Trong hơn 100 năm qua, đội tuyển Pháp đã tự hào mặc chiếc áo đấu có in hình gà trống trên ngực. Theo Goal, giống như màu áo xanh truyền thống, gà trống đã trở thành biểu tượng với bóng đá Pháp từ những năm 1900.
Nguồn gốc tên gọi
Không chỉ đại diện cho bóng đá, gà trống thậm chí từng là biểu tượng không chính thức của nhà nước Pháp trong nhiều thế kỷ và được điêu khắc trong các công trình kiến trúc trên khắp đất nước.
Nguồn gốc của biểu tượng này bắt nguồn từ lịch sử cổ đại. Vào thời điểm đó, người La Mã đã cười nhạo Gaul, lãnh thổ trong và xung quanh nước Pháp ngày nay, vì một sự trùng hợp về ngôn ngữ. Trong tiếng Latinh, từ gallus có nghĩa là Gaul, nhưng cũng là gà trống.
Theo thời gian, các vị vua Pháp đã cố tình đảo ngược trò đùa này khi biến gà trống thành biểu tượng của lòng can đảm và dũng cảm. Gà trống còn được coi là tượng trưng cho niềm tin và ánh sáng. Tiếng gáy của loài vật này vào mỗi buổi sáng thể hiện cho chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, của cái thiện trước cái ác.
Người hâm mộ đưa những chú gà đến sân vận động cổ vũ tuyển Pháp. Ảnh: Goal. |
Hình ảnh những chú gà được khắc trên đồng tiền cũ của Pháp. Ngày nay, biểu tượng gà trống vẫn có thể được nhìn thấy ở nhiều nơi: trên tem, ở lối vào của Điện Élysée.
Trong thể thao, gà trống xuất hiện trên áo đấu của nhiều vận động viên và là linh vật của các giải đấu quan trọng.
Hình ảnh biểu tượng này có trên áo thi đấu của đội bóng bầu dục, bóng đá, bóng ném của Pháp và trên áo của các vận động viên Olympic.
Gà còn được sử dụng như một linh vật quốc gia, đặc biệt là khi Pháp đăng cai World Cup. World Cup năm 1998 có sự góp mặt của chú gà trống Footix, trong khi giải đấu năm 2018 sử dụng gà mái Ettie.
Gà trống được xem trọng đến mức nào?
Khi Ủy ban Olympic quốc gia của Pháp rút gà trống ra khỏi logo của mình vào năm 1997, các vận động viên và người hâm mộ đã ra sức chỉ trích cùng phản đối. Những nhân vật nổi tiếng như vận động viên chạy đường dài Alain Mimoun lập luận rằng sự thay đổi này đã "tấn công các giá trị của quốc gia".
Không chỉ trong thể thao, các chiến dịch đòi công lý cho những chú gà diễn ra trong cả cuộc sống thường ngày của người Pháp.
Theo AFP, Maurice có lẽ là con gà nổi tiếng nhất và cũng gây tranh cãi nhất nước Pháp. Nó trở thành biểu tượng của một cuộc xung đột lâu năm trong lòng nước Pháp, giữa những người coi vùng nông thôn là nơi để tận hưởng kỳ nghỉ dễ chịu và người dân thực sự sống ở đó.
Năm 2019, hai người hàng xóm đã đâm đơn kiện Maurice và chủ nó. Cũng giống như hàng nghìn người khác, họ đến Saint-Pierre-d'Oleron để nghỉ hè. Cặp đôi nói rằng Maurice gáy quá nhiều và quá to, khiến họ mất ngủ, nên đã yêu cầu thẩm phán ra lệnh đưa Maurice đi nơi khác.
Maurice đã trở thành con gà nổi tiếng nhất nước Pháp vì những tranh cãi xung quanh tiếng gáy của nó. Ảnh: The New York Times. |
Tuy nhiên, hàng nghìn người khác trên khắp nước Pháp đã ký tên vào một bản kiến nghị để ủng hộ Maurice. Họ cho rằng đây là vấn đề liên quan đến hình ảnh dân tộc và đất nước.
Các thẩm phán cuối cùng đã ủng hộ quyền "được gáy để bắt đầu ngày mới" của loài gà, điều được coi là một chiến thắng cho truyền thống nông thôn.
Cuộc đấu tranh cho Maurice cũng đã dẫn đến một dự thảo luật được đưa ra trước quốc hội giới thiệu khái niệm "di sản cảm quan" ở vùng nông thôn nước Pháp. Dự luật tìm cách bảo vệ cư dân khỏi hành động pháp lý đối với "âm thanh và mùi" thường liên quan đến việc chăn nuôi gà, bò, những loại động vật vốn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống nông thôn.
Đến năm 2020, vụ việc liên quan đến một chú gà trống khác tên Marcel cũng gây chấn động nước Pháp. Hàng xóm thừa nhận đã bắn chết con gà vì tiếng gáy của nó.
Hơn 74.000 người đã ký vào một bản kiến nghị nhằm đòi công lý cho Marcel, yêu cầu trừng phạt những người giết gà.
Phiên tòa diễn ra vào tháng 12/2020 tuyên án 5 tháng tù treo với người hàng xóm vì tội ngược đãi động vật, sử dụng vũ khí trái phép.
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.