Hình ảnh nhiều người "làm ngơ" trong clip vụ "Thanh niên bị đâm nhiều nhát do mâu thuẫn ở Sài Gòn" xảy ra cuối tháng 11 đăng trên Zing.vn nhận được các ý kiến trái chiều. Nhiều bạn đọc nhận định hành động này thể hiện thái độ thờ ơ, vô cảm, không có tình người. Cũng có ý kiến cho rằng do tâm lý sợ liên luỵ, trả thù nên những người chứng kiến vụ việc không giúp đỡ nạn nhân.
Tâm lý sợ trả thù không dám can ngăn
Nhiều ý kiến thể hiện sự bất bình khi đưa ra các câu hỏi: "Tinh thần tương thân tương ái trong xã hội nay còn đâu?", "Nam thanh niên bị đâm gục trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng tại sao không một ai trong số họ đứng ra giúp đỡ nạn nhân?"...
Bình luận trên Zing.vn, Trần Hoan cho rằng hiện nay không hiếm gặp tình trạng người gặp nạn dù đang đau đớn, bơ vơ nhưng người dân chứng kiến vụ việc vẫn vô cảm, thản nhiên đi qua đường.
"Thật nhẫn tâm! Khi người đàn ông cầm hung khí đã bỏ đi cũng không ai ra giúp đỡ nam thanh niên dựng xe, đỡ dậy hay băng bó vết thương. Tôi không thể hiểu tại sao nhiều người có thể bình thản đến vậy?", anh Hoan viết.
Thanh niên bị đâm nhiều nhát sau va chạm nhẹ ở TP.HCM. Ảnh cắt từ clip. |
Ở một góc độ khác, nhiều độc giả nhận định vì tâm lý lo sợ nên nhiều người chọn cách thờ ơ để tránh rước họa vào thân. Vô hình chung, cũng vì nhiều lý do khách quan khiến khoảng cách giữa người với người ngày càng lớn.
Câu hỏi "Điều gì khiến người ta sợ hãi đến mức vô cảm không dám tới giúp dù 'đồng loại' đang cần" cũng được đặt ra liên tiếp như hồi chuông réo lên sự cảnh tỉnh về tình người hiện nay.
Bên cạnh đó là tâm lý lo sợ bị đổ oan cũng khiến nhiều người không muốn giúp đỡ. Chia sẻ về câu chuyện của bản thân, bạn đọc Trung Dũng ngậm ngùi kể về lần gặp trường hợp tai nạn giao thông, mất nhiều máu.
"Ngay khi chứng kiến tai nạn, tôi vội đưa nạn nhân vào viện cấp cứu và tìm cách liên lạc với người thân. Khi tới, người thân của nạn nhân một mực cho rằng tôi chính là người gây tai nạn và đòi đánh, ép tôi trả tiền viện phí", anh kể.
Để giải quyết vấn đề, thành viên này đã phải nhờ tới công an, người dân phân bua. Anh cho biết sau lần đó bản thân không dám giúp đỡ ai. "Mỗi khi gặp người bị nạn, tôi chỉ giữ nguyên hiện trường và gọi cấp cứu, công an hỗ trợ", người từng tham gia giúp nạn nhân vụ tai nạn nói.
Bạn đọc Hiền Lương cũng bày tỏ: "Giúp người trong hoàn cảnh khó khăn là làm việc nên làm, nhưng sau đó là bao phiền phức kéo đến. Đây là tâm lý chung của nhiều người khi cho rằng kẻ xấu manh động, chỉ sơ xảy một chút cũng có thể nguy hại đến tính mạng bản thân và gia đình".
Chỉ hiềm khích nhỏ, thanh niên sẵn sàng đoạt mạng đối phương. Ảnh: Nguyên Hương/Tiền Phong. |
Lo lắng khi ra đường
Chia sẻ với Zing.vn về vấn đề trên, bà Nguyễn Hương Lan - Giám đốc một tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm - nhận định những người chứng kiến không can ngăn có thể do họ chưa kịp phản ứng trước hành động mau lẹ của người đàn ông đâm nam thanh niên.
"Người ta sợ liên lụy và bị trả thù. Công việc cơm áo gạo tiền hàng ngày quá bận và khi ra công an trình báo làm mất công mất việc cũng có thể là trở ngại lớn khiến họ đã hành động như vậy", chuyên gia nói.
Mặt khác, nhiều bạn đọc tỏ ra lo ngại trước sự manh động của thanh niên thời nay khi cho rằng chỉ va chạm nhẹ cũng có thể xảy ra án mạng. Bạn đọc Viết Phương nhận định, hiện nay nhiều vụ án xảy ra chỉ vì những hiềm khích nhỏ như một cái nhìn đểu, uống rượu không hết...
Nói về những bạo lực vẫn còn tồn tại trong xã hội, có ý kiến cho rằng một phần là do pháp luật chưa nghiêm minh, không đủ sức răn đe. Điều này vô hình chung tạo nên tâm lý muốn giúp nhưng đành bất lực của nhiều cá nhân.
Đêm 27/11, khi chạy xe máy vào con hẻm trên đường Ngô Gia Tự (quận 10, TP.HCM), một thanh niên va chạm nhẹ với người đàn ông chạy xe ngược chiều. Người đàn ông sau đó đuổi theo dùng hung khí đâm liên tiếp vào người va chạm với mình.
Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng không ai dám can ngăn. Camera gần đó đã ghi lại toàn bộ sự việc.