Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao bạo lực gia đình tăng vọt khi đội tuyển Anh thua một trận bóng

Đứng bên cửa phòng khách sau khi trận bóng đá kết thúc, Sharon Bryan lo lắng liếc nhìn chồng. Vài giây sau, cô bị anh ta ném lon bia vào mặt.

Doi tuyen Anh anh 1

Khi loạng choạng bước vào phòng tắm để rửa sạch vết thương trên môi, Bryan không hề biểu lộ cảm xúc. Sau nhiều năm chịu đựng hành vi bạo lực của người chồng vũ phu, cuộc tấn công vừa xảy ra thậm chí còn là quá nhẹ. Đáng thương thay, cô đã quen với sự lạm dụng.

Mặc dù vậy, áp lực khi liên tục phải nhẫn nhịn để không chọc tức chồng, đặc biệt là sau một trận bóng đá, khiến Bryan bị ảnh hưởng nặng nề. Cô sau đó được chẩn đoán mắc chứng OCD (Rối loạn ám ảnh cưỡng chế).

“Lúc nào tôi cũng phải đoán già đoán non xem phải nói gì và nói như thế nào để anh ta không phật lòng. Nhưng dù thế nào, kết quả sẽ luôn giống nhau”, cô nhớ lại.

Bryan không đếm nổi những lần mình bị hành hung sau khi đội bóng yêu thích của chồng hoặc đội tuyển quốc gia Anh thua trong một trận cầu. Nếu anh ta đến sân vận động xem bóng đá, cô thường thở phào nhẹ nhõm vì cứ 10 lần thì gần như 9 lần anh ta đều bị bắt và nhốt trong phòng giam cho đến ngày hôm sau.

Bryan, hiện đã ly hôn, là Trưởng phòng Đối tác tại Trung tâm Bạo hành Gia đình Quốc gia (NCDV) - tổ chức giúp nạn nhân của bạo hành gia đình tại Anh nộp đơn xin lệnh bảo vệ khẩn cấp từ tòa án.

Bryan biết rõ bóng đá không gây ra bạo lực gia đình, nhưng môn thể thao này có nguy cơ kích hoạt hành vi bạo lực vốn có của kẻ vũ phu, theo Metro.

Khi World Cup 2022 khởi tranh ở Qatar, Bryan thừa nhận: “Chúng tôi rất lo lắng về sự gia tăng những vụ bạo lực gia đình, đặc biệt là khi trung bình chỉ có 18% trường hợp lạm dụng trong nước được báo cáo”.

Doi tuyen Anh anh 2

Nhiều nghiên cứu chỉ ra kết quả trận bóng đá ở các giải lớn như World Cup, Euro có liên quan tới sự gia tăng bạo lực gia đình ở Anh. Ảnh: Shutterstock.

Khi đội nhà thua, tất cả đều đau khổ

Đối với nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình ở Anh, chủ yếu là phụ nữ, các giải bóng đá lớn như World Cup báo hiệu sự bắt đầu của khoảng thời gian đầy sợ hãi và lo lắng.

Theo Glamour, nhiều nghiên cứu chỉ ra chiến thắng và thất bại của đội tuyển bóng đá quốc gia Anh có mối liên hệ rõ ràng với hành vi của kẻ bạo hành.

Nghiên cứu của Đại học Lancaster năm 2013, xem xét 3 kỳ World Cup gần đó, cho thấy bạo lực gia đình tăng 26% khi “Tam sư” thắng hoặc hòa một trận đấu và lên tới 38% nếu để thua.

Năm 2021, trong suốt một tháng diễn ra Euro 2020, số vụ bạo hành đối với phụ nữ trên khắp Vương quốc Anh gia tăng đều đặn.

Dữ liệu do Metro thu được tiết lộ từ ngày 11/6 đến 11/7/2021, 26/39 lực lượng cảnh sát ghi nhận sự gia tăng số lượng trình báo hành vi lạm dụng trong nước. Các số liệu cho thấy có tổng cộng 96.473 báo cáo về bạo lực gia đình, tăng gần 10% so với tháng trước.

Đặc biệt, sau khi đội tuyển Anh thua sốc trước Italy tại chung kết trên sân vận động Wembley, bạo lực gia đình ước tính tăng gần 40%.

Trước đó, theo iNews, số trường hợp được chuyển đến NCDV để xin lệnh bảo vệ tăng hơn 400 so với khoảng thời gian 5 tuần trước giải đấu (tương đương 5%). Trong số này, 90% là phụ nữ, 10% còn lại là nam giới.

Những thống kê tương tự cũng có thể nhìn thấy trong thời gian diễn ra World Cup 2018 ở Nga.

Theo cuộc khảo sát của Hiệp hội Cổ động viên Bóng đá (FSA), ước tính cứ 5 phụ nữ thì có một người bị lạm dụng về thể chất trong các trận đấu bóng đá nam, Deccan Chronicle đưa tin.

Doi tuyen Anh anh 3

Người hâm mộ bóng đá trên khắp nước Anh đau khổ sau khi đội nhà vụt mất chiếc cúp vô địch Euro 2020, nhưng nhiều phụ nữ còn trải qua thời gian đau đớn hơn khi bị bạo hành. Ảnh: Reuters.

Vấn đề trở nên nhức nhối đến mức các tổ chức chống bạo lực gia đình như Women's Aid và Refuge kêu gọi các nạn nhân tìm đến để được hỗ trợ.

Farah Nazeer, Giám đốc điều hành của Women's Aid, nhận định việc uống nhiều rượu bia và những cảm xúc quá khích liên quan đến bóng đá có thể khiến tình trạng lạm dụng tăng cả về mức độ nghiêm trọng lẫn tần suất.

Ruth Davison, Giám đốc điều hành của Refuge, đồng tình rằng các hành vi bạo lực gia đình sẽ trở nên trầm trọng hơn trong những giải đấu bóng đá.

Năm 2021, Trung tâm Hiệu suất Kinh tế (CEP) xem xét 523.546 báo cáo về bạo lực gia đình từ năm 2012 đến 2019 do Cảnh sát Greater Manchester (GMP) cung cấp.

Trong thời gian diễn ra 780 trận đấu của Manchester City và Manchester United, CEP không tìm thấy sự gia tăng thống kê nào không liên quan đến rượu bia.

Trong 90 phút bóng lăn, người hâm mộ tập trung sự chú ý vào các cầu thủ trên sân và đồ uống có cồn nên hành vi lạm dụng sẽ giảm. Trong vòng 4 giờ đầu tiên sau tiếng còi mãn cuộc, nó bắt đầu tăng trở lại, đạt mức cao nhất khoảng 10-12 tiếng sau khi trận đấu bắt đầu.

Điều đó có nghĩa là đối với một trận đấu bắt đầu lúc 15h, sự gia tăng các cuộc gọi tới cảnh sát và đường dây trợ giúp về bạo lực gia đình sẽ đến vào tầm 19h, với khoảng thời gian bận rộn nhất là 1-3h sáng.

Nỗ lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái

Bạo lực gia tăng liên quan tới thể thao không phải là vấn đề mới, không duy nhất diễn ra ở môn bóng đá, cũng như đối với nước Anh.

Cuối những năm 1980, các nhà nghiên cứu kiểm tra tần suất phụ nữ nhập viện cấp cứu tại bệnh viện ở Virginia vào khoảng thời gian diễn ra những trận bóng bầu dục của Mỹ. Họ phát hiện rằng “các vụ bắn súng, tấn công, ngã, rách da và bị vật thể tấn công” tăng lên khi Đội bóng bầu dục Washington (trước đây là Washington Redskins) giành chiến thắng.

Một nghiên cứu khác về các trận đấu bóng bầu dục ở Australia chỉ ra sự gia tăng các vụ hành hung vào buổi tối và kết luận rằng “việc chuyển trọng tâm của các sự kiện thể thao lớn ra khỏi rượu bia có thể làm giảm mức độ của những tác động này”.

Các nhà nghiên cứu khác quan sát thấy sự gia tăng số vụ bắt giữ vì tội phá hoại và hành vi gây mất trật tự, tội nhẹ liên quan đến uống rượu, trùng hợp với các trận đấu thể thao.

Doi tuyen Anh anh 4

Rượu bia là một trong những yếu tố có thể khiến tình trạng bạo lực gia đình gia tăng sau trận đấu bóng đá. Ảnh: Freepik.

The Economist đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình. Họ gợi ý phương án tổ chức các trận đấu bóng đá vào các ngày trong tuần hoặc muộn hơn vào buổi tối. Điều này sẽ ngăn chặn những cuộc chè chén say sưa cả ngày, bao gồm cả sau trận đấu, vốn được cho là nguyên nhân gây ra hầu hết vụ bạo lực.

Hạn chế bán rượu tại các địa điểm thể thao, như Pháp đã làm, cũng sẽ hữu ích. Chung kết của các trận đấu lớn chắc chắn sẽ đi kèm với những cuộc nhậu kéo dài. Dù kết quả thế nào, nhiều phụ nữ sẽ phải chịu đựng.

Năm 2014, Women's Aid đã thành lập chiến dịch Cộng đồng Bóng đá Chống Bạo lực Gia đình, tập trung vào các giải đấu quốc tế lớn. Trong những năm gần đây, đơn vị này đã cung cấp dịch vụ đào tạo cho các câu lạc bộ ở Anh.

Bộ Nội vụ Anh đã triển khai chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về lạm dụng liên quan đến bóng đá đối với phụ nữ ở Anh và xứ Wales. Họ thúc đẩy ý tưởng rằng “trách nhiệm chấm dứt bạo lực gia đình và quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái thuộc về nam giới và trẻ em trai”.

Josh Denzel, người đứng đầu chiến dịch, nhấn mạnh rằng bóng đá từ lâu đã được coi là “sân chơi dành cho nam giới”. Một nền văn hóa chế nhạo phụ nữ chắc chắn sẽ tạo ra môi trường gây nguy hiểm cho họ.

Chiến dịch ưu tiên giáo dục và trao quyền cho nam giới can thiệp hơn là đổ lỗi cho họ.

Giám đốc điều hành Women's Aid Farah Nazeer nói: “Xem xét vai trò tích cực mà bóng đá có thể đóng góp trong công cuộc này là một phần quan trọng. Thông qua chiến dịch Cộng đồng Bóng đá Chống Bạo lực Gia đình, chúng tôi biết rất rõ rằng các cầu thủ và người hâm mộ bóng đá có vai trò quan trọng trong việc giúp thay đổi thái độ và phản ứng đối với lạm dụng, bạo lực đối với phụ nữ”.

“Bằng cách thay đổi thái độ của công chúng và thách thức sự kỳ thị phụ nữ cũng như phân biệt giới tính hàng ngày, chúng ta có thể giúp xã hội trở thành nơi an toàn hơn cho phụ nữ và trẻ em gái”, bà kết luận.

Văn hóa uống rượu bia, xem thể thao có từ bao giờ

Gốc rễ của việc gắn thể thao với đồ uống có cồn bắt nguồn từ thời La Mã. Mối quan hệ tồn tại hàng thế kỷ này dường như sẽ không sớm kết thúc.

Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.

> Xem thêm: Sách cho tuổi trẻ

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm