Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Đưa, nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng...”, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty Điện lực tỉnh Bình Thuận và các đơn vị liên quan.
Cùng với đó, C03 cũng đã khởi tố các bị can về các hành vi trên, trong đó có Huỳnh Tuấn Ân (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tuấn Ân), Nguyễn Thành Ngôn (Giám đốc), Trần Ngọc Linh (nguyên Giám đốc), Trương Tấn Đạt (Phó giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Bình Thuận).
Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân bị phạt hành chính 250 triệu đồng; cấm tham gia đấu thầu tại EVNHCMC và các đơn vị trực thuộc trong vòng 4 năm. |
Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Thiết bị điện Tuấn Ân (Công ty Tuấn Ân) 250 triệu đồng về hành vi cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu khi tham gia đấu thầu.
Kết quả đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu với gói thầu số 39-2022 (mua sắm biến dòng điện trung thế các loại) và gói thầu số 40-2022 (mua sắm biến điện áp trung thế), do Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) làm chủ đầu tư.
Liên quan tới các gói thầu trên, Công ty Tuấn Ân đã cung cấp 4 văn bản xác nhận vận hành thành công của một số đơn vị như: Công ty Điện lực Phú Xuyên, Yên Bái, Gia Lai và Quảng Trị.
Tuy nhiên, một số thiết bị nêu tại văn bản gửi cho Điện lực Phú Xuyên và Yên Bái để dùng thử nhưng 2 đơn vị này không lắp đặt thử trên lưới, nhưng Công ty Tuấn Ân vẫn đề nghị xác nhận vận hành thành công.
Trên thực tế, nếu chỉ căn cứ vào văn bản xác nhận vận hành thành công của Điện lực Gia Lai và Quảng Trị, thì Công ty Tuấn Ân không đáp ứng yêu cầu các gói trên.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng bị áp dụng tình tiết tăng nặng do đã có hành vi vi phạm nhiều lần.
Liên quan tới vụ việc trên, ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc EVNHCMC đã ký Quyết định số 1858 về việc xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu đối với Công ty Tuấn Ân.
Do có hành vi gian lận trong đấu thầu tại 2 gói thầu nêu trên, EVNHCMC đã cấm Công ty Tuấn Ân tham gia hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu do EVNHCMC và các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư trong thời gian 4 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.
Được biết, Công ty Tuấn Ân đã hoàn thành 2 hợp đồng mua sắm thiết bị trên. Cùng với đó, EVNHCMC cũng đã hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng đã ký kết, với giá trị hơn 30 tỷ đồng.
Ngoài 2 gói thầu trên, thời gian qua, Công ty Tuấn Ân cũng đã tham gia và trúng nhiều gói thầu mua sắm thiết bị tại EVNHCMC và các đơn vị trực thuộc.
Cụ thể, Công ty Tuấn Ân trúng 2 gói thầu tại Công ty Điện lực Hóc Môn gồm: Gói thầu VT 23-05: Mua sắm Hộp Domino và Máy cắt các loại (giá gói thầu 5.588.988.489 đồng, giá trúng thầu 5.588.851.070 đồng và gói VT 23-11: Mua sắm Kẹp IPC và Vật tư thiết bị trung thế các loại (giá gói thầu hơn 1,782 tỷ đồng, giá trúng thầu hơn 1,775 tỷ đồng) do ông Luân Quốc Hưng, Giám đốc Công ty Điện lực Hóc Môn phê duyệt.
Tại Công ty Điện Lực Củ Chi, Công ty Tuấn Ân trúng gói thầu số 08.MS.23: Cung cấp máy cắt hạ thế, dao cách ly, chống sét, sứ treo Polymer, FCO, LBFCO, FUSE LINK các loại (giá gói thầu gần 4,562 tỷ đồng, giá trúng thầu hơn 4,551 tỷ đồng) do ông Trần Ngọc Định, Giám đốc Công ty Điện Lực Củ Chi phê duyệt.
Tại Công ty Điện lực Gò Vấp, công ty này trúng gói VT06/2023: Cung cấp CB, máy cắt các loại (giá gói thầu gần 2,337 tỷ đồng, giá trúng thầu hơn 2,336 tỷ đồng) do ông Nguyễn Tự Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Gò Vấp phê duyệt.
Tại Công ty Điện Lực Thủ Đức, Công ty Tuấn Ân trúng 4 gói thầu với giá trị gần 19 tỷ đồng, được phê duyệt bởi ông Võ Hồng Minh Danh, Giám đốc Công ty Điện Lực Thủ Đức.
Ngoài ra, Công ty Tuấn Ân cũng tham gia và trúng hàng loạt gói thầu tại Công ty Điện lực Tân Bình, Tân Thuận, Tân Phú, Chợ Lớn và một số đơn vị khác trực thuộc EVNHCMC, với giá trị hàng chục tỷ đồng.
Tủ sách pháp luật sẽ giúp độc giả của Znews tìm hiểu sâu hơn về các luật, bộ luật, cũng như dễ dàng tiếp cận các quy định về đăng ký tạm trú, xử phạt hành chính…