Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao fan Kpop vào top 100 nhân vật châu Á ảnh hưởng nhất thế giới?

Fandom Kpop có tên trong danh sách 100 nhân vật châu Á ảnh hưởng nhất thế giới của Gold House. Thành tích trên có thể khiến nhiều người phải nhìn lại ảnh hưởng của fan Kpop.

Fandom Kpop - cụm từ chỉ chung người hâm mộ các nhóm nhạc Hàn - vừa được vinh danh trong top 100 nhân vật châu Á có ảnh hưởng nhất năm 2021. Danh sách do Gold House chọn ra và được nhiều tờ báo uy tín như Variety, Time, Deadline... đưa tin.

Không chỉ đứng trong danh sách, Fandom Kpop còn nằm trong hạng mục "Hoạt động xã hội, vận động chính sách và chính trị" cùng nhiều nhà hoạt động xã hội có tiếng, trong đó có Kamala Harris - nữ chính trị gia gốc Á đầu tiên đảm nhận chức phó tổng thống Mỹ.

fan kpop top 100 nhan vat anh huong anh 1

Fan Kpop được nêu tên trong danh sách 100 người châu Á có ảnh hưởng nhất thế giới của Gold House.

Lần đầu tiên, fandom của các nhóm nhạc Kpop danh chính ngôn thuận được vinh danh với tiêu đề tích cực, thay vì gắn với những lời chỉ trích, miệt thị. Với nhiều người, đây cũng là cột mốc đánh dấu nỗ lực thay đổi định kiến fan Kpop đều mất lý trí, vô dụng và điên rồ.

Thay mặt thần tượng làm từ thiện và đóng góp cho xã hội, chính trị

Theo giải thích của Variety, Fandom Kpop được ghi nhận có ảnh hưởng tích cực đến các chiến dịch vận động, hoạt động chính trị và xã hội trên khắp thế giới. Sở dĩ hoạt động của fan Kpop có thể lan tỏa trên phạm vi rộng bởi người hâm mộ của làn sóng Hàn Quốc đã phủ kín khắp các quốc gia, châu lục.

ABC News đã trích một báo cáo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, đưa ra thông tin tính đến tháng 9/2020, có khoảng 1.800 cộng đồng fan Kpop tại 98 quốc gia, với số lượng thành viên lên tới 104 triệu người.

Dal Yong Jin - chuyên gia truyền thông tại Đại học Simon Fraser (Vancouver, Canada) - chia sẻ với ABC News rằng mỗi quốc gia đều có đặc trưng hâm mộ riêng, tạo nên các fandom khác biệt, độc đáo, từ đó tạo nên sự đa dạng cho người hâm mộ văn hóa và âm nhạc Hàn Quốc.

Khác biệt về cách hâm mộ có thể kể tới như fan Âu Mỹ thích nghe nhạc và ít quan tâm tới hoạt động đời sống của thần tượng, thì fan châu Á lại theo dõi sát sao các hoạt động đời thường, lo lắng vấn đề ăn, ngủ, nghỉ của sao Hàn... Tuy có sự khác biệt về quy cách sinh hoạt fanclub (tổ chức quy tụ người hâm mộ), nhưng trải qua nhiều năm phát triển, fandom khắp thế giới đều có chung một hoạt động để theo đuổi. Đó là làm từ thiện dưới danh nghĩa thần tượng.

Không ít lần báo chí quốc tế ghi nhận các fandom Kpop trên khắp thế giới đã gửi các khoản đóng góp có giá trị lớn tới hỗ trợ nạn nhân gặp thiên tai, hỏa hoạn. Họ cũng cung cấp khoản trợ cấp định kỳ cho trẻ em ở châu Phi, xây cầu và trường học ở những nơi nghèo đói, nhận nuôi động vật hoang dã và có nguy cơ tuyệt chủng...

fan kpop top 100 nhan vat anh huong anh 2

Fan Kpop có thói quen làm từ thiện dưới danh nghĩa thần tượng.

ELF (tên fandom của Super Junior) tại Indonesia gây quỹ cho các nạn nhân thiên tai ở nước này. Arendeelle - một trong những người đứng đầu nhóm ELF tại Indonesia - chia sẻ với Time vào năm 2020 rằng họ đã quyên góp được 12 triệu rupiah (1.113 USD) chỉ sau một ngày kêu gọi trong cộng đồng fan.

Nurul Sarifah - fan EXO và cũng người lập nên phong trào Kpop4Planet nhằm theo sát vấn đề biến đổi khí hậu hồi tháng 1 - tiết lộ có 16 fandom của 16 nhóm nhạc Kpop quyên góp cho chiến dịch hỗ trợ nạn nhân lũ lụt và động đất ở Indonesia.

Cô cho biết người hâm mộ 16 nhóm nhạc trên đã thu được 100.000 USD sau 10 ngày kêu gọi. "Đây không phải hoạt động quá mới mẻ với chúng tôi. Fan Kpop thường kêu gọi gây quỹ vào các dịp sinh nhật hoặc lễ kỷ niệm liên quan đến thần tượng", Sarifah nói.

Bài viết của Reuters vào ngày 2/2 chỉ ra các fandom Kpop đã tận dụng nhân lực và sức ảnh hưởng từ số lượng thành viên đông đảo để gây tác động đến nhiều chiến dịch, công việc liên quan đến xã hội. Bài viết của Reuters liệt kê các hành động tích cực của fan Kpop như kiến nghị cứu rừng, tham gia chiến dịch chống biến đổi khí hậu, quyên góp người nghèo, bảo vệ động vật hoang dã, quyên góp tiền mặt cho công tác phòng chống Covid-19...

Thậm chí, fandom Kpop còn góp mặt trong cả những chiến dịch liên quan đến chính trị, nhân quyền. Chẳng hạn, Army (fandom của BTS) đã quyên góp được khoản tiền một triệu USD để ủng hộ phong trào Black Lives Matter.

Chia sẻ với New York Times, nguồn tin từ One in a Army - tổ chức fan tại nước ngoài (ngoài phạm vi Hàn Quốc) của BTS - cho biết họ muốn đóng góp số tiền tương đương với khoản BTS đã quyên góp trước đó, tức là một triệu USD.

fan kpop top 100 nhan vat anh huong anh 3

Army học theo BTS, ủng hộ một triệu USD cho phong trào Black Lives Matter.

Nói về nỗ lực của fan Kpop trên thế giới, Nurul Sarifah trả lời Reuters: “Hàng ngày, chúng ta phải trải qua những vấn đề như ô nhiễm, trái đất tăng nhiệt, lũ lụt, cháy rừng... Chúng tôi có thể hành động đúng đắn, tạo ra tác động tích cực như thần tượng Kpop của tôi đã làm. Vì tương lai người hâm mộ có thể thoải mái thưởng thức âm nhạc của thần tượng Kpop trên một hành tinh đáng sống".

Có nên tiếp tục coi thường, miệt thị fan Kpop?

Thực tế, việc làm từ thiện và tham gia vào các hoạt động xã hội trên cũng xuất phát từ tính cạnh tranh rất cao của các fandom Kpop.

Vốn dĩ, fandom luôn cố gắng để thần tượng của mình có nhiều lượt xem video, nhiều lượt nghe nhạc số nhất, bán được nhiều vé concert nhất, doanh thu quảng cáo cao nhất... Từ cơ sở trên, họ cũng nỗ lực để thần tượng, nhóm nhạc của mình được cộng đồng khen ngợi, nêu tên theo một cách tích cực nhiều nhất.

Việc làm từ thiện thay thần tượng bắt đầu xuất hiện từ khoảng 6 năm trước. Qua thời gian, phong trào trên ngày càng phát triển, quy mô và khoản tiền thu được cũng ngày một mở rộng, nâng cao.

Hoạt động từ thiện dưới danh nghĩa thần tượng được đánh giá là việc làm đôi bên cùng có lợi. Các tổ chức, gia đình, địa phương được nhận khoản quyên góp vui mừng, fandom tạo "tiếng thơm" cho thần tượng và được khen ngợi trên truyền thông.

Phong trào trên không chỉ tồn tại ở nước ngoài, mà cũng tồn tại ở Việt Nam. Không chỉ tồn tại, fandom Kpop tại Việt Nam còn được xem là một trong những cái tên đi đầu trong phong trào làm từ thiện dưới danh nghĩa thần tượng Hàn Quốc.

Trải qua các đợt thiên tai, bão lũ, không khó để bắt gặp hàng chục fanpage lớn, nhỏ của các nhóm nhạc Kpop đăng tải hóa đơn chuyển tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung. Số tiền được gửi đi dao động từ đôi ba triệu, tới vài chục triệu đồng.

Trong đợt quyên góp nhằm giúp đồng bào miền Tây chống hạn và mặn, fandom Super Junior tại Việt Nam đã gửi đi 152 triệu đồng. Ngoài ra, nhóm fan này cũng nhiều lần thực hiện các chiến dịch tặng quà, tiếp sức mùa thi...

fan kpop top 100 nhan vat anh huong anh 4

Fan Super Junior tại Việt Nam ủng hộ đồng bào miền Tây 152 triệu đồng để chống hạn và mặn.

Tháng 8/2019, người hâm mộ quốc tế bày tỏ sự ngưỡng mộ khi báo Hàn đưa tin fanpage tại Việt Nam đã quyên góp được 230 triệu đồng để xây dựng một trường học cho trẻ em ở bản Hô Tâu, xã Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Sau đó, fan BTS tại Việt Nam tiếp tục dành 159 triệu để xây cầu tại ấp Long Định, xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Trong khi đó, fando BlackPink tại Việt Nam lại gửi khoản tiền hàng chục triệu đồng tới Blue Dragon - tổ chức chuyên giúp đỡ các trẻ em đường phố, trẻ khuyết tật, nạn nhân buôn người…

Fanpage của Chan Yeol (EXO) cũng từng gây chú ý khi quyên góp cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc 500 túi nuớc muối khoáng, 10.000 viên thuốc lọc nuớc sạch, 900 gói bột dinh dưỡng, 400 liều vaccin quai bị, 360 liều vaccine sốt rét, 500 liều thuốc giun, 100 liều vaccine sởi, 200 liều vaccine bại liệt, 100 quyển vở cùng bút viết. Các fanpage khác của EXO cũng nhiều lần tổ chức hành trình từ thiện đến các bản, hỗ trợ cái Tết ấm no cho trẻ em vùng cao.

Các đây nhiều năm, fan Kpop từng bị coi là những đứa trẻ hư hỏng, không có tự tôn và hiểu biết, thường bị trì chiết trên mạng xã hội cũng như một số trang báo. Nhưng thời gian trôi qua, chính những việc làm ý nghĩa trên đã thay đổi cái nhìn của xã hội với cộng đồng fan Kpop.

Có lẽ đã đến lúc cộng đồng ngừng coi thường, miệt thị fan Kpop. Bởi nhìn vào thực tế, những đứa trẻ năm xưa bị trì chiết vì trót yêu mến nghệ sĩ Hàn đều đã trưởng thành, thế hệ fan mới cũng có hiểu biết và lý trí hơn. Họ đóng góp cho xã hội, làm từ thiện nhiều đến mức khó có thể một lần kể hết những lần làm từ thiện hoặc chiến dịch vì cộng đồng mà fan Kpop thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng từng thực hiện.

'Bóng ma' ở Kpop

Theo điều tra của chương trình I Want To Know, Choi - cựu quản lý cao cấp tại SM - đã cấu kết với người ngoài, để vợ mình đứng tên trong phần credit tác quyền của nhiều ca khúc.

Thần tượng nam Kpop mặc áo corset

Chia sẻ với AYO TV, hai nhà thiết kế Jo Min Jae và Jo Yeon Suk của DEM Project cho biết áo corset hay đai nịt bằng da đang dần trở thành phụ kiện quen thuộc với nam giới.

Nghiêm Ngọc

Bạn có thể quan tâm