Liên minh 5 đảng do Move Forward đề xuất chưa đủ 376 ghế tại Quốc hội để chọn ra thủ tướng. Ảnh: AP. |
Một số doanh nghiệp đang kêu gọi Move Forward nhanh chóng thành lập chính phủ để đảm bảo ổn định chính trị. Họ cũng hy vọng chính phủ do đảng này thành lập sẽ tiếp tục các dự án kinh tế quan trọng và thông qua dự luật ngân sách suôn sẻ, những bước đi có thể thành công tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, Nikkei Asia đưa tin.
Cho đến nay, kế hoạch thành lập liên minh đa số của Move Forward không đủ 376 ghế cần thiết để chọn ra thủ tướng, mở ra khả năng dẫn tới cuộc đối đầu quyền lực với phe quân đội.
Lo ngại gián đoạn
“Càng mất nhiều thời gian thành lập chính phủ thì niềm tin vào nền kinh tế Thái Lan càng giảm sút”, Kriengkrai Thiennukul - Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) - cho biết. Ông khẳng định khu vực tư nhân rất quan tâm đến việc xúc tiến Hành lang Kinh tế phía đông (EEC) - dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ gồm các tuyến tàu cao tốc và đặc khu kinh tế.
Ông Kriengkrai nói thêm Thái Lan cũng nên tiếp tục thúc đẩy khái niệm Bio-Circular-Green mà nước này đã giới thiệu tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào mùa hè năm ngoái. BCG là mô hình kinh tế nhằm thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, duy trì và phục hồi các hệ sinh thái, cũng như giảm thiểu chất thải.
Giới phân tích thận trọng trước các chính sách tặng tiền mặt của Move Forward. Ảnh: AP. |
EEC đã thu hút được 1.800 tỷ baht (52 tỷ USD) tiền đầu tư. Dự kiến dự án này sẽ có thêm 300 tỷ baht nữa trong năm nay, với các ngành công nghiệp robot, nhựa sinh học, y tế và xe điện được coi là nhóm “thắng lớn”.
Phó chủ tịch FTI Montri Mahaplerkpong cho biết FTI đang làm báo cáo nêu quan điểm, trong đó gồm các mối quan tâm và đề xuất kinh doanh trình bày với chính phủ mới. “Điều chúng tôi lo ngại nhất là tính liên tục của các chính sách, đặc biệt là dự luật ngân sách hiện tại”, ông Montri nói.
Nội các Thái Lan trước đó đã phê duyệt ngân sách 3.350 tỷ baht (100 tỷ USD) cho năm tài khóa 2024 (tháng 10/2023-9/2024). Quốc hội mới - dự kiến họp lần đầu tiên vào tháng 7 sau khi Ủy ban bầu cử (EC) tán thành kết quả bầu cử chính thức - sẽ biểu quyết dự luật này.
Trong chiến dịch tranh cử, Move Forward hứa hẹn sẽ sửa đổi dự luật ngân sách cho phù hợp với các chính sách và tình hình kinh tế hiện tại. Các ứng viên cho biết họ sẽ cắt giảm chi tiêu không cần thiết và sử dụng tiền tiết kiệm để tài trợ cho các chương trình phúc lợi xã hội.
“Khu vực tư nhân muốn thấy chính phủ mới và các chính sách rõ ràng”, Sanan Angubolkul - Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan - cho biết.
Bất ổn có thể chặn đà tăng trưởng
Trong khi đó, các giám đốc điều hành và nhà phân tích tại nhiều tổ chức lo ngại chính phủ do Move Forward đứng đầu sẽ thực hiện tốt những cam kết trong chiến dịch tranh cử, gây tổn hại tới nền kinh tế Thái Lan. Họ đặc biệt để mắt tới các khoản tiền mặt mà mọi bên hứa hẹn trước cuộc bầu cử.
Trong chiến dịch, Move Forward cam kết sẽ ngay lập tức tăng mức lương tối thiểu hàng ngày từ 354 baht lên 450 baht và tiếp tục tăng tỷ lệ này hàng năm. Đảng này cũng đề nghị trả 1.200 baht/tháng cho cha mẹ nuôi trẻ sơ sinh và 3.000 baht/tháng cho người già.
Theo Sirikanya Tansakul - phó lãnh đạo Move Forward, việc thực hiện theo đúng những hứa hẹn này sẽ tiêu tốn tới 650 tỷ baht.
Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) cảnh báo cần phải thận trọng và thực hiện kỷ luật tài khóa trong suốt quá trình soạn thảo mọi ngân sách mới.
Trong quý I/2023, nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ, từ mức 1,4% trong quý trước. Ảnh: Bloomberg. |
“Chính phủ mới nên cẩn trọng vì một số chính sách sẽ trực tiếp đẩy chi phí trong các lĩnh vực kinh doanh, gây ảnh hưởng tới FDI”, Danucha Pichayanan - Tổng thư ký NESDC - cho biết, nói thêm việc tăng tiền lương có thể khiến các công ty chuyển sang nước khác.
Trong khi đó, các tập đoàn lớn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan vẫn im lặng sau khi có kết quả bầu cử.
Trong quý I/2023, nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ, từ mức 1,4% trong quý trước. Goldman Sachs hôm 15/5 lưu ý đà tăng trưởng tích cực này sẽ tiếp tục nếu tất cả bên liên quan chấp nhận kết quả bầu cử.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc xảy ra bế tắc chính trị hoặc tranh cãi kết quả sẽ làm giảm tăng trưởng, đặc biệt nếu những sự kiện đó châm ngòi biểu tình, như chúng ta đã chứng kiến trong quá khứ”, báo cáo của Goldman ghi.
Tương tự, trong báo cáo hôm 15/5, Capital Economics nhận định các cuộc biểu tình và tình hình bất ổn có thể ngăn chặn đà phục hồi, chỉ ra các sự kiện sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch quan trọng của đất nước.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.