Sáng 13/6, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế có mặt tại phiên xử phúc thẩm Hoàng Công Lương và 4 bị cáo.
Trước đó, HĐXX mời đại diện Bộ Y tế giải thích về Công văn số 41 (đóng dấu mật) liên quan đến giám định y khoa trong vụ chạy thận nhân tạo làm chết 8 người ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Có tình tiết mới về nguyên nhân 8 bệnh nhân tử vong?
Trình bày trước tòa, ông Quang cho biết đối với vụ án chạy thận ở Hòa Bình, Bộ Y tế nhận được rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà hóa học và pháp y nêu quan điểm về kỹ thuật lọc máu.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Lam. |
Ngày 6/3, Bộ Y tế có Công văn số 41 (đóng dấu mật) gửi Thủ tướng về việc xuất hiện tình tiết khoa học mới liên quan đến nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong.
Cuối tháng 3, Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, giao Bộ Y tế thu thập ý kiến các chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật lọc máu để gửi cơ quan tố tụng Trung ương.
Sau khi tổng hợp ý kiến chuyên gia, Bộ Y tế đã gửi công văn đến TAND và VKSND Tối cao cùng Bộ Công an để cung cấp tài liệu, chứng cứ khoa học mới liên quan vụ án. Tuy nhiên, Bộ chưa nhận được phản hồi của các cơ quan này.
Đề cập đến Công văn số 41, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế nói văn bản này nêu một số căn cứ chưa đảm bảo tính khoa học, cần làm rõ. Trong đó có nội dung liên quan đến quá trình sửa chữa, bảo dưỡng máy lọc nước RO số 2.
"Liệu nguyên nhân khiến 8 nạn nhân tử vong có phải đều do ngộ độc florua?", ông Quang đặt câu hỏi và lý giải, trên thế giới hiện tượng ngộ độc hóa chất này rất ít.
Ông cũng nêu thắc mắc vì sao Bùi Mạnh Quốc (bị cáo lĩnh 54 tháng tù) từng đến sửa và bảo dưỡng máy RO số 2 nhiều lần, không làm xét nghiệm AAMI nhưng bệnh nhân không gặp sự cố như vụ việc xảy ra sáng 29/5/2017.
Ngoài ra, quá trình sửa máy, Quốc pha loãng dung dịch HF vào bình nước RO số 2 có dung tích 2.000 lít. Cần làm rõ bao nhiêu mức độ HF mới có thể làm chết người?
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, trong số các căn cứ chưa đảm bảo khoa học có việc vì sao Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình không bảo dưỡng 2 hệ thống RO số 1 và số 2, mà chỉ thực hiện trên máy RO số 2 dù các hệ thống này thông nhau?
Ông Quang cũng đề nghị làm rõ việc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã phá bỏ hệ thống lọc nước RO số 2 - vật chứng quan trọng của vụ án từ trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra.
"Cần thiết có thể dựng lại hiện trường vụ án, thậm chí giám định pháp y quốc tế để tìm ra nguyên nhân 8 người tử vong", Vụ trưởng Vụ Pháp chế kiến nghị khi giải thích một số nội dung trong Công văn 41.
Hoàng Công Lương thừa nhận vô ý, cẩu thả
Trước đó, chiều 12/6, HĐXX đã dành nhiều thời gian để xét hỏi sâu hơn lý do kháng án của Hoàng Công Lương. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo này 42 tháng tù về tội Vô ý làm chết người trong vụ chạy thận nhân tạo xảy ra hơn 2 năm trước.
Khi HĐXX đề nghị nêu lý do kháng cáo, Hoàng Công Lương tiếp tục không tự trình bày mà ủy quyền cho luật sư Hoàng Văn Hướng nói thay.
Theo luật sư, thân chủ của ông được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 và 2, Điều 46 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, căn cứ Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng quy định về án treo, Hoàng Công Lương có nhiều điều kiện phù hợp như: Gia đình có công với cách mạng, người thân có nhiều huân, huy chương, bác ruột là liệt sĩ.
Luật sư Hoàng Văn Hướng là người duy nhất bào chữa cho Hoàng Công Lương tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Việt Hùng. |
Ông Hướng phân tích thêm, căn cứ các quy định đó, nếu bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo Điều 46 Bộ luật hình sự và phạm tội vô ý thì hoàn toàn có thể đề nghị áp dụng án treo.
"Quá trình công tác, Hoàng Công Lương là một bác sĩ mẫu mực, có nhiều thành tích và chấp hành tốt các quy định", luật sư nói và cho rằng, đó là những căn cứ phù hợp để xét kháng cáo.
Được chủ tọa yêu cầu bổ sung cho người bào chữa, bị cáo Lương giãi bày sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bản thân đã tìm hiểu rõ hơn về tội Vô ý làm chết người.
"Bị cáo nhận thức được lỗi của mình, mong HĐXX xem xét", Hoàng Công Lương nhận lỗi, mong cấp phúc thẩm xem xét để bị cáo tiếp tục được cống hiến cho xã hội.
Chủ tọa Nguyễn Văn Vận ngắt lời Lương và giải thích: "Đó là việc làm rất ẩu và đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiệm trọng mà trên thế giới chỉ có 1, 2 sự cố như thế".
Hoàng Công Lương đứng trước bục gỗ vội cúi mặt, 2 bàn tay nắm chặt nhau rồi thừa nhận: "Bị cáo đã nhận thức về việc làm của mình là vô ý, cẩu thả”.