Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong 2 năm 2017-2018, tỷ lệ vị thành niên sinh đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương chiếm khoảng 0,5%.
Trong 227 sản phụ ở độ tuổi vị thành niên, có 178 trường hợp đã lập gia đình; số sản phụ 17-18 tuổi chiếm đại đa số (83,5%); số sản phụ từ 14-16 tuổi là 34 trường hợp, trong đó có 4 cháu bé mới 10-13 tuổi.
Mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm. Ảnh: Health. |
Trẻ vị thành niên dễ mang thai vì dậy thì sớm
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho hay tuổi vị thành niên là lứa tuổi vấn đề tình dục bắt đầu được đề cập đến và đây cũng là thời điểm con gái bắt đầu có thể mang thai nếu không áp dụng các biện pháp tránh thai.
Độ tuổi này được quy ước là những người từ 10-19 tuổi. Ước tính hiện nay có khoảng hơn 1,2 tỷ người trên thế giới, nghĩa là 1/5 dân số toàn cầu đang ở độ tuổi vị thành niên.
Ở độ tuổi này, cơ thể của cả nam và nữ đều có những phát triển khác nhau đặc trưng cho giới, do biến đổi nội tiết của hệ thống nội tiết sinh sản. Khi bước vào độ tuổi dậy thì, con trai và con gái đều có thể và có xu hướng tình dục mạnh. Nhiều em đã bắt đầu việc quan hệ tình dục ở độ tuổi này.
Ở con gái, buồng trứng phát triển to hơn, sản sinh ra noãn theo chu kỳ hàng tháng và các nội tiết tố nữ - những biến đổi này sinh ra kinh nguyệt.
Theo bác sĩ Hưng ngày nay, quá trình dậy thì của hai giới đều đến sớm hơn. Ở con gái Mỹ da trắng thấp nhất có thể xuất hiện lúc 7 tuổi. Một số báo cáo cũng chỉ ra nhiều trường hợp con gái châu Á dậy thì sớm khi mới 8-9 tuổi.
“Từ khi có kinh nguyệt (9-14 tuổi), con gái đã có khả năng thụ thai và sinh đẻ. Lúc này, ngoài những phát triển về hình thể, nhu cầu hiểu biết về tình yêu, tình dục của con gái ở độ phát triển mạnh. Luật pháp Việt Nam quy định 18 tuổi nữ có quyền lấy chồng nhưng khả năng tình dục và sinh sản thì xuất hiện sớm hơn nhiều”, bác sĩ Hưng giải thích.
Nguy hại khi trở thành "sản phụ nhí"
Nghiên cứu của nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong 2 năm 2017-2018, cho thấy có đến 2,6% trẻ sơ sinh của các "sản phụ nhí" chỉ có trọng lượng dưới 500 g, 8,5% trẻ sơ sinh có trọng lượng từ 500-1.000 g, 6,8% có trọng lượng từ 1.000-1.500 g. Kết quả này cho thấy mẹ ở tuổi vị thành niên làm tăng khả năng sinh con non tháng và nhẹ cân.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng khuyến cáo mặc dù về nguyên tắc, khi có kinh nguyệt, các bé gái bắt đầu có thể mang thai và sinh con. Thực tế, các em phải đối mặt nhiều rủi ro khi làm mẹ.
Thai phụ dưới 18 tuổi phải đối mặt nguy cơ bị sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai, làm tăng nguy cơ tử vong. Ở lứa tuổi này, khung chậu phát triển chưa đầy đủ nên khi hỗ trợ các bé gái sinh, bác sĩ thường phải can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật. Làm mẹ quá trẻ, cơ thể phát triển chưa đầy đủ dễ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển, dễ bị chết lưu.
Việc có con ở độ tuổi này cũng khiến các em phải bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng đến tương lai, dễ dẫn đến căng thẳng, khủng hoảng tâm lý. Nếu các em không được người thân quan tâm, có thể sẽ mắc bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần.
Do đó, cha mẹ cần cung cấp cho giới trẻ kiến thức về sinh sản và sức khỏe tình dục, bao gồm kiến thức về các chức năng của bộ phận sinh dục, biện pháp phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp hạn chế tình trạng có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên.