Mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79), Bộ Công an vừa khởi tố 7 người liên quan, trong đó ông Phan Hữu Tuấn (cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Bộ Công an) về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Vậy ông Tuấn có liên quan gì đến những sai phạm của Phan Văn Anh Vũ?
Giúp Vũ 'nhôm' thâu tóm đất vàng?
Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam nguyên trung tướng Phan Hữu Tuấn (63 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt 17/4 sau khi được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Cùng bị bắt tạm giam với ông Tuấn về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước có một cán bộ khác của ngành công an là Nguyễn Hữu Bách (55 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cùng ngày, cơ quan công an đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của các bị can.
Công an khám xét nhà ông Phan Hữu Tuấn tối 17/4. Ảnh: Quang Anh. |
Trước khi cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp tố tụng, Chủ tịch nước đã ký quyết định tước danh hiệu công an nhân dân đối với ông Phan Hữu Tuấn. Còn ông Nguyễn Hữu Bách cũng bị Bộ trưởng Bộ Công an tước danh hiệu công an nhân dân.
Bộ Công an cho biết cơ quan điều tra khởi tố các bị can căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án hình sự Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, Trốn thuế, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ do Phan Văn Anh Vũ gây ra.
Tờ Thanh Niên dẫn nguồn tin cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ bí mật Nhà nước, qua đó giúp sức cho Vũ "nhôm" thâu tóm nhiều dự án đất đai tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Thời điểm sai phạm của Vũ "nhôm" gây xôn xao dư luận, trên mạng xã hội xuất hiện một số văn bản có đóng dấu mật do ông Tuấn ký với nội dung gửi cơ quan ban ngành các địa phương tạo điều kiện giúp cho Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 - là doanh nghiệp bình phong của Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) được mua các tài sản do nhà nước quản lý với giá ưu đãi.
Nhiều tài sản Nhà nước mà Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ được tạo điều kiện để mua sau đó đã không được sử dụng đúng mục đích. Các tài sản này được chuyển nhượng lòng vòng, làm lợi cho một số cá nhân.
Ai hưởng lợi, ai chịu trách nhiệm?
"Cái bất thường là tại sao chỉ mình Vũ mua được nhiều tài sản công đến vậy mà không phải người khác?" - Ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng, đặt câu hỏi khi chia sẻ với Zing.vn về vụ án Vũ “nhôm”. Ông Việt cho rằng để xảy ra tình trạng Phan Văn Anh Vũ thao túng đất công có trách nhiệm của lãnh đạo Đà Nẵng. Còn Vũ "nhôm" chắc chắn phải "lại quả" rất lớn mới được ưu ái đến vậy.
Tờ Tiền Phong cho biết từ năm 2004 đến năm 2016, hàng loạt nhà đất có vị trí đắc địa thuộc quản lý nhà nước ở Đà Nẵng đã được bán cho các công ty Phan Văn Anh Vũ. Ngoài ra, nhiều công ty khác Vũ góp vốn hoặc để người nhà đứng tên cũng được mua hàng loạt lô đất, nhà công sản ở vị trí đẹp. Đáng nói, đa số các lô đất này được giảm 10% tiền sử dụng đất rồi bị sang nhượng để trục lợi.
Phan Văn Anh Vũ. |
Như lô đất địa chỉ 36-38 Bạch Đằng có tổng diện tích hơn 3.700 m2 có nguồn gốc là nhà đất công sản thuộc 3 cơ quan: khách sạn Sông Hàn, TAND thành phố và khu tập thể trong khuôn viên khách sạn Sông Hàn. Phần diện tích khách sạn Sông Hàn được UBND TP Đà Nẵng thu hồi từ công ty cung ứng tàu biển giao cho Công ty quản lý nhà Đà Nẵng quản lý.
Vài tháng sau, Công ty Xây dựng 79 có tờ trình đề nghị được mua lại khách sạn này với giá đất kinh doanh kèm cam kết sẽ đầu tư nâng cấp khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao phục vụ phát triển du lịch. Khi được UBND TP Đà Nẵng bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất với giá hơn 38 tỷ đồng, công ty của Vũ “nhôm” chậm nộp tiền nhưng vẫn được giảm 10% tiền sử dụng đất.
Còn nhà đất số 38 Bạch Đằng rộng 700 m2 là một phần trụ sở TAND TP. Năm 2007, Công ty xây dựng 79 được mua với giá hơn 12 tỷ khi có tờ trình xin mở rộng khách sạn sông Hàn.
Năm 2009, Công ty cổ phần 79 tiếp tục được TP chuyển nhượng phần diện tích còn lại của TAND TP rộng khoảng 800 m2 và khu tập thể nằm trong khuôn viên khách sạn Sông Hàn với giá 22 tỷ đồng.
Nhưng hai năm sau, công ty của Vũ “nhôm” không thực hiện cam kết nâng cấp khách sạn phục vụ phát triển du lịch địa phương mà chuyển nhượng dự án này với giá 113 tỷ đồng.
Bộ Công an điều tra 9 dự án ở Đà Nẵng, trong đó có các dự án liên quan đến Vũ "nhôm". Ảnh: Zing.vn |
Chuyện mua bán nhà đất khuất tất tại của Phan Văn Anh Vũ cũng được Tuổi Trẻ phản ánh tại lô đất nằm ở số 37 Pasteur.
Theo đó, hồi tháng 10/2010, Đà Nẵng cho phép chuyển quyền sử dụng đất tại số 37 Pasteur với diện tích 962 m2 trị giá gần 17 tỷ đồng cho Công ty CP Công nghệ phẩm. Nhưng sau đó, Công ty CP Công nghệ phẩm có tờ trình đề nghị đổi tên đơn vị nhận chuyển quyền sử dụng lô đất này cho Vũ “nhôm”.
Sau khi UBND TP Đà Nẵng đồng ý việc này, giữa năm 2017, một người thân của Phan Văn Anh Vũ đã nhận chuyển nhượng toàn bộ tài sản trên.
Một khu đất khác có 3 mặt tiền diện tích gần 1.500 m2 tại nút giao đường 2/9 với Phan Thành Tài và đường quy hoạch được TP Đà Nẵng giao trực tiếp cho Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 từ năm 2012. Bằng cách tương tự, Vũ đã mua nhà, đất công sản thông qua một số công ty không qua đấu giá.
Ngoài ra, nhiều khu đất, nhà công sản được lãnh đạo Đà Nẵng thống nhất bán cho Vũ “nhôm” không qua đấu giá, chưa kể 4 cơ sở nhà, đất được TP Đà Nẵng cho thuê, sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê là các công ty con của Phan Văn Anh Vũ.
Cuối năm 2017, Bộ Công an có văn bản gửi Chủ tịch UBND Đà Nẵng yêu cầu phối hợp điều tra việc thực hiện 9 dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng từ 2006 đến nay theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trong số này, ngoài các nhà đất công sản kể trên còn có nhiều dự án xây dựng liên quan đến các công ty của Vũ "nhôm" như khu đô thị quốc tế Đa Phước, khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông…
Liên quan những sai phạm trên, cũng trong ngày 17/4, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại và Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.
Ông Minh bị bắt tạm giam, còn Chiến được tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú các ông Nguyễn Điểu (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng), Trần Văn Toán (nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng) và Lê Cảnh Dương (Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng) về hành vi Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.