Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao cường điệu đến lố bịch phim Hàn vẫn hút khán giả?

Tuy tình tiết nội dung có phần phóng đại và vô lý, những bộ phim như "Lâu đài trên không", "Cuộc chiến thượng lưu" vẫn thu hút sự chú ý của khán giả.

Makjang là từ tiếng lóng Hàn Quốc mô tả tình huống khủng khiếp, không thể tồi tệ hơn thường xuất hiện trong phim truyền hình Hàn Quốc.

Thông thường, những khoảnh khắc này bị cường điệu quá đà như ném kim chi vào mặt người khác, tấn công đối phương bằng thức ăn đầy dầu mỡ, âm mưu tranh đấu đáng sợ... và là những điều khá hiếm thấy ngoài đời thực.

Song, đây lại là điều thú vị tạo nên đặc trưng của dòng phim makjang - cường điệu, vô lý nhưng cũng rất thu hút và có đối tượng khán giả riêng.

Phân cảnh ném đồ gây chú ý trong 'Cuộc chiến kim chi' Đoạn video lan truyền khắp các mạng xã hội vì cường điệu quá mức hành động cãi nhau.

Cái khó của biên kịch phim truyền hình

Một trong những điều quan trọng và khó khăn nhất của biên kịch phim truyền hình là thể hiện tính cách nhân vật và tình huống mà người xem có thể hình dung, liên hệ với đời thực, thấy được chất "đời sống" trong đó.

Song, phim truyền hình còn có chức năng quan trọng hơn mang tên “truyền tải chủ nghĩa thoát ly” - tức là cách làm phim đưa khán giả thoát khỏi sự căng thẳng, vất vả ngoài đời thực.

Tuy nhiên, không phải lúc nào phim ảnh cũng dễ dàng kết hợp hai yếu tố hiện thực và "chủ nghĩa thoát ly" có tính cường điệu hóa. Dòng phim makjang ra đời và nỗ lực kết hợp hai yếu tố này.

Trong đó, phim vẫn sử dụng những yếu tố, câu chuyện lấy từ đời thường. Song, mức độ kịch tính và cảm xúc sẽ được phóng đại gấp nhiều lần. Vì vậy, các bộ phim luôn bị đánh giá quá đà và phi thực tế.

Ở nhiều bộ phim, khi các tình tiết về sự không chung thủy, phản bội, bí mật gây sốc... diễn ra liên tục, không hồi kết, lại giúp phim thu hút khán giả đến bất ngờ. Theo SCMP, một bộ phận khán giả cảm thấy thích thú với những gì không có ở cuộc sống đời thực hoặc bị phóng đại quá mức.

Hiện tại, không ít các bộ phim truyền hình phát sóng vào khung giờ vàng ở Hàn Quốc áp dụng yếu tố makjang.

Trong khi các bộ phim tình cảm yêu đương lãng mạn quá mức dần mất sức hút, sự trỗi dậy mạnh mẽ của loạt phim makjang lại thành công bất ngờ. Trong số đó, có thể kể đến Lâu đài trên không, Thế giới hôn nhân và gần đây nhất là Penthouse - Cuộc chiến thượng lưu.

Theo SCMP, ngay cả những người không quá quen thuộc với truyền hình Hàn Quốc cũng có thể đã nghe, biết đến “cái tát kim chi” khét tiếng. Trong một phân cảnh của Cuộc chiến kim chi, người phụ nữ tát thẳng mặt đối phương bằng một túi kim chi đầy.

Cảnh này lan truyền trên khắp các mạng xã hội và dần trở thành “phương pháp tấn công tiêu chuẩn” của dòng phim makjang.

Trong các bộ phim kịch tính, nhân vật thường hứng chịu "vũ khí" làm từ đồ ăn như kimbap, doenjang (tương đậu nành lên men) và thậm chí là những miếng samgyeopsal (thịt lợn) một cách bất ngờ.

Trong bộ phim truyền hình Công chúa Aurora (2013), việc nam chính từ chối điều trị ung thư vì lo lắng cảm giác tế bào ung thư đang giết dần anh ấy được xem là khoảnh khắc makjang điển hình - kịch tích nhưng không kém phần vô lý.

Phóng đại, vô lý nhưng hút khán giả

Thể loại phim makjang phổ biến bậc nhất là sự tranh đấu của các gia đình quyền lực, giàu có hoặc giới thượng lưu. Điều này tương tự thể loại ngôn tình “gia đấu” và dòng phim “hào môn thế gia” nổi tiếng của Trung Quốc.

Trong các phim này, những sự thật trần trụi, âm mưu, thủ đoạn được áp dụng triệt để. “Trả thù” là yếu tố không thể thiếu của dòng phim makjang. Điều khá bất ngờ là mô-típ giả danh thành người khác (dù chỉ đổi kiểu tóc, thêm nốt ruồi) có thể đánh lừa các thành viên trong gia đình và những người thân thuộc với họ được áp dụng thường xuyên.

Theo SCMP, đây là cái hay của dòng phim truyền hình makjang. Nhân vật chính thường bị đẩy vào tình huống kinh khủng hết lần này đến lần khác, thậm chí người thường không thể tưởng tượng được. Song, họ vẫn chịu đựng và vượt qua.

Hầu hết nhân vật trong sáng, ngây thơ, đôi khi là tội nghiệp phải chịu đựng những sự kiện khủng khiếp. Đến khi bị dồn đến bước đường cùng, cảm xúc dồn nén, nhân vật bộc phát dữ dội. Xu hướng đẩy nhân vật vào tình cảnh “con giun xéo lắm cũng quằn” thường thành công bất ngờ và làm thỏa mãn khán giả.

Với kinh phí lớn và dàn diễn viên ấn tượng, bộ phim truyền hình makjang Lâu đài trên không Cuộc chiến thượng lưu đã đẩy “những trò lố” lên cực điểm.

Cả hai bộ phim đều lấy bối cảnh ở những tòa nhà cao tầng sang trọng, tập trung khai thác yếu tố xấu xa của những cặp vợ chồng giàu có, tham quyền lực, muốn làm mọi thứ đặc trưng của giới thượng lưu để người đời thèm khát và ngưỡng mộ.

Những nhân vật này duy trì quyền lực bằng cách đóng khung nạn nhân vào tội ác - hầu hết do những kẻ phản diện giàu có gây ra. Họ cũng tham gia vào con đường tham nhũng chính trị, buôn lậu, bạo lực học đường, sửa điểm đầu vào đại học… Tựu trung lại, bất cứ điều gì liên quan lạm dụng, vật chất và quyền lực, phim makjang đều áp dụng triệt để.

Penthouse - Cuộc chiến thượng lưu sẽ kết thúc vào ngày 5/1. Phần 2 của phim được cho là ra mắt vào tháng 2/2021. Với những cú bẻ lái khó lường, người hâm mộ có thể tìm kiếm mọi hỉ, nộ, ái, ố trong bộ phim mang đặc trưng makjang này.

Sạn vô lý ở phim về giới siêu giàu ‘Penthouse’

Vì tham bẻ lái, biên kịch Kim Soon Ok cùng nhà sản xuất “Penthouse: War in Life” (Cuộc chiến thượng lưu) đã vô tình để lại nhiều sạn vô lý trong phim.

'Tough Out' - bộ phim khốc liệt về trẻ em bị bỏ rơi ở Trung Quốc

"Tough Out" là bộ phim tài liệu nói về thực trạng hàng triệu trẻ em đang bị cha mẹ bỏ rơi ở Trung Quốc. Bộ phim gây xúc động với những câu chuyện chân thực đến khốc liệt.

BTS thong tri Kpop hinh anh

BTS thống trị Kpop

0

Trong năm nay, BTS đã khẳng định tên tuổi ở tầm quốc tế khi phát hành những album ăn khách cùng nhiều giải thưởng, đề cử lớn mà chưa nhóm nhạc Kpop nào đạt được trước đó.

Trạch Dương

Bạn có thể quan tâm