Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao bệnh viện tuyến trên quá tải, trạm y tế đìu hiu trong mùa dịch?

Tâm lý chung của người nhà và bệnh nhân dù ở xa vẫn chấp nhận vượt hàng trăm km đến các bệnh viện tuyến trên để nhập viện điều trị cho yên tâm.

Theo Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, thời gian qua, ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, số trường hợp đến khám, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Nhi Trung ương, các Bệnh viện Nhi của Thành phố Hồ Chí Minh, các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi,… đồng loạt tăng mạnh gây tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh dịch trong bệnh viện. Theo thống kê, mỗi ngày tại các bệnh viện này có hơn 6.000 bệnh nhân khám ngoại trú, thậm chí có nhiều ca đến chỉ để khám bệnh đau đầu, chóng mặt.

Những ngày đầu tháng 9, số bệnh nhân tay chân miệng, sởi liên tục tăng mạnh tại các bệnh viện tuyến trên. Nhiều trường hợp vượt tuyến để trị các bệnh thông thường như phổi, tim mạch, nhưng do quá tải, đông đúc vô tình dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo các bệnh như tay chân miệng, sởi,…

Tại trạm y tế thuộc xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), những ngày qua vẫn đìu hiu, vắng vẻ, lác đác một vài bệnh nhân đến tái khám.

Theo y sĩ Lê Huấn Nến, hầu hết trạm y tế xã, phường đều thụ động trong công tác nắm bắt tình hình dịch bệnh. Đa phần bệnh nhân có dấu hiệu tay chân miệng, sởi đều chuyển tuyến, vượt tuyến. Sau khi được Sở Y tế thống kê tình hình, các trạm y tế mới tiến hành khoanh vùng và thực hiện công tác tuyên truyền.

Benh vien tuyen tren qua tai anh 1
Bệnh nhân đến khám tại trạm y tế xã Vĩnh Hưng. Ảnh: PV.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Tường Vi, Khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, bệnh nhân sởi và tay chân miệng hoàn toàn có thể khám và điều trị ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và phát hiện bệnh ở các trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, do tâm lý của các phụ huynh thường không tin tưởng các bệnh viện tuyến dưới, nên dù bệnh nhi mắc tay chân miệng độ nhẹ vẫn chấp nhận vượt tuyến đưa con lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Theo quy định, bệnh viện không có quyền từ chối bệnh nhân, nên nếu có bệnh nhi thì các bác sĩ phải chấp nhận điều trị.

Khi phát hiện bệnh nhi tay chân miệng độ nặng, phụ huynh mới cần phải đưa bé lên bệnh viện tuyến trên. Đối với trường hợp trẻ nghi bệnh hoặc bệnh độ nhẹ, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện huyện, tỉnh hoặc trạm y tế để tránh lây nhiễm chéo.

Không chỉ vào mùa dịch, thực tế, gần 70% người dân sống ở nông thôn nhưng số lượng bệnh nhân chủ yếu tập trung về các bệnh viện tuyến trung ương. Trong khi đó, hơn 40% bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến trung ương đều có thể điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và 11% bệnh nhân có thể điều trị khỏi ở trạm y tế xã.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các bệnh nhân vượt tuyến không cần thiết là do người dân chưa thực sự tin tưởng trạm y tế xã, phường.

Tính từ đầu năm đến ngày 8/10, có 1.093 ca dương tính với sởi và 2.942 ca sốt phát ban nghi sởi, tử vong 1 trường hợp; bệnh tay chân miệng có 61.821 ca mắc, 6 ca tử vong; bệnh sốt xuất huyết có 67.414 ca mắc, tử vong 11 ca.

Nhằm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời đúng hướng dẫn, chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo để giảm tử vong trong công tác điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh cần tăng cường công tác truyền thông để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên thực tập hiểu rõ đường lây.



Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm