Gặp mưa ngập, ấu trùng giun tranh thủ xâm nhập
Trên Infonet từng nhắc đến trường hợp anh Trương Thanh Hải trú tại Triều Khúc, Hà Nội bỗng nhiên thấy cổ tay xuất hiện các đường gân lạ và mỗi ngày đường gân ấy lại chạy một địa điểm. Anh Hải hoảng hốt khi hình lạ có thể thay đổi chiều đi và hình dáng lúc thẳng lúc cong. Đường gân lạ khiến anh này thấy ngứa ngáy khó chịu.
Anh vào khoa da liễu bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ kết luận anh Hải bị chứng bệnh giun xoắn, một loại ấu trùng chui vào da qua vết thương hở. Tuy nhiên anh này vẫn không hiểu nổi mình làm gì để ấu trùng này chui vào người được.
Hình ảnh giun lươn bò dưới da. Ảnh: Infonet |
Hay như gia đình chị Hạnh (Tân Mai, Hà Nội) sau khi nước rút vì bị ngập nặng, trên da chị nổi lên những đường loằn ngoằn.
Đến bệnh viện khám, các bác sĩ cho biết chị bị ấu trùng di chuyển tấn công và có thể, trận mưa ngập thời gian trước, ấu trùng đã tiếp xúc với da và tự chui vào da để ký sinh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, ấu trùng này chủ yếu sinh sống trong chó và mèo. Khi chất thải của chó mèo ra ngoài môi trường thì ấu trùng vẫn không bị chết mà lan tỏa trong đất. Nếu gặp người có da tay, da chân bị thương, chúng sẽ tự chui vào.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là nổi mẩn, gây ngứa dưới da. Bệnh nhân không nên gãi có thể gây nhiễm trùng, hóa mủ là cơ hội cho các bệnh khác xâm nhập. Ấu trùng di chuyển đến đâu thì gây ngứa đến đó. Nếu người bệnh chú ý lâu sẽ để ý rõ sự di chuyển chậm chạp của chúng, đôi khi chúng còn ngóc đầu lên như một con sán. Khi xâm nhập vào cơ thể chúng không thể sinh sản được nên không tạo ra ổ bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thành cho biết, khi phát hiện bị nhiễm ấu trùng di chuyển người bệnh chỉ cần uống thuốc giun là ấu trùng sẽ chết. Nhiều trường hợp ấu trùng sẽ tự bị cơ thể tiêu diệt và biến mất.
Tiếp xúc trực tiếp với đất, giun chui vào da tay
Báo VTC News nêu trường hợp bà Nguyễn T.T. 65 tuổi ở Nam Định bỗng nhiên phát hiện thấy phía trên ngón tay có nhiều nốt to cộm lên. Đặc biệt, trên mu bàn tay phải bỗng xuất hiện những vết ngoằn nghèo như giun màu hồng.
Ấu trùng giun chui vào da tay bà T. do làm vườn không đeo găng tay. Ảnh: ĐSPL |
Bà T. vào khám tại Viện Sốt rét - ký sinh trùng – côn trùng TƯ với triệu chứng nhiều nốt đỏ to sần ở bàn tay phải, dấu vết của ấu trùng di chuyển tạo ra những "đường hầm" dài ngoằn nghèo.
Khi hỏi tiền sử bệnh, bác sĩ cho biết, bà đã bị ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua da trong những lần làm vườn không đeo găng tay.
Cũng vào bệnh viện thời gian đó còn có bệnh nhân tên L.L. 41 tuổi (Khương Đình, Hà Nội) cũng bị ấu trùng di chuyển dưới da. Các bác sĩ xác định bà L. bị nhiễm giun lươn.
Lý do nhiễm của bà L. cũng tương tự bà T. là khi tiếp xúc với đất không đeo găng tay nên đã bị ấu trùng sống trong đất chui vào cơ thể qua da.
Bác sĩ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TU cho biết, các bệnh nhân này đều bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da khi tiếp xúc với đất có ấu trùng và bị nó xâm nhập qua da. Những đường ngoằn nghèo đó không phải là hình thù con ấu trùng mà là đường hầm do ấu trùng di chuyển tạo ra.
Dựa theo kinh nghiệm của mình, bác sĩ Thọ cho rằng, có thể ấu trùng di chuyển này là loại giun lươn. Cũng giống như các bệnh ký sinh trùng khác, bệnh giun lươn khó chẩn đoán vì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phong phú. Biểu hiện bệnh từ không triệu chứng trong nhiễm trùng cấp tính và mãn tính đến nặng và tử vong trong hội chứng hyperinfection, tỉ lệ tử vong hơn 85%.
Giun lươn có chu kỳ tự nhiễm nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời. Cũng giống như các bệnh ký sinh trùng khác, bệnh giun lươn rất khó chẩn đoán vì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phong phú. Đặc biệt, giun lươn còn là tác nhân gây nhiễm trùng cơ hội, bộc phát mạnh trên cơ địa suy giảm miễn dịch, có thể dẫn đến tử vong.
Dè chừng khi ăn hải sản sống
Hải sản vốn là món ăn bổ dưỡng nhưng nếu không chế biến kỹ, có thể mắc nhiều bệnh lạ.
Cũng báo VTC News cho biết, ông H.V. D. (Thái Thịnh, Hà Nội) nhập viện vì cơ thể suy kiệt do căn bệnh giun lươn. Ông hay đau bụng, đi ngoài, ăn uống không ngon, buồn nôn làm ông sụt cân khoảng 13kg.
Trên da ông còn có những vệt loằng ngoằng dài. Lúc đầu ông tưởng bị dị ứng nên đi khám da liễu nhưng không khỏi bệnh. Sau đó, các sĩ đã tìm ra bệnh của ông là nhiễm ấu trùng giun lươn.
Ông D. cho biết mình vốn làm ở quán hải sản. Mỗi khi khách ăn còn thừa thì món hàu sống, tôm cuốn sống là khoái khẩu của ông, ông đều ăn sạch. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc ông bị nhiễm giun lươn.
Ảnh: VTC News |
TS Trần Tịnh Hiền, Nguyên Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết: Ăn hải sản sống, kể cả nguồn nguyên liệu sạch, vẫn có nguy cơ lây nhiễm vi trùng, ký sinh trùng trong quá trình bảo quản, chế biến.
Ký sinh trùng thường có trong hải sản sống hoặc nấu chưa chín, bao gồm: giun tròn, sán dây, sán lá gan... Giun tròn, sống ký sinh trong ruột cá voi, hải cẩu. Trứng của loài ký sinh này theo phân cá voi, hải cẩu thải ra ngoài, trôi nổi dật dờ trên biển và bám vào các loại cá, mực nhỏ hơn như: Cá bơn, cá đá, cá hồi, cá ngừ, tôm...
Sau đó, chúng phát triển thành ấu trùng. Các loại tôm, cá nhỏ lại là hải sản được ưa thích, vì vậy ăn sống dễ nhiễm giun.
Mặt biến dạng vì ăn ếch đông lạnh xào lăn
Không chỉ hải sản, các loại thủy sản nước ngọt cũng có thể khiến cơ thể con người xuất hiện những khối áp xe do giun làm tổ.
Dẫn chứng thông tin trên, báo Vietnamnet từng nêu trường hợp ông Trần Văn Minh, quận Gò Vấp, TP.HCM bị xuất hiện một khối áp xe bên hàm trái không rõ nguyên nhân. Khám lên khám xuống nhiều nơi cũng không ra bệnh và ông càng hốt hoảng khi thấy khối áp xe mỗi ngày dịch chuyển, nhích dần về phía cằm, cổ.
Khi tới khám chuyên khoa Bệnh nhiệt đới, bác sĩ chẩn ra bệnh nhân bị khối áp xe, gây viêm mô do nhiễm loại giun có tên khoa học là Gnathosma spinigerum (kích thước dài 2 mm, đầu có 6 hàng gai nhọn). Loại giun này sống trong các loài thủy sản như cá lóc, ếch, lươn đồng, rắn.
Ông Minh bị nhiễm giun vì trước đó mua thịt ếch đồng để tủ lạnh, xào lăn ăn dần. Thịt ếch để đông đá, xào lăn chỉ chín được lớp ngoài, bên trong vẫn còn đỏ. Chính vì vậy trứng, nang của giun còn sống, thâm nhập vào cơ thể gây áp xe.
Do ông Minh nhiễm ký sinh trùng quá lâu nên khi điều trị, dù đã diệt hết giun nhưng khối áp xe bị xơ hóa, gây biến dạng khuôn mặt mãi mãi.