Từ ngày 14 đến 16/3, TAND TP.HCM dự kiến mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB), Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP M&C) và 6 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt cao nhất 20 năm tù.
Cho 5 công ty thuộc M&C vay gần 1.700 tỷ đồng trái quy định
Cáo trạng xác định trong 17 năm giữ cương vị Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (1998-2015), ông Bình cùng các đồng phạm thực hiện nhiều hành vi phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án được cơ quan tố tụng giải quyết qua 2 giai đoạn để xử lý các sai phạm. Hiện, ông Bình đang phải thi hành hình phạt chung là tù chung thân.
Ở vụ án thứ tư, ông Trần Phương Bình và đồng phạm bị cáo buộc có sai phạm liên quan 7 khoản vay của 6 công ty Ngôi Sao, Liên Phát, Phát Vạn Hưng, Biển Bạc, Minh Quân và M&C, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.
Cựu Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình. Ảnh: Lê Quân. |
Theo cáo trạng, khi các khoản vay của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm M&C đến hạn thanh toán nhưng không còn nguồn tài chính nào để trả nợ cho DAB, bị cáo Phùng Ngọc Khánh trao đổi với ông Bình cho Khánh sử dụng pháp nhân của 5 công ty trong nhóm M&C đứng tên vay lại DAB để trả nợ cho các khoản vay đến hạn tất toán.
Ông Bình đồng ý và yêu cầu bị cáo Khánh đưa quyền sử dụng hơn 62.000 m2 thuộc dự án 7,6 ha tại phường An Phú, quận 2 (nay là TP Thủ Đức, TP.HCM) làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thống nhất giá trị của tài sản đảm bảo này là 2.100 tỷ đồng.
Ông Phùng Ngọc Khánh đã chỉ đạo các giám đốc các công ty trong nhóm M&C ký hồ sơ vay vốn tại DAB. Để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay và hợp thức tài sản đảm bảo chung của 5 khoản vay, ông Khánh đã chỉ đạo lập khống hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng 62.000 m2 trên cho Công ty Liên Phát, lập khống hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các công ty trong nhóm M&C.
Cáo trạng xác định ông Trần Phương Bình biết rõ hồ sơ vay vốn được lập khống nhưng vẫn chỉ đạo các thuộc cấp tại DAB Sở giao dịch tiếp nhận hồ sơ của 5 công ty trong nhóm M&C vay và nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng 62.000 m2 trên để đảm bảo chung cho 5 khoản vay mà không cần thẩm định giá tài sản và phương án kinh doanh, lập tờ trình đưa lên để ông Bình ký duyệt cho vay. Tính đến ngày 24/5/2022, 5 khoản vay trên còn dư nợ hơn 5.050 tỷ đồng, trong đó gồm 1.680 tỷ nợ gốc và 3.375 tỷ đồng tiền lãi.
Bị can Phùng Ngọc Khánh. Ảnh: BVPL. |
Bảo lãnh thanh toán trái phiếu trái quy định
Ngoài ra, ông Trần Phương Bình còn bị xác định đã bảo lãnh thanh toán lô trái phiếu cho M&C trái quy định, gây thiệt hại hơn 460 tỷ đồng (trong đó 146 tỷ đồng tiền gốc, còn lại là lãi).
Cụ thể, năm 2009, công ty của Phùng Ngọc Khánh gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng chi trả hoạt động kinh doanh và trả nợ, DAB đã cho nhóm công ty M&C vay đủ hạn mức, không thể vay thêm nên Khánh phải vay vốn tại Ngân hàng An Bình với hình thức phát hành trái phiếu của Công ty CP M&C.
Để được vay vốn tại Ngân hàng An Bình, Khánh đã nhờ Trần Phương Bình chỉ đạo DAB phát hành thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu gửi Ngân hàng An Bình trong khi Công ty M&C không đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Nhà chức trách xác định hành vi của ông Trần Phương Bình và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. Ông Bình phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền thiệt hại này.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…