Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ?

Việc đạt mức trần nợ công vào ngày 19/1 buộc Bộ Tài chính Mỹ phải đưa ra những biện pháp cắt giảm chi tiêu nhằm tránh nguy cơ khiến nền kinh tế hàng đầu thế giới vỡ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết chính phủ sẽ phải tung ra nhiều biện pháp quản lý ngân sách để ngăn tình trạng vỡ nợ. Ảnh: New York Times.

Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đang bế tắc trong việc đạt thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Joe Biden về thời hạn nâng trần nợ nhằm tránh nguy cơ xảy ra thảm họa tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết chính phủ phải thực hiện các “biện pháp đặc biệt”, bắt đầu từ ngày 19/1, nhằm làm chậm rủi ro thảm họa kinh tế, khi Mỹ đang vay tới hạn mức 31.400 tỷ USD, Reuters cho hay.

Trong khi chính quyền Biden đang kêu gọi các nhà lập pháp thông qua luật cho phép nâng mức trần nợ, một số nghị sĩ Cộng hòa cho biết họ sẽ chỉ đồng ý nếu chính phủ cắt giảm mạnh chi tiêu, điều mà Nhà Trắng hay phe Dân chủ không chấp nhận.

Mức trần nợ là gì?

Đó là một giới hạn pháp lý về số tiền mà chính phủ có thể đi vay để chi trả các khoản thanh toán. Quốc hội Mỹ lần đầu lập trần nợ vào năm 1917 như một công cụ kiềm chế các cơ quan liên bang chi tiêu mà không có sự kiểm soát từ nhánh lập pháp, David Super, giáo sư luật tại Đại học Georgetown, cho biết.

Việc nâng trần nợ là vấn đề chính trị cố hữu và thường thu hút nhiều sự chú ý, đặc biệt khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có quyền kiểm soát ít nhất một cơ quan quan trọng tại Washington, D.C.

Trong khi đó, nếu một đảng kiểm soát cả quốc hội và Nhà Trắng, việc nâng mức trần nợ thường sẽ được thông qua mà không gặp nhiều trở ngại, theo Washington Post.

Với việc đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện khóa mới, hạ nghị sĩ đảng này nói rằng họ phải áp đặt giới hạn tài chính với ngân sách liên bang để kiềm chế chi tiêu. Trong khi đó, phe Dân chủ cho rằng không nâng trần nợ có thể khiến Mỹ vỡ nợ - điều mà các đời chính phủ khẳng định chưa từng xảy ra - và sẽ gây tổn hại lớn đến kinh tế trong nước.

Vì sao điều này quan trọng?

Bà Yellen cho biết Mỹ sẽ đạt giới hạn nợ vào ngày 19/1, khi đó Bộ Tài chính phải có những biện pháp cắt giảm chi tiêu nhằm ngăn vỡ nợ.

bo truong tai chinh my anh 1

Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) hồi tháng 12/2022 phát tin Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell thông báo tăng lãi suất. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói đất nước vẫn sẽ xoay xở được đến đầu tháng 6, dù có "sự không chắc chắn" về tình hình hiện nay. Chính phủ Mỹ cũng sẽ đợi báo cáo thu thuế năm 2022 để tính các động thái tiếp theo.

Nếu chính phủ không thể vay thêm tiền, Mỹ sẽ không đủ tiền để trả các khoản thanh toán đến hạn, bao gồm lãi suất từ nợ quốc gia.

Khi đó, Mỹ phải trì hoãn một số thanh toán, hoặc tuyên bố vỡ nợ ở một vài hạng mục. Điều này có thể ảnh hưởng đến các khoản phí an sinh xã hội, lương công nhân viên chức và quân đội, theo CNN.

Điều gì xảy ra nếu chính phủ vỡ nợ?

Vỡ nợ sẽ là một kịch bản tồi tệ với bất kỳ chính phủ nào.

Mỹ từng đứng trước nguy cơ vỡ nợ vào năm 2011. Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát khi đó đã bỏ phiếu bác dự luật nâng trần nợ và buộc chính phủ cựu Tổng thống Barack Obama phải thỏa hiệp với việc cắt giảm mạnh chi tiêu. Vụ việc đã khiến thị trường tài chính hỗn loạn, và S&P đã lần đầu hạ bậc tín nhiệm của Mỹ.

Kể từ đó, mức trần nợ là vấn đề được tranh luận thường xuyên, và Bộ Tài chính Mỹ phải có động thái gọi là “các biện pháp đặc biệt”.

bo truong tai chinh my anh 2

Mỹ đang tiệm cận một cuộc khủng hoảng trần nợ lớn kể từ năm 2011. Ảnh: Reuters.

Các biện pháp mà bà Janet Yellen thông báo sẽ áp dụng có thể bao gồm đình chỉ các khoản đầu tư từ quỹ chính phủ, giải quyết các khoản nợ dễ thanh toán, và hạn chế vay thêm.

Quốc hội Mỹ có nâng trần nợ?

Tăng trần nợ là công việc diễn ra thường xuyên tại quốc hội. Từ năm 1960, Quốc hội Mỹ đã 78 lần can thiệp vào việc thay đổi mức nợ, theo thống kê từ Bộ Tài chính Mỹ.

Chính phủ liên bang những năm qua luôn chi nhiều hơn thu, do đó phải vay tiền để bù vào phần thiếu hụt. Điều này khiến chính phủ luôn gần chạm mức trần nợ.

Các nghị sĩ Mỹ có thể tăng trần nợ, hoặc đình chỉ việc xét trần nợ trong một khoảng thời gian, nhằm giúp Bộ Tài chính Mỹ đi vay những khoản cần thiết.

Nhiều thập niên qua, vấn đề trần nợ bị chính trị hóa và trở thành công cụ đối đầu giữa hai đảng.

Để ngăn tình huống xấu nhất, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ phải sớm đạt thỏa thuận về việc tăng giới hạn nợ.

Dù vậy, cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện Mỹ vừa qua cho thấy ông Kevin McCarthy cần phải làm nhiều việc để có được sự đồng thuận của những hạ nghị sĩ Cộng hòa có đường lối bảo thủ, muốn chính phủ cắt giảm chi tiêu.

Trong khi đó, Nhà Trắng hay nghị sĩ đảng Dân chủ hồi tuần trước nói rằng sẽ không thỏa hiệp về vấn đề nâng trần nợ.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Bà Yellen cảnh báo Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Bà Janet Yellen hôm 13/1 đã dự báo nước Mỹ sẽ đạt trần nợ công vào ngày 19/1, buộc Bộ Tài chính phải đưa ra các giải pháp mang tính cực đoan về quản lý tiền tệ, Reuters đưa tin.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm