Năm lên 8, Lý Á Bằng bắt đầu tỏ ra hứng thú với những cái máy hát, những chiếc ti vi. Cậu lén cha tháo tung chúng và ôm một mớ hỗn độn giấu dưới gầm giường. Cậu thích đọc những cuốn sách về vô tuyến dù chẳng hiểu gì cả.
Năm 14 tuổi, Lý Á Bằng được gia đình gửi lên Bắc Kinh học, nhờ vậy mà cậu sớm biết tự lập. Tính tình đa sầu đa cảm, mê xem phim, khoái ca hát nhưng chưa bao giờ Lý Á Bằng nghĩ rằng sau này mình sẽ trở thành diễn viên, hay một công việc nào đó liên quan đến nghệ thuật. Ước mơ của cậu là làm một kỹ sư điện giống như cha.
Năm 1989, Lý Á Bằng trở về Tân Cương, thi vào trường Đại học Cáp Nhĩ Tân. Cùng năm đó, Học viện Hí kịch Trung ương (Trung Quốc) đến quê anh tuyển sinh lớp diễn viên. Mặc dù không thích nhưng vì cô bạn gái thân thiết, Lý Á Bằng đã đóng 5 đồng lệ phí để tham gia dự tuyển với mục đích... hỗ trợ tinh thần người yêu, kết quả cả 2 đều đậu. Vì đã trúng tuyển nên theo quy định, dù không theo học thì Lý Á Bằng vẫn không thể thi bất cứ trường đại học nào khác 2 năm sau đó. Thôi đành “phóng lao phải theo lao”, Lý Á Bằng bước vào Học viện hí kịch Trung ương.
Năm 1994, Lý Á Bằng tốt nghiệp Học viện Hí kịch Trung ương và... trở về quê vì không thích làm diễn viên, dù trước đó đã từng đóng vai chính bộ phim điện ảnh Bằng chứng tuổi thanh xuân. Sợ cha mẹ chất vấn, anh đã nói dối rằng về nhà ôn thi nghiên cứu sinh. 3 tháng “ăn không ngồi rồi” khiến anh cảm thấy bức bối. Mẹ lại đang nằm viện, gia đình trở nên khó khăn. Đúng lúc ấy, đạo diễn Đằng Văn Ký gọi điện mời Lý Á Bằng đóng bộ phim truyền hình Câu chuyện mùa thu Bắc Kinh. Không còn sự chọn lựa nào khác, anh quyết định khăn gói trở lại Bắc Kinh, tham gia bộ phim Câu chuyện mùa thu Bắc Kinh. Và cứ thế, những vai diễn cuốn anh đi hết phim này sang phim khác.
Năm 1992, khi vẫn đang là sinh viên của Học viện Hí kịch Trung ương, Lý Á Bằng đã được đạo diễn Từ Cảnh mời đảm nhận vai nam chính trong bộ phim điện ảnh Bằng chứng tuổi thanh xuân. Vai diễn do anh thể hiện là một thanh niên bị tàn tật đã dũng cảm vượt qua nghịch cảnh, làm chủ cuộc đời mình. |
Không thuộc tuýp tài tử sở hữu khuôn mặt đẹp ngời ngời nhưng Lý Á Bằng vẫn chinh phục khán giả, khiến nhiều fan nữ thổn thức nhờ diễn xuất chân thực khi hóa thân vào vai những thanh niên chung tình, sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu trong Chuyện tình HongKong-Bắc Kinh, Tình vấn vương, Yêu đến tận cùng, Bí mật lá thư tình...
Năm 2000, Lý Á Bằng may mắn được nhà sản xuất Trương Kỷ Trung giao vai Lệnh Hồ Xung trong bộ phim truyền hình võ hiệp đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, chuyển thể từ tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung. Với nhân vật này, tên tuổi của Lý Á Bằng đã vượt ra khỏi biên giới Đại lục, được khán giả Hong Kong, Đài Loan và các nước Đông Nam Á biết đến. |
Ngay sau Tiếu ngạo giang hồ, Lý Á Bằng tiếp tục hóa thân vào một nhân vật nổi tiếng khác của Kim Dung - Quách Tĩnh trong bản dựng Anh hùng xạ điêu 2001, cũng do Trương Kỷ Trung thực hiện. Anh đã cùng với Châu Tấn tái hiện mối tình lãng mạn của chàng Quách Tĩnh thật thà với nàng Hoàng Dung lém lỉnh, lắm mưu kế. |
Chọn thời điểm này để tuyên bố giải nghệ, chắc hẳn Lý Á Bằng muốn khép lại cuộc hành trình nghệ thuật với con số 20 năm kể từ ngày rời khỏi Học viện hí kịch Trung ương. Tuy nhiên, anh sẽ không đoạt tuyệt với phim ảnh vì từ năm 2001, Lý Á Bằng cùng anh trai đã thành lập Hãng phim Xuân Thiên Bắc Kinh nên vẫn tiếp tục những công việc phía sau máy quay, đảm nhận vai trò nhà sản xuất.
Lý Á Bằng và con gái Lý Yên, năm nay 7 tuổi. |
Một lý do quan trọng hơn khiến Lý Á Bằng quyết định dừng công việc diễn viên là anh muốn có nhiều thời gian để đẩy mạnh hoạt động của Quỹ từ thiện Yên Nhiên thiên sứ giúp những trẻ em bị hở hàm ếch tìm lại nụ cười hồn nhiên. Sự ra đời của quỹ xuất phát từ cô con gái Lý Yên (với Vương Phi) khi sinh ra đã chẳng may mang dị tật này nên anh hiểu nỗi lòng của những bậc làm cha mẹ và đồng cảm với các em nhỏ bị hở hàm ếch. Tính đến cuối tháng 10, Quỹ từ thiện Yên Nhiên thiên sứ đã mổ thành công cho 10.215 trường hợp.