Ngày 10/2, 12.000 đôi Trophy Room x Air Jordan 1 được bán ra với hình thức xổ số trực tuyến. Không nằm ngoài dự đoán, hãng thông báo bán hết sau 90 phút. Tuy nhiên, đa số người muốn sở hữu thiết kế này lại không nhận được cơ hội.
Do chỉ sản xuất số lượng giới hạn, việc không mua được giày là chuyện dễ hiểu. Nhưng điều khiến các "đầu giày" cảm thấy bức xúc là hình ảnh khoe khoang kho hàng có số lượng lớn thiết kế Trophy Room x Air Jordan 1 của những "dân buôn" sneakers.
Trang Input Mag nhận xét: "Hành vi đầu cơ giày để bán lại giá cao đem đến cho các khách hàng thực sự trải nghiệm mua sắm không vui vẻ".
Đôi Trophy Room x Air Jordan 1 trị giá 190 USD nhưng hiện nay, người mua có thể phải bỏ ra tới 100.000 USD để sở hữu nó.
Nhiều người tự hỏi tại sao mình không thể mua được một đôi giày hiếm trong khi "dân bán lại" sở hữu hàng trăm mẫu như vậy. Ảnh: @benjaminkickz. |
Loạn giá giày sneakers
Hình ảnh những chàng trai ngồi giữa "núi" giày hiếm không còn xa lạ đối với tín đồ sneakers. Đây là kiểu khoe chiến lợi phẩm của nhiều dân chuyên bán lại giày. Họ có thể thu về khoản lợi nhuận lên đến hàng nghìn USD từ nghề này.
Theo Input Mag, không chỉ riêng với Trophy Room x Air Jordan 1, hiện tượng ấy còn xuất hiện ở nhiều thiết kế giày hiếm như Air Jordan, Yeezy hay các phiên bản Nike Air Force 1 kết hợp cùng nghệ sĩ nổi tiếng.
Trang này cũng cho biết phần lớn giày các "dân buôn" khoe trên mạng là hàng giả. Tuy nhiên, trào lưu đầu cơ giày thật rồi bán lại giá cao ngất khi nhu cầu của người mua tăng vẫn có. Đây là nguyên nhân khiến giá một số mẫu giày sneakers thay đổi theo từng ngày, lên xuống thất thường.
Các mẫu giày Air Jordan 1 có giá bán thay đổi theo size và thời gian mua hàng. Ảnh: Input Mag. |
Nhiều nguồn tin của Complex cho hay hãng Trophy Room đã bán một lượng giày đáng kể cho các "dân buôn" với giá hơn 190 USD trước ngày phát hành.
Ngoài ra, cũng có người kể rằng Trophy Room đã bán sớm hàng nghìn đôi với giá khoảng 1.000 USD/đôi. Một số "dân buôn" khác lại chia sẻ họ nhập giày với giá 850 USD/đôi, thậm chí 1.200 USD/đôi.
Điều đó dẫn đến việc giá bán lại của thiết kế trên hiện dao động 2.700-6.750 USD. Cá biệt, size 37-38 có giá lên đến 100.000 USD.
Họ cho phóng viên xem hành trình của một lô hàng đến từ Orlando, Mỹ. Vài ngày sau, những người này tiếp tục gửi hình ảnh các hộp giày xếp thành nhiều chồng cao để làm tin.
Những phi vụ mua giày thường được tổ chức dưới hình thức nhóm. Các cá nhân gom tiền để nhập hàng số lượng lớn theo nhiều đợt.
"Nếu thực sự có chuyện này, Trophy Room đã gian lận. Họ không cho công chúng cơ hội tiếp cận giày với giá lên kệ. Nhãn hàng có thể kiếm thêm hàng triệu USD thông qua việc bán ra lén lút này", Brendan Dunne nhận xét trong bài viết được đăng trên Complex.
Marcus Jordan - nhà sáng lập thương hiệu Trophy Room - bình luận ngắn gọn về vấn đề trên: "Những đôi không có dây giày màu xanh dương không phải hàng do chúng tôi phân phối".
Thị trường hàng cửa sau
Nike là một trong những công ty dẫn đầu thị trường giày sneakers, phổ biến trên toàn thế giới và được định giá khoảng 35 tỷ USD.
Hành vi đầu cơ tích trữ giày sneakers ảnh hưởng không nhỏ đến tên tuổi của "gã khổng lồ". Việc số lượng lớn giày rơi vào tay một nhóm người nhất định đã cô lập khách hàng của Nike. Những "kền kền" săn giày thu lợi bất chính từ danh tiếng thương hiệu.
Tất cả đủ để hãng đưa ra biện pháp trừng trị.
Những người nắm nguồn hàng "cửa sau" có thể thao túng thị trường giày sneakers. Ảnh: Business Insider. |
Vài ý kiến cho rằng các thương hiệu bán lẻ đều có "cửa sau". Đây là cụm từ dùng chỉ hành động tuồn hàng ra ngoài thị trường một cách không chính thống. Loại hàng này được các "dân buôn" nhập trước khi thiết kế được phát hành.
"Tại sao Nike không thể ngăn chặn các đối tác bán lẻ tuồn hàng trái phép? Thương hiệu vẫn chưa dập tắt được những hành vi sai trái diễn ra ngay dưới trướng mình", cây bút Ian Servantes bày tỏ.
Thực tế, nhiều nhà bán lẻ thừa nhận họ phải bán giày với giá cao hơn bình thường để hưởng lợi nhuận cao, bù đắp chi phí duy trì hoạt động.
Jaysse Lopez - chủ một cửa hàng bán giày ở Las Vegas, Mỹ - chia sẻ: "Hầu hết nhà bán lẻ phải bán giày giá cao hơn mức dự kiến. Đây là thực tế của việc kinh doanh".
Lopez cũng từng rất tức giận khi đọc về "cửa sau" cho đến khi mở một cửa hàng bán sneakers riêng. Anh nhận ra những khó khăn của nhà bán lẻ.
Ngoài việc tuồn hàng qua cửa sau, các chương trình gian lận cũng gây khó khăn cho việc mua giày hiếm đúng giá của khách lẻ. Ảnh: Just Fresh Kicks. |
Nghề "mua đi bán lại" sneakers giúp nhiều bạn trẻ trở nên giàu có. Họ có thể kiếm được hàng chục nghìn USD chỉ trong một tháng. Vì thế, không ít người muốn đổi đời nhờ nghề này.
Mua giày hiếm với giá lên kệ dường như là chuyện không thể. Tuy vậy, nhiều "đầu giày" vẫn sẵn sàng trả mức giá cao để sở hữu những thiết kế sneakers đình đám.