truy cập website www.tiemngua.com để biết thêm thông tin và cách phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng được thực hiện bởi Hội Y học Dự phòng Việt Nam và VPĐD GSK Pte Ltd tại TP.HCM.