Đại diện một số công ty lữ hành Việt Nam đã chia sẻ về lý do kế hoạch "du lịch vaccine" bị gián đoạn. Theo họ, có 3 yếu tố chính cần nhắc đến: chính sách, tài chính và truyền thông.
Nhìn đâu cũng thấy vấn đề
"Kế hoạch khó thành là phải vì chính người trong cuộc cũng không hiểu rõ bản chất sản phẩm mình làm. Bạn phải nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra thị trường", ông Phạm Duy Nghĩa, Tổng Giám đốc Vietfoot Travel, nhận xét.
Đại diện Vietfoot Travel nhấn mạnh một số đơn vị "tiên phong" cho kế hoạch này dùng chính sách giật gân để thu hút sự quan tâm của du khách.
Sản phẩm du lịch tiêm vaccine còn nhiều bất cập. Ảnh: Forbes. |
Ví dụ, H.N.H Travel đưa ra giá tour thấp nhất là 44,9 triệu đồng để khách xin visa, bay đi Mỹ theo tiêu chuẩn hãng hàng không 4-5 sao, lưu trú 8 ngày 7 đêm tại khách sạn từ 3 sao trở lên tại trung tâm ở Mỹ, xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh Mỹ, tiêm vaccine Johnson & Johnson, bảo hiểm du lịch trong vòng 31 ngày.
Tuy nhiên, mức giá này chưa bao gồm chiều về, cách ly tại Việt Nam. Khách sẽ phải trả thêm khoảng 5.000-6.000 USD/người, tùy thành phố bay về.
"Không ai làm sản phẩm du lịch theo kiểu đưa ra giá một chiều như thế cả", ông Nghĩa bày tỏ quan điểm trước cách quảng cáo cho chương trình du lịch vaccine của đơn vị kia.
Theo ông Nghĩa, điều quan trọng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch là phải bảo đảm trọn gói, có đi, có về. Việc dùng những mức giá "ảo" để quảng bá có thể gây hiệu ứng xấu trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh của các đơn vị du lịch.
Vấn đề này cũng được ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel đồng tình. Theo ông, các tour vaccine được quảng cáo thời gian qua còn khá mập mờ về chính sách cũng như giá cả. Việc đi Mỹ tiêm vaccine không thể nào chỉ có giá 40-50 triệu đồng/người.
"Không tính chiều về khác gì đem con bỏ chợ", ông Đạt nói.
Mặt khác, đại diện nhiều công ty lữ hành cũng thừa nhận chính sách nhập cảnh của Việt Nam chưa phù hợp để thực hiện chương trình du lịch vaccine. Hiện tại, thời gian cách ly cho người nhập cảnh vào Việt Nam (bất kể quốc tịch) đã được điều chỉnh từ 14 lên 21 ngày.
Điều này rất bất hợp lý cho các chương trình tour hiện tại. Ở Mỹ, 3 loại vaccine đang được sử dụng là Pfizer (2 mũi cách nhau 21 ngày), Moderna (2 mũi cách nhau 28 ngày) và Janssen (1 mũi). Do đó, chuyến đi Mỹ tiêm vaccine sẽ kéo dài ít nhất khoảng một tháng (đã gồm thời gian cách ly ở Việt Nam).
Trong trường hợp có nhu cầu tiêm 2 loại vaccine Pfizer và Moderna, thời gian sẽ kéo dài lên đến 2 tháng.
"Khách đã bỏ hàng trăm triệu đi Mỹ cho tour vaccine đều thuộc hàng cao cấp. Thời gian của họ là vàng. Ai lại chấp nhận mất nhiều thời gian như vậy? Họ đi để tiêm vaccine bảo vệ chính mình và cộng đồng mà?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Theo ông, các tour với thời gian quá dài thế này chỉ hợp cho khách dạng thăm thân hoặc hưu trí, không vướng bận thời gian. Đối tượng khách đi kết hợp du lịch là không khả thi.
Các chuyến đi Mỹ tiêm vaccine hiện còn nhiều bất cập về hành trình, chi phí... Ảnh: Insider. |
Một vấn đề bất hợp lý khác cũng được đại diện Vietfoot Travel đưa ra là mức phí quá đắt đỏ. Thông thường, một tour đi Mỹ trước dịch kéo dài khoảng 11 ngày có giá 70-80 triệu đồng/người. Cộng thêm chi phí tiêm vaccine, con số này cũng không thể tới 100 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, mức giá một số công ty đưa ra tới hơn 200 triệu đồng/người. Ông Nghĩa đánh giá đây là con số quá cao cho chuyến du lịch vaccine.
"Tính ra, khách hàng phải bỏ thêm khoảng 5.000 USD cho chiều bay về, cách ly. Thời gian ở Việt Nam thế quá bằng đi Mỹ. Tôi bỏ tiền đi tour kiểu này thì khác gì ở Việt Nam đâu", ông bổ sung.
Có cơ hội thành công không?
Theo ông Nghĩa, du lịch vaccine là một kế hoạch tốt, có thể xem như cứu cánh cho ngành du lịch. Dù vậy, kế hoạch này chỉ thành công khi các ban ngành cùng vào cuộc.
Yếu tố quan trọng nhất là thời gian cách ly khi trở về cần được kéo xuống. Với việc tình hình dịch phức tạp, quy định cách ly ở Việt Nam được nâng lên 21 ngày. Đa số đại diện các hãng lữ hành khi bàn về kế hoạch du lịch vaccine đều thừa nhận con số 21 ngày là rào cản quá lớn.
Ngoài ra, chi phí cũng cần được đưa xuống mức khoảng 150 triệu đồng/người đổ lại. Đại diện công ty này nói đây là mức phí hợp lý nhất có thể cho một tour đi Mỹ, kết hợp tiêm vaccine và cách ly ở Việt Nam.
Nếu thời gian được rút ngắn và các điều khoản hợp lý hơn, kế hoạch du lịch vaccine hoàn toàn khả thi. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Tôi thường xuyên đưa chuyên gia nước ngoài về Việt Nam hay đưa người Việt hồi hương nên nắm rõ. Con số 150 triệu đồng/người hoàn toàn khả thi. Chỉ cần thông qua việc cách ly 7 ngày cho người tiêm vaccine, chúng ta hoàn toàn có thể đưa sản phẩm này ra thị trường", ông chia sẻ quan điểm.
Mặt khác, theo ông Nghĩa, các tour kiểu này cần rõ ràng với khách hàng mọi vấn đề có thể phát sinh như khi tiêm bị sốc phản vệ, chuyến bay chiều về... Để làm được điều đó, các công ty cần nghiên cứu những gói bảo hiểm quốc tế nhằm chi trả viện phí khi có phát sinh. Việc bay về nước cũng cần được đảm bảo để tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng.
"Các sản phẩm như vừa qua đều chưa được cân nhắc kỹ nhưng đã nóng vội quảng bá. Chúng ta cần đợi những chính sách từ Chính phủ để xây dựng sản phẩm hợp lý", ông Nghĩa cho hay.
Tuy nhiên, phía AZA Travel lại không đánh giá cao hình thức tour này. Chia sẻ với Zing, ông Đạt cho biết việc tiêm vaccine ở Mỹ vốn không khó. Trong khi đó, đối tượng khách cho các tour này thường là người thăm thân, nghỉ hưu. Nếu có người nhà ở Mỹ, việc họ muốn đến nước này tiêm vaccine cũng không gặp nhiều khó khăn để cần nhờ tới công ty du lịch.
Ngoài ra, thị trường Việt Nam cũng đang có vaccine chống Covid-19 là AstraZeneca. Trong thời gian tới, vaccine Pfizer cũng sẽ được mua về. Do đó, việc bỏ tiền đi tiêm ở Mỹ là quá tốn kém và vất vả.
"Thực ra, các công ty gặp nhiều khó khăn quá nên họ muốn tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Kiểu tour này bắt nguồn từ Thái Lan. Họ đã triển khai các tour đi nước ngoài tiêm vaccine với điểm đến chính là Mỹ. Kế hoạch này cũng khá thành công nên có thể các công ty Việt đã học theo.
Những công ty này không sai khi đưa ra các sản phẩm. Họ được phép làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, sản phẩm này tồn đọng quá nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng và hình ảnh ngành du lịch. Do đó, nó đã bị tuýt còi sớm", ông Đạt lập luận.
Từ giữa tháng 5, thông tin về chương trình "du lịch Mỹ tiêm vaccine" đã được quảng cáo trên mạng và thu hút sự chú ý của nhiều người Việt Nam. Ngày 21/5, phía Sở Du lịch TP.HCM cũng đã mời 3 đơn vị liên quan để họp bàn về việc tổ chức loại hình này. Tuy nhiên, tới 24/5, Sở Du lịch TP.HCM đã có công văn yêu cầu tạm dừng các chương trình nêu trên.
Các đơn vị sẽ chờ đến đầu năm 2022 để có thời gian theo dõi diễn biến dịch bệnh và chuẩn bị kỹ nhằm thực hiện tốt các điều khoản trong hợp đồng giữa doanh nghiệp và khách hàng như thời gian bay chiều về, bảo hiểm y tế đối với các rủi ro xảy ra khi tiêm vaccine, khó khăn của khách hàng khi phải dời chuyến bay...
Trong đó, quyền lợi của khách hàng phải được đảm bảo để tránh phát sinh những tình huống rủi ro, phức tạp xảy ra giữa doanh nghiệp và khách hàng.