Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao các mẹ Việt chuộng cho con ăn dặm kiểu Nhật?

Nhiều mẹ Việt phải cho ăn ra đường ăn bé mới chịu nuốt, trong khi các bà mẹ Nhật lại rất thảnh thơi. Tại sao có sự trái ngược như vậy?

Ăn dặm kiểu Nhật: Mẹ và bé đều vui!

Hiện nay, các bà mẹ chia sẻ và áp dụng rất nhiều biện pháp nuôi con. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, cụm từ “ăn dặm kiểu Nhật” được các mẹ truyền tai nhau nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt là những phụ nữ hiện đại. Việc áp dụng phương pháp ăn dặm này tại Việt Nam được cho là khá dễ bởi, Nhật Bản cũng là quốc gia châu Á, lương thực chủ yếu là lúa gạo, thức ăn cũng được chế biến từ cá, thịt, trứng, rau, củ, quả.

Chị Thu (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) cho biết đã áp dụng thành công phương pháp ăn dặm kiểu Nhật với cô con gái nhỏ đầu tiên. Cũng như trẻ em Nhật, bé Suri ăn dặm trong giai đoạn từ 5-15 tháng tuổi. Suri được tập ăn thức ăn từ loãng đến đặc dần, từ mịn đến thô dần trong từng giai đoạn. Với thực đơn phong phú, bé Suri luôn tỏ ra hào hứng với mỗi bữa ăn.

Phương pháp này không có khái niệm cho trẻ ăn rong ngoài đường.

Đặc biệt, với phương pháp này, ngoài việc tập ăn, bé còn được học kỹ năng nhai. Đây là kỹ năng quan trọng giúp bé biết ăn thực phẩm thô, giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn. Trẻ còn được học kỹ năng bốc  bằng tay, xúc, gắp thức ăn bằng thìa, nĩa vừa giúp hình thành tính độc lập vừa khiến bữa ăn trở nên thú vị hơn.

“Tôi chưa bao giờ căng thẳng với những bữa ăn của con như nhiều bà mẹ than phiền vì bé rất hào hứng. Những bữa ăn của bé như là một cuộc khám phá mà bất cứ đứa trẻ nào cũng thích vì chúng được tự do trải nghiệm bằng chính đôi bàn tay”, chị Thu hào hứng chia sẻ.

Vì được tập luyện từng bước một cách khoa học nên bé có thể ăn được nhiều loại thực phẩm từ cá, gà, bò, heo, trứng, tôm cho đến các loại rau, củ, quả. Chị Thu áp dụng triệt để cách tập ăn cho con bằng cháo trắng với thức ăn riêng nên Suri biết phân biệt mùi vị từ rất sớm. Từ đó, chị biết rất rõ khẩu vị của con thích và không thích ăn gì.

12 tháng tuổi, bé bắt đầu được tập ăn cơm nát. 15 tháng tuổi, Suri đã có thể ăn được cơm và thức ăn gần như người lớn. 18 tháng tuổi, bé tự mình ăn hết suất. Việc áp dụng phương pháp này giúp chị Thu không quá vất vả trong việc ăn uống của con.

Không áp dụng nuôi con theo phương pháp này 100%, chị Lan Anh (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chỉ học tập tinh thần mà nó mang lại. Đó là những cách giúp con được tự do khám phá đồ ăn; có tính kỷ luật (không ăn rong); thể hiện cảm xúc đối với từng món; không ép con ăn khi không còn nhu cầu; biết nhai sớm; ăn thô đúng giai đoạn…

Theo chị Lan Anh, ăn dặm kiểu Nhật không có bước ăn bột như phương pháp truyền thống. Các bé sẽ tập phản xạ tự nhai ngay trong giai đoạn đầu nên hiếm có đứa trẻ nào có thói quen ngậm thức ăn. Mặc dù con gái chị mới hơn một tuổi nhưng đã nhai rất tốt và mỗi khi đi chơi không phải lỉnh kỉnh thức ăn, đồ chế biến như nhiều bé cùng tuổi. Mặc dù nhiều người lo ngại về việc cho các bé ăn cháo sớm sẽ đau dạ dày nhưng chị vẫn tin tưởng phương pháp này bởi thực tế "người Nhật sống thọ nhất thế giới".

Bà mẹ này tâm sự: “Mặc dù không bụ bẫm như nhiều đứa trẻ cùng lứa tuổi nhưng con không muốn ăn tôi cũng không ép, không dọa nạt hay làm xiếc để dụ. Vì thế, với mỗi bữa ăn, con đều rất hứng thú và hợp tác tốt”.

Các bước áp dụng cơ bản

Có 4 giai đoạn để thực hiện cho bé ăn dặm theo phương pháp của các mẹ Nhật đã được nhiều mẹ tổng hợp và chia sẻ trên các diễn đàn nuôi con Webtretho:

Giai đoạn 1 (5-6 tháng tuổi): bé bắt đầu tập ăn, nên cho ăn từ ít đến nhiều. Bé được tập ngồi vào ghế ăn và dần dần trở thành thói quen nghiêm túc nhưng vẫn vui vẻ. Giai đoạn này chủ yếu là tập cho bé làm quen với các vị thực phẩm khác ngoài sữa và ăn bằng muỗng.

Do được mẹ áp dụng phương pháp ADKN nên dù mới hơn 7 tháng tuổi nhưng Nana đã ăn được cháo nguyên hạt - Ảnh: Bích Ngọc

Gạo là thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của bé và không gây dị ứng. Tuần đầu tiên, các mẹ chỉ cho bé ăn cháo trắng nghiền nhuyễn, rây qua lưới (không nêm gia vị). Đặc biệt người Nhật không tập cho bé ăn vị ngọt từ đường khi bắt đầu ăn dặm. Từ tuần thứ hai trở đi có thể cho bé ăn thêm một chút rau, củ, quả. Giai đoạn này bé ăn cháo dạng bột tỉ lệ 1:10 (5 ml gạo + 50 ml nước).

Muối không tốt cho thận của bé, vì vậy các mẹ không cần nêm muối vào thức ăn. Đối với bé, vị nước dashi và nước rau luộc là đủ. Nước dashi là loại nước dùng được nấu từ rong biển và cá ngừ khô bào mỏng, nước rau luộc được nấu từ 3 loại rau trộn lẫn (hành tây, cà rốt, bắp cải) luộc lấy nước. Hai loại nước dùng này có vị ngọt tự nhiên và giàu vitamin. Nếu áp dụng trong điều kiện ở Việt Nam thì có thể thay nước dashi bằng nước luộc thịt gà cũng có vị ngọt tự nhiên. Ở giai đoạn này nên tránh cho bé ăn những dễ gây dị ứng như cá thu, tôm, cua, bạch tuộc, các loại ốc, mì sợi lúa mạch đen, thịt, sữa bò…

Giai đoạn 2 (7-8 tháng tuổi): Đây là giai đoạn bé biết nhai trệu trạo, bé có thể đẩy mạnh lưỡi lên hàm trên để làm tan thức ăn, nên những món có độ mềm như cháo không cần nghiền nhuyễn bé cũng có thể ăn được. Giai đoạn này nên tăng chủng loại thực phẩm để bé làm quen với nhiều vị thức ăn khác nhau. Thức ăn của bé chỉ cần nghiền nhỏ (không cần quá kỹ) và cho thêm bột gạo tạo độ trơn để bé dễ nuốt.

Có thể cho bé ăn thịt nạc hoặc các loại cá có màu đỏ. Nên thêm từng ít một để đa dạng thực đơn cho bé. Có thể cho bé ăn mì sợi nấu mềm như cháo, cắt nhỏ sao cho bé có thể bốc ăn bằng tay. Giai đoạn này cho bé ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:7 (10 ml gạo + 70 ml nước).

Giai đoạn 3 (9-11 tháng tuổi): Ở giai đoạn này, cho bé ăn mỗi ngày 3 bữa chính. Bé đã có thể nhai tốt thức ăn bằng lợi. Vì vậy, thức ăn được nấu mềm sao cho bé có thể nhai bằng lợi. Thức ăn được cắt to khoảng 0,5 cm, dài khoảng 2-3 cm để bé có thể tự bốc hoặc cầm nĩa đút vào miệng.

Bé có thể ăn được hầu hết các loại rau. Có thể cho bé ăn cả phần cuống rau bina (cắt nhỏ), lòng đỏ và lòng trắng trứng, món cá nấu chín. Nên cho bé ăn thêm gan gà, các loại thịt có màu đỏ, đậu quả, đậu hũ để bổ sung chất sắt. Giai đoạn này cho bé ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:5 (20 ml gạo + 100 ml nước).

Giai đoạn 4 (12-15 tháng tuổi): Bé ăn mỗi ngày 3 bữa chính cùng thời gian với bữa ăn của người lớn. Giai đoạn này bé có thể ăn được thức ăn to và cứng hơn trước. Có thể cho bé ăn cơm nát rồi đến cơm. Ngoài ra, tập cho bé tự ăn bằng muỗng và nĩa. 

Mục tiêu của giai đoạn này là cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để hướng đến việc ngừng cho bé uống sữa bột.

Để tập cho bé biết tự ăn, nên chế biến các món mà bé có thể tự bốc ăn như các món làm từ bánh mì lát hoặc cơm nắm. Nên tạo thức ăn có hình dạng và màu sắc bắt mắt để bé thích ăn hơn. 

Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, điểm khác biệt của ăn dặm kiểu Nhật là thời gian bắt đầu cho trẻ ăn thô sớm hơn so với phương pháp ăn dặm truyền thống.

Theo bác sĩ Hải thực hiện được theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật rất tốt. Tuy nhiên, cần chú ý đến sự hợp tác và nhu cầu của trẻ. Nếu trẻ không thích ăn thô, không thể cứ ép con theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật , bởi trẻ có thể bị bỏ đói dài dẫn tới suy dinh dưỡng. Trong trường hợp này, các mẹ có thể xen kẽ 2 phương pháp trên.

Cách nuôi con đối lập giữa mẹ Việt và mẹ Nhật

Nếu như các bà mẹ người Nhật luôn cho con thưởng thức bữa ăn theo nhu cầu thì nhiều mẹ Việt thường đặt cho con tiêu chí "ăn càng nhiều càng tốt".

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm