Elon Musk muốn sa thải khoảng 3.700 nhân viên tại Twitter. Ảnh: Dimitrios Kambouris. |
Theo The Washington Post, Elon Musk đã lên kế hoạch sa thải 75% nhân viên của Twitter. Thông tin này dẫn đến một "lá thư ngỏ" của một số nhân viên, những người gọi hành động của Musk là "liều lĩnh, làm suy yếu niềm tin vào nền tảng, đồng thời đe dọa nhân công".
Twitter cũng đã bị kiện bởi các nhân viên nói rằng họ không được thông báo đầy đủ theo luật liên bang và California khi mất việc làm trong bối cảnh các đợt sa thải hàng loạt đang diễn ra.
Đơn kiện tập thể được đệ trình lên tòa án liên bang San Francisco hôm 3/11 bởi 5 nhân viên hiện tại hoặc cũ của Twitter, bao gồm cả kỹ sư phần mềm nổi tiếng Emmanuel Cornet.
Nhân viên dạng "at-will"
Đây không phải lần đầu tiên công ty của Musk bị kiện với cáo buộc sa thải nhân viên đột ngột. Hồi tháng 6, Tesla đã bị kiện lên tòa án liên bang Texas sau khi cho thôi việc 500 nhân công tại nhà máy Sparks, Nevada. Tesla giải thích rằng công ty chỉ đơn thuần "tổ chức quy mô hiệu quả hơn" bằng cách sa thải những nhân viên yếu kém.
Trong cả hai vụ kiện, Đạo luật Thông báo về Điều chỉnh và Đào tạo lại Người lao động, thường được gọi là WARN, đều được các nhân viên sử dụng để chống lại chính sách sa thải của Twitter và Tesla. Tuy nhiên, kết quả vẫn rất khó nói.
Tháng trước, một thẩm phán liên bang cho biết công nhân Tesla phải đối chất với công ty trong cuộc hòa giải riêng thay vì tại tòa án. Vấn đề tương tự có thể nảy sinh trong vụ kiện Twitter, vì hơn một nửa số lao động tư nhân của Mỹ đã ký thỏa thuận phân xử các tranh chấp lao động, theo Reuters.
Twitter xác nhận sa thải 50% nhân viên sau khi tỷ phú Elon Musk tiếp quản nền tảng. Ảnh: Reuters. |
Luật sư đối tác của Wickens Herzer Panza, Jon Hyman, tuyên bố: "Miễn là Musk không sử dụng các thuộc tính được pháp luật bảo vệ để chọn ra ai ở lại và ai ra đi, không có gì là bất hợp pháp về công ty của ông ấy, sự lựa chọn của ông ấy".
Hầu hết nhân công ở Mỹ và gần như tất cả nhân viên Twitter đều là nhân viên dạng "at-will", tức quan hệ hợp đồng theo ý muốn, có nghĩa là ông chủ có thể sa thải họ bất cứ lúc nào vì bất kỳ lý do gì, miễn là lý do đó không được pháp luật bảo vệ.
Vì vậy, Musk có thể sa thải bất kỳ nhân viên nào mà ông muốn, miễn là ông không chọn ra những nhân viên ra đi hay ở lại dựa theo chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc các đặc điểm được bảo vệ khác.
Ban lãnh đạo mới "dọn dẹp nhà cửa hoàn toàn không có gì bất thường", Hyman nói thêm.
"Các kế hoạch của Musk có thể ở khía cạnh cực đoan, nhưng với tư cách là ông chủ, đó là đặc quyền của ông. Đó có thể là một ý tưởng tồi, nhưng không có luật nào chống lại những ý tưởng như vậy".
Đạo luật WARN là gì?
Tuy nhiên, quan hệ hợp đồng tùy ý không có nghĩa là không có luật nào liên quan. Đạo luật quan trọng nhất trong việc sa thải hàng loạt là Đạo luật WARN. Ở California, nếu chấm dứt hợp đồng với 50 nhân viên trở lên trong 30 ngày, công ty phải thông báo trước 60 ngày hoặc trả tiền cho nhân viên trong 60 ngày.
Ngoài ra, theo The New York Times, 50 nhân viên bị sa thải trong vòng 30 ngày sẽ kích hoạt luật ở California và 500 nhân viên bị cho thôi việc trong một khoảng thời gian ngắn sẽ kích hoạt luật liên bang.
Với kế hoạch sa thải hàng nghìn người của Musk, WARN và luật liên bang có thể phát huy tác dụng.
Người sử dụng lao động đã phải đối mặt với sự gia tăng các vụ kiện theo Đạo luật WARN và các quy chế của tiểu bang trong đại dịch Covid-19 khi nhiều công ty đột ngột đóng cửa hoặc sa thải hàng loạt nhân viên.
Enterprise Rent-A-Car, Hertz Corp, chuỗi nhà hàng Hooters và nhà điều hành khách sạn Rosen Hotels and Resorts Inc ở Florida đều đã đối mặt với các vụ kiện liên quan đến việc sa thải nhân viên trong đại dịch.
Rosen giải quyết các yêu cầu bồi thường từ 3.600 công nhân với giá 2,3 triệu USD và Enterprise đồng ý trả 175.000 USD cho gần 1.000 công nhân. Hertz và Hooters đã bồi thường nhưng không tiết lộ số tiền cụ thể.
Tuy nhiên, trong vụ Twitter, một số chuyên gia luật việc làm nói rằng nếu không biết nội dung các email mà Twitter gửi cho nhân viên trước khi sa thải, thì vẫn chưa rõ liệu quy trình có thực sự vi phạm Đạo luật WARN hay không.
Rheaana Guess, luật sư việc làm tại Chicago, người không liên quan đến vụ kiện Twitter, nói với Law & Crime rằng sự thành công của vụ kiện có thể phụ thuộc vào nội dung của những email.
"Bạn không nhất thiết phải nói thẳng với ai đó rằng bạn sẽ sa thải họ trong vòng 60 ngày nữa nhưng vẫn bắt họ chăm chỉ làm việc. Trên thực tế, đó là một động thái rất rủi ro đối với nhà tuyển dụng".
Guess giải thích rằng Đạo luật WARN xuất phát từ việc muốn bảo vệ các công nhân khỏi khó khăn kinh tế nếu một nhà máy chỉ đơn giản là đóng cửa và thông báo với công nhân rằng họ đã bị sa thải. "Nó nhằm mục đích bảo vệ cộng đồng", Guess nói thêm.
Ngoài ra, cần phân biệt hai khái niệm "laid off" và "fired". "Laid off" có nghĩa là nhân công mất việc do thay đổi từ công ty, còn "fired" là bị sa thải do lỗi cá nhân. Đạo luật WARN chỉ được kích hoạt trong các trường hợp "laid off".
Luật sư Misty Marris tại New York, cũng không liên quan đến đơn khiếu nại Twitter, nói: "Nhìn chung, có những điều khoản trong thỏa thuận thôi việc cho phép người lao động có thời gian để suy ngẫm về thỏa thuận thôi việc và cũng để đánh giá rằng họ đã đọc và hiểu đầy đủ thỏa thuận. Vì vậy, về mặt pháp lý, việc yêu cầu tòa án buộc Twitter tư vấn cụ thể cho họ về các quyền lợi theo Đạo luật WARN là không bình thường".
Marris nhận định, như trong vụ Tesla, Twitter có thể thành công trong việc chuyển vấn đề sang hòa giải, thoát khỏi tầm mắt của công chúng.
"Một điều chắc chắn là Musk không hành động theo ý thích. Có đội ngũ phân tích pháp lý và chiến lược đằng sau những hành động này. Liệu nó có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào thời gian. Nhưng chắc chắn rằng tất cả kết quả có thể xảy ra đang được phân tích và xem xét khi việc tiếp quản Twitter được tiến hành", Marris nói.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.