Ngày 25/11, TAND tỉnh Thanh Hóa đưa Nguyễn Đức Thành (31 tuổi, ở phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM) cùng 20 đồng phạm khác ra xét xử về các tội Giữ người trái phép, Cố ý gây thương tích, Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Thành là kẻ cầm đầu băng tín dụng đen lớn nhất cả nước với vỏ bọc Công ty tài chính Nam Long bị Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị chức năng Bộ Công an triệt phá trong 4 tháng cuối năm 2018.
Những kẻ nằm trong băng tín dụng đen Nam Long tại tòa. Ảnh: Đ.H. |
Trong phiên tòa này, 89 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tòa triệu tập. Tuy nhiên, phiên tòa chỉ có một người có mặt.
Đại diện VKDND tỉnh, người bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa để bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan.
Sau khi tạm dừng phiên tòa để hội ý, HĐXX đã công bố quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 17/12 đến ngày 20/12.
Do nhiều người được triệu tập vắng mặt, HĐXX buộc phải tuyên bố hoãn phiên tòa. Ảnh: Đ.H. |
Cuối năm 2018, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá băng tín dụng đen lớn nhất có tên Nam Long. Đường dây này có 26 chi nhánh, hoạt động tại các tỉnh, thành.
Thời điểm bị phát hiện, Nam Long đã buộc hàng trăm khách hàng ký vào những bản hợp đồng vay tiền với lãi suất cao. Kiểm tra sơ bộ 23/70 tài khoản ngân hàng Công ty Tài chính Nam Long, cảnh sát phát hiện số tiền giao dịch của hơn 200 khách hàng lên hơn 510 tỷ đồng.
Với hình thức vay trả góp kỳ hạn 41 hoặc 51 ngày, Nam Long áp dụng mức lãi suất có thể lên đến 172-205% mỗi năm. Trường hợp nạn nhân vay nóng ngắn ngày phải chịu mức "lãi đứng" 15-30%/ngày.
Số tiền cả gốc và lãi, họ yêu cầu khi đến kỳ, khách hàng phải tự chuyển vào tài khoản của công ty để trả nợ. Nếu khách chưa kịp trả, những kẻ cầm đầu chỉ đạo cho “đội xử lý nợ xấu” đến đòi.
Nhân viên của Nam Long bị những kẻ cầm đầu chỉ đạo tra tấn như thời trung cổ đến tử vong. Ảnh: Công an cung cấp. |
Sau khi gọi điện cho khách đe dọa, có 2 đến 4 tên côn đồ đến tận nhà đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần như ăn, ngủ tại nhà, chửi bới, gây sức ép.
Nếu vẫn không đòi được, nhóm này tổ chức người theo dõi người nhà của khách hàng và đe dọa sẽ hành hung. Trước sự hung hãn, côn đồ của tổ chức này, nhiều khách hàng sợ hãi buộc phải trả nợ khẩn cấp.
Với nhân viên, tổ chức này lập quy định nội bộ, quy chế kỷ luật nghiêm như phạt 50-100 triệu đồng nếu phá vỡ hợp đồng; tự chặt ngón tay nếu vi phạm quy chế; sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bản thân và gia đình bị bắt cóc, đe dọa, hành hung.