Được quan tâm sau đợt cứu trợ lũ lụt miền Trung, ca sĩ Thủy Tiên cũng phải nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Trên Facebook, một nhóm antifan giọng ca Ngôi nhà hạnh phúc đã được lập ra và có hơn 36.000 thành viên.
Các thành viên trong nhóm đăng bài viết công kích nữ ca sĩ bằng lời lẽ khiếm nhã, ác ý, thậm chí còn tấn công các nhãn hàng mà cô đang hợp tác.
Không lâu trước đó, Hương Giang, cái tên gây tranh cãi vì loạt phát ngôn trên chương trình truyền hình, trở thành đối tượng bị anti trong một group kín với hơn 150.000 thành viên trên Facebook.
Thủy Tiên bị lập nhóm anti trên Facebook. |
Thủy Tiên hay Hương Giang không phải những nghệ sĩ đầu tiên, duy nhất bị nói xấu tập thể. Nhiều người đồng ý rằng khán giả hoàn toàn có quyền tẩy chay các ngôi sao nếu họ phát ngôn, hành xử không đúng.
Tuy nhiên, có thể thấy sự phát triển của mạng xã hội đã biến anti, nói xấu người nổi tiếng trở thành trào lưu.
Chỉ cần tạo một nhóm kín trên Facebook, người ta đã có thể tập hợp, lôi kéo được hàng trăm, hàng nghìn người có cùng quan điểm với mình. Để rồi bất cứ nghệ sĩ, người nổi tiếng nào được quan tâm, gây tranh cãi cũng trở thành mục tiêu để dân mạng lập nhóm anti, hùa nhau “ném đá”.
Kiếm tiền từ các hội nhóm anti
Trên Facebook, việc thành lập nhóm rất dễ dàng và hầu như không có điều kiện bắt buộc nào. Số lượng nhóm anti người nổi tiếng từ ca sĩ, nhạc sĩ cho đến nhà văn, cầu thủ, hoa hậu ngày một đông đảo.
Có thể kể đến như nhóm antifan của nhà văn Gào (tên thật Vũ Phương Thanh) với hơn 145.000 thành viên, nhóm chỉ trích Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương có 50.000 thành viên, hội nói xấu Chi Pu với 15.000 thành viên, anti cầu thủ Quang Hải và bạn gái cũ Huỳnh Anh với 14.000 thành viên.
Nhiều nhóm anti với hàng trăm nghìn member thậm chí nổi tiếng không kém gì tên tuổi nghệ sĩ. Một số group còn phát triển thành nơi chuyên “bóc phốt”, đào bới đời tư người nổi tiếng.
Tại những hội nhóm này, các thành viên cung cấp thông tin hầu như đều chưa qua kiểm chứng. Họ đưa ra suy đoán, cung cấp bằng chứng mập mờ, tin đồn bóng gió, thất thiệt để tấn công, làm tổn hại danh tiếng ngôi sao mình anti.
Nhóm anti Hương Giang Idol thu hút hơn 100.000 thành viên chỉ sau vài ngày. |
Không riêng ở Việt Nam, các nhóm anti người nổi tiếng cũng rất phổ biến tại các nước khác.
Ở Hàn Quốc, các cổng thông tin điện tử như Naver và Daum là kênh tiếp thu tin tức chính, cho phép người dùng để lại bình luận mà không cần tiết lộ tên thật. Văn hóa bình luận ẩn danh được cho là nguyên nhân chủ yếu của nạn bắt nạt trực tuyến.
Số lượng các trường hợp phỉ báng, xúc phạm và “bạo lực bằng lời nói” trên mạng xã hội đã tăng gần gấp đôi từ năm 2014-2018, dữ liệu của cảnh sát Hàn Quốc cho thấy.
Tương tự, trào lưu anti cũng không phải hiếm trong thế giới US-UK. Giữa những năm 2000, cụm từ antifan được nhắc đến nhiều ở Mỹ khi một nhóm người tuyên bố tuyệt thực để kêu gọi chương trình American Idol loại thí sinh họ căm ghét là Sanjaya Malakar ra khỏi cuộc thi.
Theo The Guardian, “văn hóa anti” bắt đầu nở rộ trên mạng xã hội từ năm 2007 với sự ra đời của hàng loạt group nói xấu người nổi tiếng như Rachael Ray Sucks (anti các đầu bếp truyền hình Mỹ), Wretched Beast (anti Elizabeth Swann, nhân vật của Keira Knightley trong phim Cướp biển vùng Caribbean) và Jodiemush (anti VĐV, người mẫu Jodie Marsh)…
Tại Trung Quốc, Banyuetan, tạp chí hàng tháng thuộc Xinhua News Agency, nói rằng các nền tảng mạng xã hội có thể cho phép và thậm chí khuyến khích nhiều tài khoản tung tin đồn ác ý và vu khống người nổi tiếng.
Trịnh Sảng khởi kiện một số người hâm mộ của Tuyên Nghi vì cảm thấy bị xúc phạm. |
Nếu hai nghệ sĩ cạnh tranh với nhau, cuộc chiến giữa các fandom còn đẩy trào lưu anti đi xa hơn.
Ví như fan của nữ diễn viên Trịnh Sảng và thành viên Tuyên Nghi (nhóm nhạc Rocket Girls 101) mới đây tranh cãi nảy lửa khi hai nghệ sĩ cùng tình cờ xuất hiện trong một bức ảnh chụp tại sân bay.
Khi các tranh luận xem ai xinh đẹp, nổi tiếng hơn ngày càng trở nên gay gắt, một số cư dân mạng đã để lại những lời nhắn lăng mạ, lập hội nói xấu Trịnh Sảng trên Sina, Weibo. Cuối cùng, nữ diễn viên đã phải khởi kiện một số người hâm mộ của Tuyên Nghi vì cảm thấy bị xúc phạm.
Cathy, một quản trị viên fanclub kỳ cựu ở Trung Quốc, tiết lộ việc lập ra các nhóm antifan thu hút hàng nghìn người đăng ký đã giúp một số người thu về lợi nhuận khủng.
“Một số nhóm anti thu hút lượng lớn người theo dõi khi dùng lời lẽ công kích và bôi nhọ các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Sau khi số lượng người theo dõi tăng lên khoảng hơn 200.000, những nhóm này bắt đầu cung cấp các dịch vụ tính phí để quảng cáo các ngôi sao, hoạt động như kênh tin tức showbiz hoặc bán hàng online”.
Xử lý ra sao
Các group anti nói xấu cá nhân nhan nhản trên mạng xã hội. Nhưng đến hiện tại, những nền tảng như Facebook vẫn chưa thể kiểm soát được loại nội dung này.
Vì công cụ kiểm duyệt của Facebook dựa trên AI nên không thể phát hiện các nhóm nói xấu người khác nếu các thành viên sử dụng từ lóng, viết tắt hoặc nickname họ tự đặt cho nghệ sĩ, ví dụ như "nữ hoàng đạo lý", "nhà văn X", "anh tối", "chị Dậm"…
Tháng 5/2020, Bruce Goldberg, một nghệ sĩ lồng tiếng người Australia, đã được bồi thường 35.000 USD tiền thiệt hại sau khi bị bôi nhọ tên tuổi bởi một bài đăng trong nhóm Facebook cộng đồng có tên Rose Bay ở Sydney.
Năm 2018, Alice Voigt, quản trị viên của nhóm kín Rose Bay, đã đăng bài nói rằng Goldberg là một "kẻ bám đuôi tâm thần" và là "mối nguy đối với phụ nữ". Goldberg cho biết anh đã rất sốc khi đọc bài viết này vì hầu hết dẫn chứng trong đó là bịa đặt.
“Trong vài tuần sau đó, mọi người trên đường phố xì xào và la mắng tôi. Bạn bè, người thân bắt tôi giải thích về sự việc. Tôi nghĩ rằng danh tiếng, uy tín của mình sẽ bị tổn hại hoàn toàn”.
Vụ kiện đã được rất nhiều trang tin, tờ báo đăng tải vì đó có thể là trường hợp đầu tiên một cá nhân kiện nhóm antifan trên mạng xã hội và đòi bồi thường thành công.
Quản lý và xử lý các nhóm bôi nhọ, nói xấu cá nhân trên Facebook không đơn giản. |
Trên thực tế, những cuộc chiến pháp lý tương tự để chống lại việc nói xấu, bôi nhọ trên mạng xã hội phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Luật chống phỉ báng, làm tổn hại danh tiếng của người khác được nhiều quốc gia đưa ra. Tuy nhiên để áp dụng cho các nhóm antifan trên mạng lại không dễ.
Bộ trưởng Tư pháp của Australia Christian Porter nói: “Sân chơi giữa các nền tảng kỹ thuật số và truyền thông chính thống là hoàn toàn không đồng đều. Lượng người dùng của Twitter và Facebook lớn hơn nhiều so với độc giả của một tờ báo tiêu chuẩn. Nên các nền tảng trực tuyến cần tuân theo tiêu chuẩn về cơ bản giống như các nhà xuất bản khác, bao gồm cả luật chống phỉ báng”.
Tại Việt Nam, Nghị định 15/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4 đã quy định rõ ràng hơn về việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội. Theo đó, người cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật; xúc phạm, vu khống danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Theo Điều 592 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015, mức phạt tối đa đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở áp dụng ở thời điểm hiện tại là 1,49 triệu đồng nên mức phạt tối đa là 14,9 triệu đồng.