Trong buổi họp báo diễn ra tại đại bản doanh Valdebebas hôm qua, huấn luyện viên (HLV) trưởng Real Madrid, Santiago Solari đã không ngần ngại tố cáo “một bộ phận nhỏ cầu thủ Real không đứng lên chiến đấu vì đội bóng”. Vì sự hời hợt đó mà Real thua tan nát Ajax tại Champions League.
Trước Solari, Maurizio Sarri (Chelsea) cũng lên báo tố cáo một số học trò thiếu động lực thi đấu, gián tiếp dẫn tới một giai đoạn tăm tối của The Blues tại Premier League. Jose Mourinho cũng không dưới 2 lần bóng gió nói với truyền thông rằng, các cầu thủ (ở Real Madrid và Chelsea) không chiến đấu vì ông.
Trong vài năm gần đây, cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện một chiến lược gia phải mượn truyền thông để “vạch áo cho người xem lưng”. Một câu hỏi đặt ra: bóng đá hiện đại đang tạo nên sự biến chất của cầu thủ hay chính thời thế đã tạo ra điều này?
HLV Santiago Solari vừa tố cáo một số cầu thủ Real không chiến đấu cho đội bóng trước truyền thông Tây Ban Nha. |
Tình yêu còn tồn tại không?
Đi tìm lại tuổi thơ của đa phần các ngôi sao bóng đá, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp một mô tuýp quen thuộc kiểu này: trưởng thành với tình yêu bóng đá, không đủ tiền mua giày, mua bóng, phải chơi bóng đá đường phố; đi ngủ với quả bóng, dành toàn bộ thời gian rảnh để đá bóng ở sân sau…
Đa phần các cầu thủ đến với bóng đá bằng tình yêu. Nhưng nếu như thế hệ cầu thủ ngày xưa yêu bóng đá cho đến hết cuộc đời thì thế hệ ngày nay hình như có quá nhiều cám dỗ khác để chung thủy với tình yêu thời thơ ấu.
Trong tự truyện của mình, Roy Keane từng tâm sự về chuỗi ngày đá bóng một mình trong garage nhà riêng. Đó là quãng thời gian sau khi anh chia tay Man United và rơi vào cảm giác trống rỗng. Keane không muốn làm gì, không muốn nghĩ tới tương lai, nhưng vẫn vô thức chơi đùa với trái bóng đơn giản vì anh yêu nó hơn bất cứ thứ gì.
Không thiếu những cầu thủ thuộc thế hệ cũ gắn bó cả cuộc đời với một màu áo, bất kể thăng trầm, vinh quang hay cay đắng vẫn một mực trung thành. Francesco Totti là một huyền thoại, với tài năng đã được lịch sử thừa nhận, nhưng anh kết thúc sự nghiệp chỉ với vỏn vẹn 1 lần vô địch Serie A. Totti hài lòng vì điều đó, bởi thứ lớn hơn cả anh có trong đời là tình yêu với Roma.
Carlos Tevez kiếm được 1 bảng (1,3 USD) mỗi giây chỉ nhờ “đi bộ” ở Trung Quốc. |
Steven Gerrard nếu vì lợi ích của bản thân mình, anh đã gật đầu gia nhập Chelsea và kết thúc sự nghiệp với vài danh hiệu vô địch Premier League trong nhà. Nhưng Gerrard đặt Liverpool lên trên tất cả. Anh chưa bao giờ hối tiếc vì khép lại sự nghiệp mà chưa một lần đặt tay lên ngai vàng Premier League.
Hình ảnh tương phản nhất với những huyền thoại vừa kể trên có lẽ là trường hợp của Carlos Tevez. Vào giai đoạn Tevez sắp kết thúc mối lương duyên với Juventus, anh lên báo nói những lời đao to búa lớn về tình yêu bất diệt dành cho đội bóng quê hương Boca Juniors – nơi đã đưa Tevez tới với thế giới bóng đá chuyên nghiệp. Anh khẳng định sẽ giải nghệ trong màu áo Boca Juniors để tri ân đội bóng.
Quả thật Tevez rời Juventus rồi về thẳng Boca Juniors. Nhưng chỉ khoác áo Boca được vỏn vẹn 1 năm, Tevez đã rũ bỏ tình yêu trời biển của mình để chạy sang Trung Quốc khoác áo Shanghai Shenhua. Anh ra đi hoàn toàn vì mức lương 41 triệu USD/năm. Theo tính toán, mỗi… giây thi đấu cho Shanghai Shenhua, Tevez kiếm được 1,3 USD.
Nhưng trong màu áo Shanghai Shenhua, Tevez gần như không chịu đá bóng. Rất nhiều video được tung lên mạng đã chứng minh cầu thủ này hầu như chỉ đi bộ trên sân trong khi các đồng đội vẫn đang chiến đấu. Sau khi bỏ túi 41 triệu USD, Tevez lại khăn gói trở về Boca và một lần nữa lại nói chuyện yêu đương nồng thắm với đội bóng cũ.
Thế thời phải thế
Vấn đề là trong thời thế giới bóng đá hiện đại, những hình mẫu cầu thủ như Tevez thì nhiều mà như Gerrard, Totti lại quá ít. Điều gì đã thay đổi cả một thế hệ cầu thủ? Bản thân họ tự thay đổi vì đồng tiền, vì áp lực danh hiệu hay thời thế đã tạo ra tất cả.
Nguyên nhân khiến Kevin de Bruyne dính chấn thương tới 4 lần trong mùa này là do anh bị vắt kiệt sức trong một thời gian dài. Ảnh: Getty Images. |
Lý do đầu tiên phải nói tới sự quá tải của các cầu thủ ngôi sao. Các cầu thủ giờ đây phải thi đấu như một cái máy quanh năm suốt tháng. Theo số liệu được trung tâm nghiên cứu bóng đá CIES công bố, những cầu thủ của các đội bóng lớn có thể phải thi đấu từ 4.500 phút đến 5.600 phút một mùa bóng. Số phút này tương đương với từ 50–63 trận đấu/mùa (bao gồm cả những trận đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia).
Trong khi đó, 15 năm về trước, đa phần cầu thủ đá cho các đội bóng lớn chỉ thi đấu khoảng 40-45 trận đấu mỗi mùa. Như vậy, số thời gian cày ải của cầu thủ thời hiện đại cao hơn rất nhiều so với thế hệ đàn anh. Điều này dễ dàng tạo ra tâm trạng chán nản, mệt mỏi. Sự thiếu động lực cũng từ đây mà hình thành.
Lý do thứ hai là đồng tiền. Có nhiều người chỉ trích thói ham tiền của các cầu thủ. Nhưng không có lửa thì làm sao có khói. Năm xưa, Ashley Cole đòi lương 75.000 bảng nhưng Arsenal chỉ trả 55.000 bảng. Không bằng lòng thì chia tay.
Chính các đội bóng lớn lắm tiền nhiều của đã tạo ra một cơn bão tiền lương nhằm giữ chân các ngôi sao của họ. Năm nào cũng có những đại gia than thở về chuyện quỹ lương bị phình to, nhưng than là một chuyện, rồi sớm muộn gì họ cũng sẽ đề nghị tặng lương một ngôi sao nào đó mức lương không tưởng.
Sanchez nhận lương 350.000 bảng mỗi tuần tại Man United, nhưng gần như chẳng đóng góp được gì. Mesut Oezil cũng đang hưởng lương cao nhất Arsenal nhưng thi đấu cũng không hề tương xứng. Chính các CLB lớn đã tự tạo ra cái bẫy sập lên chính họ, rồi dư luận lại chỉ trích các cầu thủ tham tiền, thiếu động lực thi đấu.
Sự giàu có dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng tới động lực thi đấu của nhiều cầu thủ. |
Trong làng bóng đá Anh, Tottenham vẫn đang duy trì một quỹ lương tương đối khiêm tốn, với mức lương tuần của đa phần các cầu thủ dao động chỉ từ 70.000-120.000 bảng/tuần (ngoại trừ Harry Kane đang hưởng lương 200.000 bảng/tuần). Lương thấp so với mặt bằng chung của nhóm đại gia, nhưng Spurs vẫn đang thành công. Ví dụ của Tottenham cho thấy, không phải cứ trả lương cao chót vót mới tạo ra động lực để các cầu thủ chiến đấu.
Chung quy lại, bóng đá đang vận hành theo dòng chảy của thời thế. Cầu thủ được hưởng lợi nhờ thế thời phải thế. Và từ cái lợi quá lớn, một nhóm cầu thủ trở nên sợ hãi khi quyền lợi của họ bị xâm phạm, dẫn tới biến chất. Bóng đá hiện đại là như vậy.