Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao da thường bị khô, nứt nẻ vào mùa đông?

Sự thay đổi độ ẩm, không khí lạnh, khô, đặc biệt là thói quen rửa tay phòng ngừa Covid-19 nhiều hơn, có thể khiến làn da trở nên ngứa, khô và nứt nẻ vào mùa đông.

Thông thường, lớp trên cùng của da, hay còn gọi là biểu bì, cần có ít nhất 10% nước để da mịn màng và mềm mại. Nếu ít hơn, da không thể loại bỏ các tế bào bên ngoài chính xác. Sự tích tụ của tế bào gây ra các vết nứt và vảy hình thành, khiến da bị khô, đóng vảy và đôi khi ngứa.

Da khô có thể ảnh hưởng nhiều người trong mùa đông và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể khác nhau. Nhiều nguyên nhân khiến da của bạn dễ bị khô, nứt nẻ vào mùa đông.

Triệu chứng

Theo Medical News Today, da khô thường là tạm thời - chẳng hạn có người chỉ bị vào mùa đông - nhưng nó cũng có thể kéo dài suốt đời. Các triệu chứng của khô da có mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe, nơi sinh sống, thời gian ở ngoài trời.

Da khô do hàng rào bảo vệ da bị tổn thương trong mùa đông có thể dẫn đến bong da, đóng vảy, vết nứt, mẩn đỏ, ngứa, thô ráp, nhạy khi chạm vào, da xạm, đen.

Nguyen nhan khien da kho vao mua dong anh 1

Làn da vào mùa đông thường bị khô, nứt nẻ do thiếu độ ẩm. Ảnh: Verywellhealth.

Mọi người có thể gặp một số triệu chứng này cùng lúc. Việc điều trị đúng cách sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của chúng. Bất cứ ai cũng có thể phát triển da khô. Nhưng một số trường hợp có nhiều nguy cơ gặp phải tình trạng này hơn, bao gồm:

- Người trên 40 tuổi: Nguy cơ gia tăng theo độ tuổi, hơn 50% người lớn tuổi bị khô da.

- Sống ở vùng khí hậu khô, lạnh hoặc ẩm thấp.

- Làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với nước.

Các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) cho biết da khô thường không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nó có thể gây biến chứng như chàm mạn tính, chảy máu ở các vết nứt. Biến chứng nặng hơn có thể xảy ra là nhiễm vi khuẩn thứ phát (đỏ, sưng và mưng mủ), người bệnh có thể phải dùng kháng sinh. Lúc này, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này hoặc tình trạng bệnh không thuyên giảm.

Nguyên nhân

Mùa đông kéo theo sự thay đổi về độ ẩm và nhiệt độ tạo điều kiện hoàn hảo để gây ra tình trạng khô da. Lớp ngoài cùng của da được gọi là biểu bì. Bề mặt mỏng bên ngoài của biểu bì là lớp sừng, còn được gọi là hàng rào bảo vệ da.

Sự kết hợp giữa lipid và các tế bào da chết hoặc chết tạo nên hàng rào bảo vệ da. Hàng rào bảo vệ da tạo thành một lớp bảo vệ ngăn không cho các độc tố có hại xâm nhập vào cơ thể. Khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, da sẽ bị khô hoặc bị kích ứng.

Theo Reader's Digest, không khí lạnh vào mùa đông có độ ẩm ít hơn so với mùa hè, đồng thời cũng ít lipid hơn trong hàng rào bảo vệ da. Những khác biệt này góp phần gây khô và kích ứng da.

Vào mùa đông, nhiều gia đình có thói quen bật hệ thống máy sưởi trong nhà để làm ấm. Tuy nhiên, điều này lại vô tình làm giảm độ ẩm trong không khí. Chúng cũng làm mất đi lớp dầu dưỡng ẩm tự nhiên của da, khiến da dễ bị khô.

Bên cạnh đó, tắm nước quá nóng cũng là thói quen vào mùa đông có thể gây hại cho làn da. Nó có thể làm tổn thương bề mặt da, dẫn đến khô da. Ngoài ra, sử dụng xà phòng có tính chất tẩy rửa mạnh cũng góp phần làm da bị tổn thương.

Để da không bị khô, bạn hãy sử dụng nước ấm vừa phải thay vì nước nóng, có thể thêm vài giọt hoa oải hương hoặc dầu hạnh nhân vào nước để giúp làm dịu làn da. Bạn cũng không nên tắm quá lâu, tối đa chỉ 10 phút.

Nguyen nhan khien da kho vao mua dong anh 2

Thói quen tắm nước nóng vào mùa đông có thể gây tổn thương làn da. Ảnh: Businessweekly.

Vào mùa đông lạnh giá, mọi người đều muốn uống một cốc cà phê, chocolate nóng để làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, cà phê và chocolate có chứa caffein, thành phần có thể làm khô da từ bên trong. Rượu bia cũng có thể làm tổn thương da vì chúng là chất lợi tiểu, gây mất nước. Điều quan trọng là bạn phải uống nhiều nước và luôn đủ nước.

Đối với mỗi cốc cà phê hoặc ly rượu bạn uống, bạn nên uống cùng ít nhất một cốc nước. Tốt hơn hết, bạn có thể thay những đồ uống này bằng một cốc hoa cúc hoặc loại trà thảo mộc khác, không chứa caffeine.

Quần áo bằng chất liệu len có thể rất ấm áp, nhưng cũng dễ gây kích ứng và khiến bạn bị ngứa da. Thay vào đó, bạn nên chọn quần áo làm bằng vải mềm như cotton hoặc lụa. Nếu muốn mặc áo len ấm, bạn nên mặc một chiếc áo sơ mi bên trong để tránh cọ len vào da. Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy sử dụng các loại bột giặt dịu nhẹ, không mùi, không gây dị ứng, tránh dùng chất làm mềm vải khi giặt quần áo và ga giường.

Theo tạp chí Time, trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, việc rửa tay trong ít nhất 20 giây là điều cần thiết. Nước rửa tay chứa ít nhất 60% cồn cũng có thể được sử dụng để loại bỏ vi trùng trên tay. Tuy nhiên, theo bác sĩ da liễu, rửa tay thường xuyên có thể dẫn đến và làm trầm trọng thêm các vấn đề về da khô.

Tiến sĩ Mary Stevenson, Phó giáo sư da liễu tại NYU Langone Health (Mỹ), cho biết cô rửa tay khoảng 75 lần mỗi ngày. "Bạn phải làm điều đó trong 20 giây. Và càng rửa nhiều, bạn có thể gặp vấn đề, đặc biệt vào mùa đông, với làn da khô và nứt nẻ", tiến sĩ Mary chia sẻ.

Thông thường, lớp ngoài cùng của da là lớp màng axit, bao gồm một lớp bã nhờn mỏng được sản xuất tự nhiên. Các vi khuẩn có lợi phát triển mạnh ở đây và hoạt động như tuyến bảo vệ chống lại vi khuẩn có hại. Nhưng khi lớp màng axit bị tổn thương, do chà xát quá kỹ hoặc dùng chất khử trùng tay, da sẽ dễ bị khô và kích ứng hơn.

Đối với da khô nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn có kem dưỡng chứa axit lactic, urê hoặc corticosteroid. Bạn cũng có thể được chỉ định xét nghiệm để loại trừ các tình trạng y tế có thể gây khô da, bao gồm suy giáp, tiểu đường, ung thư hạch, bệnh thận, bệnh gan, bệnh vẩy nến và viêm da dị ứng.

Những thói quen hàng ngày gây hại cho da

Theo bác sĩ Phạm Thị Thanh Giang, những thói quen hàng ngày tưởng chừng đơn giản nhưng có thể khiến làn da bị tổn thương và mụn đeo bám dai dẳng.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm