Tập 30 của chương trình 2 ngày 1 đêm lên sóng hôm 19/2 gây tranh cãi vì cảnh "HIEUTHUHAI bị lột sạch quần áo giữa trời đông rét buốt".
Trong thử thách của chương trình, một thành viên đeo tai nghe và ngâm nga lại giai điệu bài hát. Các thành viên khác có nhiệm vụ đoán đúng tên bài hát để giành chỗ ngủ. Nếu đoán sai, thành viên được chọn ra, HIEUTHUHAI, sẽ phải lột một món đồ trên người.
Khi trò chơi kết thúc, nam rapper gần như đã lột bỏ toàn bộ quần áo, phải dùng thùng carton để che đi các phần nhạy cảm trước máy quay, ekip chương trình và các thành viên khác.
Phân cảnh này hiện được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội và nhận về nhiều bình luận trái chiều. Một số người tỏ ra thích thú, để lại nhiều nhận xét về ngoại hình, cơ thể của rapper sinh năm 1999.
Ngược lại, những khán giả khác lên tiếng chỉ trích chương trình quấy rối HIEUTHUHAI, cho rằng việc yêu cầu người chơi cởi đồ như vậy là phản cảm.
Những ý kiến trái chiều kể trên chỉ là một phần của cuộc tranh luận xung quanh vấn đề tình dục hóa các ngôi sao nam trên truyền hình và lạm dụng đàn ông ngoài đời thực.
Nhiều người lầm tưởng rằng nạn nhân nam của quấy rối, bạo lực tình dục rất hiếm. Thực tế không phải như vậy. Định kiến và sự kỳ thị khiến nhiều nạn nhân nam không dám lên tiếng. Nhưng im lặng không có nghĩa là vấn đề không tồn tại.
Mất hàng chục năm để lên tiếng
"Tôi không muốn tin rằng nó đã xảy ra. Tôi muốn phủ nhận rằng điều đó đã xảy ra", nhà viết kịch Patrick Sandford, người đã không kể với ai về việc mình bị lạm dụng khi còn là học sinh trong hơn 1/4 thế kỷ, cho biết.
Sandford nói với Guardian rằng ông đã trải qua hàng chục năm lo sợ bị kỳ thị nếu lên tiếng.
"Nếu một người đàn ông thừa nhận từng là nạn nhân của lạm dụng, bạo lực tình dục, thì họ sẽ bị coi là kẻ yếu đuối. Đó là thực tế", Sandford chia sẻ.
Theo nghiên cứu năm 2021 của tổ chức từ thiện Mankind, 9% nam giới ở Anh cho biết họ đã bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục, 14% đã bị ép buộc hoặc gây áp lực để quan hệ và 21% bị quấy rối khi chưa đủ tuổi thành niên.
Nghiên cứu năm 2018 của tổ chức phi lợi nhuận Stop Street Harassment cho thấy 81% phụ nữ và 43% nam giới ở Mỹ từng chịu đựng một số hình thức quấy rối, tấn công.
Nhà viết kịch Patrick Sandford nói rằng ông đã trải qua nhiều thập kỷ lo sợ bị kỳ thị nếu lên tiếng về việc bị lạm dụng. Ảnh: PR. |
Nhưng những con số chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm vì rất nhiều nạn nhân chưa thể nói lên sự thật.
Một nửa trong số 254 nam giới được hỏi trong cuộc khảo sát ở Nhật Bản cho biết không muốn nói với bất kỳ ai về việc mình bị lạm dụng. Tỷ lệ này lớn hơn nhiều so với phụ nữ.
Các tổ chức kêu gọi những chính sách, chiến lược hỗ trợ có cách tiếp cận toàn diện hơn để đáp ứng nhu cầu cho tất cả nạn nhân thuộc mọi giới tính.
Nhà viết kịch Sandford cho biết các nạn nhân nam nên được quan tâm nhiều hơn, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa xem nhẹ vấn đề quấy rối, lạm dụng đối với phụ nữ.
"Tôi không nói điều đó tồi tệ hơn đối với đàn ông. Tôi chỉ nói rằng thực tế rất khác so với suy nghĩ của nhiều người. Và rốt cuộc thì đây không phải là một cuộc thi. Mọi nạn nhân đều cần được bảo vệ, giúp đỡ".
Rào cản "nam tính"
Rick Goodwin, nhà tư vấn trị liệu, người điều hành Men & Healing (phòng khám độc lập dành cho nam giới bị lạm dụng) nói rằng rất ít nơi thực sự hỗ trợ đàn ông.
Ông Goodwin cho biết nam giới cũng trải qua phản ứng chấn thương đối với tấn công tình dục, nhưng biểu hiện của chấn thương đó là khác nhau, thường do "quy ước nam tính" do xã hội đặt ra.
"Trong một nghiên cứu về những người bị lạm dụng tình dục từ nhỏ mà tôi tham gia, độ tuổi trung bình của nam giới tìm cách điều trị chấn thương là 45. Như vậy, trung bình mất 35 năm để nam giới tìm cách điều trị chấn thương và thường chỉ ở những khu vực có trung tâm điều trị chuyên biệt. Độ tuổi trung bình còn có thể cao hơn đối với những vùng không có loại trung tâm này".
Rào cản "nam tình" khiến nhiều nạn nhân nam không thể lên tiếng. Ảnh: huffpost. |
Theo ông Goodwin, có quy tắc bất thành văn về ý nghĩa của việc trở thành một người đàn ông.
"Nam tính là thứ bất khả xâm phạm, nghĩa là để trở thành một chàng trai theo nghĩa thông thường cần phải biết chịu đựng bất kỳ nỗi đau hoặc sự tổn thương nào. Đó là lý do đàn ông không tiếp cận các dịch vụ để được giúp đỡ. Nam giới quan tâm đến vai trò hoặc địa vị của họ xung quanh những người đàn ông khác".
Wendell Moss thuộc Trung tâm Allender, nơi đào tạo các nhà trị liệu, cũng đồng ý với nhận định này. Ông Moss nói rằng thông thường, nam giới cảm thấy vô cùng xấu hổ khi nói với những người đàn ông khác những gì đã xảy ra và sợ bị đánh giá khác đi.
"Sự xấu hổ thường là nguyên nhân chính ngăn đàn ông lên tiếng".
Ông Moss cho rằng cần thay đổi một số nhận thức lỗi thời xung quanh khái niệm nam tính và quan niệm sai lầm rằng các nạn nhân nam bị tấn công tình dục là những người yếu đuối.
"Nếu loại bỏ quan niệm nam tính độc hại, thì càng có nhiều hy vọng tạo ra một định nghĩa đúng đắn thế nào là đàn ông. Và khi định nghĩa mới đó càng có hiệu lực, nam giới càng có thể dễ dàng chữa lành vết thương".
Các chuyên gia đều chỉ ra rằng điều quan trọng là phải tạo ra không gian, môi trường lành mạnh, nơi đàn ông có thể chia sẻ những câu chuyện bị lạm dụng mà không cảm thấy xấu hổ hay bị kỳ thị.
"Giữ im lặng không có nghĩa là vấn đề sẽ biến mất. Càng im lặng trước hành vi lạm dụng thì văn hóa lạm dụng càng tồn tại lâu dài hơn mà thôi", ông Goodwin nói.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.