Câu chuyện về cái bao bé xíu, có trọng lượng chỉ 5 gram dường như quá nặng nề đối với người Việt Nam. Trong khi thế giới cởi mở nói về nó như một phần tất yếu của cuộc sống thì ở Việt Nam, bao cao su (BCS) thường được coi là “tội đồ” của các hành vi xấu xa. Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số từng thốt lên: “Mọi người đều có quyền có một đời sống tình dục lành mạnh, an toàn và thỏa mãn. Đến lúc nào thì việc một người đi mua BCS mới được coi là bình thường; một người lớn tuổi nhưng vẫn 'ham muốn' đi mua BCS mà không sợ bị phán xét kiểu ‘già rồi mà vẫn còn ham".
Đạo đức không bắt nguồn từ chiếc bao
Các chuyên gia cho rằng, trong cuộc sống, tình dục như một nhu cầu cơm ăn nước uống hàng ngày. Và tình dục an toàn là một mong muốn chính đáng của tất cả mọi người. Việc sử dụng bao cao su chính là phương pháp mang lại chất lượng tình dục an toàn với chi phí rẻ nhất.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đi mua BCS đối với người Việt Nam luôn gặp rất nhiều rào cản. Không có mấy người thấy tự tin, thoải mái khi bày tỏ mong muốn được sở hữu một chiếc BCS, và đôi khi chính người bán cũng tỏ ra ngượng ngùng khi bán cho khách hàng.
Một phương pháp an toàn cho sức khỏe tình dục với chi phí rẻ nhưng rất hiếm khi được người Việt sử dụng dù có thể sử dụng mà không công khai. Không khó để lý giải vì sao người ta cảm thấy ngượng khi mua BCS. BCS dùng để quan hệ tình dục, quan hệ tình dục là vấn đề tế nhị, trước khi kết hôn mà quan hệ tình dục là "phạm tội", mua BCS là mua "dụng cụ gây án". Có ai "gây án" mà không lén lút? BCS vô tình trở thành thước đo đạo đức của một con người.
"Chỉ vì một cái BCS mà đánh giá đạo đức của con người là rất hồ đồ" - chuyên gia tâm lý An Chất nói. |
Theo chuyên gia tư vấn xã hội Anh Chất, chỉ vì một cái BCS mà đánh giá đạo đức của con người là rất hồ đồ. Trong xã hội phương Tây, tình dục và BCS như là nhu cầu thiết yếu, là cơm ăn nước uống của mọi người. Thế nhưng, với xã hội Đông Á thì có BCS trong người sẽ bị ghép vào tội “lăng nhăng”.
“Ở Việt Nam chuyện đi mua BCS là chuyện tối kỵ, bị ác cảm. Người ta không thấy nó là một dụng cụ bảo vệ sức khỏe”, chuyên gia An Chất nói.
Ông Chất cho biết, chính nhìn nhận của xã hội về BCS nghĩa là “phản bội” khiến tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam đáng báo động. Thấy người có BCS không nên đánh giá họ không đạo đức, thậm chí họ rất đạo đức khi biết bảo vệ cả hai khỏi bệnh tật hay mang thai ngoài ý muốn.
“Ác thay ở Việt Nam, đặc biệt là ngưỡi nữ giới, sẽ bị đánh giá là thấp hèn xấu xa khi có BCS trong người. Nếu chúng ta biết xử sự, đánh giá nhìn nhận vấn đề thì tình trạng nạo phá thai hay những hậu quả về bệnh tật ở Việt Nam sẽ khác đi. Một thanh niên hiện đại luôn phải có BCS trong túi”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Một nghịch lý ở Việt Nam được chuyên gia An Chất chia sẻ, khi đi mua thuốc lá, người Việt Nam thường tỏ ra hãnh diện với người xung quanh vì được coi là “biết ăn chơi”, nhưng đi mua BCS thì lén lút vì bị coi là xấu xa, hư đốn. Nhận thức này cho thấy con người đã bị áp lực dưới một xã hội chưa cởi mở về tình dục và tình dục an toàn.
Làm sao để mua BCS dễ dàng như mua… rau?
BCS xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam vì thiếu điểm bán hoặc cách thức bán không tế nhị. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giới trẻ nước ta gần gũi hơn với "áo mưa", có thể mua chúng nhẹ nhàng như mua... bó rau?
BS. Nguyễn Ngọc Hiện, người làm việc nhiều năm ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM cho biết, ở Việt Nam, việc nhìn nhận về tình dục chưa theo kịp trào lưu. Cụ thể, độ tuổi quan hệ tình dục ngày càng trẻ hóa, nhưng quan niệm về tình dục vẫn còn bị bó buộc, chưa nhiều người dám nói về tình dục cũng như chưa nhiều người trẻ dám công khai mình đã quan hệ tình dục trước hôn nhân. Từ chỗ coi tình dục là bí mật, nên chiếc BCS cũng bị liệt vào loại "hàng cần giấu".
Theo BS.Hiện, nhiều người chưa dùng BCS, không phải là họ ngại dùng, mà do họ ngại mua. Việc tiếp cận BCS không những khó từ bản thân người dùng mà còn khó do người ngoài. Xã hội chưa tạo điều kiện tối ưu để mỗi người tiếp cận BCS một cách nhẹ nhàng, kín đáo như các mô hình ở nước ngoài.
“Việc dùng BCS là đóng góp đẩy lùi dịch AIDS, là tôn trọng sức khỏe bản thân. Ngoài ra, chính người bán cũng cần xây dựng thái độ tôn trọng khách hàng, cần xem BCS là loại hàng bình thường và hướng dẫn sử dụng tận tình", chuyên gia sức khỏe sinh sản Ngọc Hiện nói.
“Nếu tình dục là một chiếc thuyền thì chàng trai giữ vai trò chèo thuyền, còn cô gái là người cầm lái. Trong chuyện dùng BCS cũng vậy, người nữ giữ vai trò lớn trong việc có mặc "áo mưa" hay không". |
Theo chia sẻ của BS. Nguyễn Ngọc Hiện, tại Việt Nam, đa số khách hàng mua BCS là nam, vì hầu hết giới nữ rất sợ việc này. Thực tế, mỗi khi tham gia một "vụ án" tình ái, người nam trở nên “khù khờ”, còn người nữ tỉnh táo hơn nhiều. “Nếu tình dục là một chiếc thuyền thì chàng trai giữ vai trò chèo thuyền, còn cô gái là người cầm lái. Trong chuyện dùng BCS cũng vậy, người nữ giữ vai trò lớn trong việc có mặc "áo mưa" hay không. Ở một khía cạnh khác, tại sao người nữ không chủ động mua BCS? Người bán ở hiệu thuốc đa phần là nữ, khách hàng là nữ đến mua, cùng giới có lẽ... đỡ ngại hơn”, chuyên gia này thắc mắc.
Còn bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho biết, ngày nay, xã hội có vẻ quan ngại nhiều về đời sống tình dục của thanh niên, lo họ quan hệ sớm quá, bắt đầu một mối quan hệ dễ dàng quá. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chính thức về lứa tuổi này lại cho kết quả ngược lại.
So với thế giới, tuổi quan hệ tình dục của thanh niên Việt Nam bắt đầu khá muộn, 18,1 tuổi (theo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008). Thế nhưng những hệ luỵ do quan hệ tình dục như mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục… lại đáng báo động.
"Thanh niên có quyền có một đời sống tình dục lành mạnh, an toàn và thỏa mãn. Trong đó, lành mạnh nghĩa là một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng, đồng thuận. Nó được coi là nên tảng để có đời sống tình dục an toàn (phòng ngừa bệnh tật) và thỏa mãn. Vì thế, việc một người tìm kiếm cách quan hệ như thế nào để thỏa mãn, sử dụng đồ chơi tình dục, bao cao su gai góc, chất bôi trơn... không có gì là xấu xa" - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số nói.