Trước khi có Jack với Laylalay, vị trí số một top thịnh hành được nắm giữ suốt nhiều ngày bởi Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi với ca khúc Chỉ là không cùng nhau. Cùng lúc, nhiều phiên bản khác của ca khúc cũng lọt top thịnh hành.
Khoảng 30 năm kể từ giai đoạn hoàng kim, nhạc Hoa lời Việt luôn có chỗ đứng ở thị trường Việt. Gần như vài tháng, thị trường lại xuất hiện ca khúc được viết lại lời từ nhạc Hoa gây sốt, điển hình là Độ ta không độ nàng năm 2019, Tình sầu thiên thu muôn lối năm 2020...
Hàng loạt ca khúc nhạc Hoa lời Việt hot
Chỉ là không cùng nhau được Việt hóa từ ca khúc Thời không sai lệch của ca sĩ Ngải Thần. Sau 20 tiếng phát hành trên Zing MP3, ca khúc do Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi thể hiện vươn lên nắm giữ vị trí đầu bảng #zingchart. Đáng nói, vị trí quán quân trước đó được nắm giữ bởi ca sĩ Huy Vạc với phiên bản Việt hóa khác của Thời không sai lệch.
Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi cho biết hai người đăng ca khúc Chỉ là không cùng nhau "cho vui". Hai giọng ca bất ngờ trước sự nổi tiếng của video. Tăng Phúc thậm chí thừa nhận những ca khúc của riêng anh không hot và lan tỏa rộng rãi như Chỉ là không cùng nhau.
Cùng thời điểm, nhiều phiên bản lời Việt khác của Thời không sai lệch đạt lượt xem và tương tác lớn. Trong đó, Chỉ là không cùng nhau nổi tiếng nhất hiện có 29 triệu lượt xem. Phiên bản do Khánh Phương, Hương Ly đăng tải với tên gọi Chỉ cần em bình an cũng đạt gần 100.000 lượt xem sau một ngày đăng tải.
Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi đang nổi tiếng với bản Việt hóa của Thời không sai lệch. Ảnh: NVCC. |
Việc cùng lúc có nhiều phiên bản Việt hóa của Thời không sai lệch nổi tiếng nhắc khán giả nhớ về Độ ta không độ nàng năm 2019. Bài hát thậm chí vượt qua sản phẩm của Sơn Tùng, Jack để đứng đầu danh sách top 10 bài hát được tìm kiếm nhiều nhất năm 2019.
Bài hát xuất phát từ Trung Quốc do Cô Độc Thi Nhân sáng tác rộ lên ở Việt Nam vào giữa tháng 5/2019. Khi đó, Độ ta không độ nàng có đến 9 phiên bản lời Việt lọt top 100 #zingchart. Không chỉ gương mặt mới mà những giọng ca lâu năm như Khánh Phương, Phương Thanh, Phương Mỹ Chi… cũng cover bài hát.
Năm 2020, nhiều bản nhạc Hoa lời Việt khác được yêu thích và lọt top 10 #zingchart tuần, chẳng hạn Tình sầu thiên thu muôn lối (Doãn Hiếu), Đánh mất em (Quang Đăng Trần), Huynh đệ à (Đinh Đại Vũ).
Nhạc Hoa lời Việt bắt đầu thịnh hành ở Việt Nam từ thập niên 1990 khi những bộ phim như Bao Thanh Thiên, Hoàn Châu Cách Cách, Tân dòng sông ly biệt… nổi tiếng.
Rất nhiều ca sĩ nổi lên nhờ hát lại ca khúc nhạc Hoa, chẳng hạn Huy Tùng, Hoàng Dũng, Thanh Tâm, Phương Thanh, Thanh Thảo, Minh Thuận… hay đặc biệt là Đan Trường.
Lý do đằng sau
Doãn Hiếu - chủ nhân ca khúc Tình sầu thiên thu muôn lối - nói với Zing: “Trong lúc rảnh rỗi, tôi có nghe và viết nhạc. Đúng lúc nghe được bài Cô phương tự thưởng, tôi nghĩ bài hát hay và cần bản lời Việt để có thể hát. Tôi không ngờ ca khúc được nhiều người đón nhận như vậy”.
Khánh Phương có nhiều bản Việt hóa gây chú ý, chẳng hạn Độ ta không độ nàng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nhận định về những bản nhạc Hoa được viết lời Việt, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho biết: “Khán giả vẫn luôn chuộng nghe nhạc Hoa lời Việt từ xưa đến giờ, tôi cũng không mấy bất ngờ khi dạo gần đây một số bài nhạc thịnh hành trên thị trường. Còn lý do vì sao những ca khúc đó nổi tiếng, tôi nghĩ chỉ có một, là giai điệu của những bài hát đó hay, tạo cảm giác quen thuộc nên được đông đảo công chúng yêu nhạc đón nhận”.
Nhạc sĩ giải thích thêm với Zing: “Đây gần như món ăn tinh thần quen thuộc đối với khán giả yêu nhạc, tôi cũng vậy. Tôi thích nghe Lân Nhã hát những ca khúc nhạc Hoa lời Việt như Tình nồng, Dĩ vãng nhạt nhoà, Hoa tàn. Khi khán giả đã quen món ăn tinh thần này, họ rất khó bỏ. Do đó, việc bao nhiêu năm nay Nhạc hoa lời Việt vẫn luôn thịnh hành là điều dễ hiểu”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, còn lý do khác khiến nhạc Hoa lời Việt sau nhiều năm vẫn thịnh hành, đó chính là khả năng tiếp cận khán giả.
Anh nói với Zing: “Việc chọn các ca khúc đã nổi tiếng của Trung Quốc để cover giúp ca sĩ rút ngắn khoảng cách với khán giả. Bản thân ca khúc đã hay, nổi tiếng rồi nên nghệ sĩ tiếp cận khán giả nhanh nhất có thể. Đó là câu chuyện về kinh tế, sự nổi tiếng".
Không nên lạm dụng
Khi những ca khúc nhạc Hoa lời Việt nổi tiếng, chiếm lĩnh thị trường, khán giả cũng đưa ra luồng ý kiến trái chiều. Họ đặt câu hỏi một thị trường âm nhạc vốn đã đi sau liệu có thể phát triển khi ưa chuộng ca khúc được viết lại lời từ bài hát tiếng Trung. Chưa kể, nhiều ca khúc, điển hình Độ ta không độ nàng bị chê sến, chứa quá nhiều từ Hán Việt gây khó hiểu cho người nghe.
Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho rằng cả nhạc Hoa lời Việt lẫn ca khúc mời đều phục vụ khán giả đại chúng.
Anh nói: “Tôi không nghĩ nên chuộng cái gì hơn, đó là tuỳ sở thích mỗi người, có người thích nghe nhạc thuần Việt, có người thích nghe nhạc Hoa lời Việt. Có người lại thích nghe những ca khúc nước ngoài".
Trước câu hỏi: “Ngành âm nhạc để phát triển thì nên có nhiều sản phẩm mới lạ, sáng tạo thay vì dựa vào giai điệu có sẵn?”, nhạc sĩ trả lời: “Điều này hiển nhiên đúng và một số người trẻ tuổi đang miệt mài làm điều này để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cho thị trường âm nhạc”.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường và Nguyễn Đức Cường cho rằng không nên lạm dụng nhạc Hoa lời Việt. Ảnh: NVCC. |
“Nhưng không đồng nghĩa với việc tôi không tán thành các bạn nhạc sĩ khác viết lại lời Việt cho một ca khúc nhạc ngoại. Mỗi người có sức sáng tạo riêng và mục đích hướng tới vẫn là phục vụ đại chúng”, anh nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường cũng đề cao những sáng tác mới thay vì viết lại lời cho bài hát nhạc Hoa. Anh cho rằng Vpop đang có dấu hiệu lạm dụng xu hướng này.
"Tôi nghĩ nên tiết chế. Tôi có thể nghe một bài hát Trung Quốc và thấy hay nhưng không có nghĩa tôi sẽ làm lại bài đó cho khán giả Việt nghe. Số lượng ít thôi thì ổn nhưng nếu lạm dụng vì muốn nổi tiếng, có kinh tế, thậm chí hát lại của người khác khi chưa giải quyết vấn đề bản quyền thì không nên", nhạc sĩ chia sẻ.
Anh nhận định: "Nhạc Trung Quốc thường có màu sắc riêng, tuy nhiên, nhạc Việt chưa đậm bản sắc. Đó là điều đáng suy ngẫm. Tôi rất mong âm nhạc Việt có được những màu sắc riêng, chẳng hạn nhạc Trịnh. Khi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn, khán giả nhận ra xuất xứ là từ Việt Nam. Đó là điều đáng tự hào".