Bàn tay của bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, viêm mô tế bào, sưng tấy và chảy dịch vàng vì bị gai cá trê đâm. Ảnh: BVCC. |
Vừa qua, một nữ bệnh nhân 57 tuổi, ngụ Hưng Yên, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nhiều vùng trên cơ thể nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng và viêm mô tế bào.
Thủ phạm gây ra vết thương cho người phụ nữ này lại chính là chiếc ngạnh (gai) của con cá trê.
Câu chuyện này khiến nhiều người thắc mắc: Điều gì khiến gai con cá trê hay các loài cá da trơn có gai sắc nhọn (cá chốt, cá ngát... ) lại có thể gây vết thương nghiêm trọng đến như vậy.
Vết thương nhỏ nhưng hậu quả lớn
Người phụ nữ làm nghề bán cá có dấu hiệu lâm sàng phù hợp với nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus - hay còn gọi vi khuẩn ăn thịt người.
ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết những người có cơ địa suy giảm miễn dịch như: xơ gan, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp hay đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và thuốc nam không rõ nguồn gốc rất dễ bị nhiễm trùng bởi các chủng vi khuẩn từ nước vào.
"Vết thương nhỏ cũng dễ bị nhiễm trùng trực khuẩn, gây hoại tử tổ chức rất nghiêm trọng, tiến triển đi vào sốc rất nhanh, đe dọa đến tính mạng người dân", bác sĩ Bắc nói.
Phân tích với Tri thức - Znews, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, bản thân gai của cá trê không có độc. Nhưng cá này thích sống ở đầm lầy, kênh mương, đồng lúa, ao hồ tù đọng và các con sông... là ở môi trường bẩn nên chứa rất nhiều vi khuẩn nguy hiểm. Người bị gai của cá trê đâm sâu, có thể bị nhiễm trùng.
Cá trê là loại cá da trơn thích sống ở những đầm lầy, kênh mương, đồng lúa, hồ tù đọng và các con sông. Ảnh: Shutterstock. |
Gai cá trê thường dài khoảng 5-8 cm, vết thương do nó gây ra nếu nông sẽ ít nguy hiểm hơn vết thương sâu. Bởi, khi vết thương sâu vi khuẩn dễ xâm nhập vào các mạch máu gây ra nhiễm trùng huyết, hơn nữa những vi khuẩn sinh ra trong môi trường yếm khí gây dễ bệnh uốn ván cho người bị đâm.
Bất kỳ vị trí nào trên cơ thể bị gai cá trê đâm trúng đều nguy hiểm, tuy nhiên, những vị trí đặc biệt như bàn tay, bàn chân sẽ nguy hiểm hơn do cấu trúc giải phẫu ở vùng này rất phức tạp, thêm nữa tỷ lệ bị đâm sâu là rất lớn.
"Thực chất, người dân gặp nguy hiểm khi bị gai cá trê đâm là do nhiễm vi khuẩn từ chỗ vết thương nếu không được xử lý đúng cách", PGS Dũng nói.
Với những người nguy cơ như người cao tuổi, bệnh lý mạn tính hay suy giảm miễn dịch, khi bị gai cá trê đâm vào tay hoặc chân rất nguy hiểm, có thể bị nhiễm trùng huyết nặng.
Do đó, khi bị gai cá trê đâm vào tay, người dân không nên chủ quan với vết thương nhỏ. Nếu vết thương nông, cần sát khuẩn bằng xà phòng và nước sạch. Đối với vết thương sâu, người dân cần đến cơ sở y tế để được xử lý, cắt lọc lấy dị vật và tiêm vaccine uốn ván.
Vi khuẩn "ăn thịt người"
Theo các bác sĩ, vi khuẩn Vibrio vulnificus mà người bệnh nhiễm phải khi bị gai cá trê đâm được mệnh danh là "vi khuẩn ăn thịt người", có thể gây ra nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm khuẩn hay hoại tử. Những trường hợp nhiễm khuẩn do Vibrio vulnificus thường rất nặng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay Vibrio vulnificus là loại vi khuẩn sống ở vùng nước mặn, nước lợ. Những người dân có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch rất dễ nhiễm loại vi khuẩn này.
Đây là loại bệnh cảnh dễ nhầm với các bệnh nhiễm trùng huyết khác như vi khuẩn liên cầu lợn, nhiễm não mô cầu, tụ cầu, liên cầu... Do vậy, những người dân làm nghề nuôi trồng, buôn bán thuỷ hải sản cần cảnh giác với căn bệnh này.
Người bị nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus thường có biểu hiện sốt, tổn thương phỏng nước, hoại tử ngoài da kèm suy đa phủ tạng.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị vết thương do các loại sinh vật sống ở môi trường bẩn gây ra, có biểu hiện sưng, đau, đỏ... cần đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
Khi hơi thở hóa thinh không
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.