Dễ nhận thấy sức hút của chương trình hài thể hiện qua rating cao và số lượng người xem 'khủng' trên You Tube. Ngay từ mùa phát sóng đầu tiên, chương trình Thách thức danh hài hay Ơn giời, cậu đây rồi, Cười xuyên Việt... đều đạt tỷ suất người xem đáng mơ ước: từ 6- 7%.
Trên You Tube, mỗi tập phát sóng, thu hút hơn 4 triệu lượt người xem. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các chương trình này trở thành chương trình “hot” nhất của đài VTV3, HTV và THVL. Bước sang mùa thứ 2, game show hài tiếp tục “làm mưa làm gió” truyền hình, giữ vững rating cao. Không những thế, tên chương trình hài là những từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên google.
Thí sinh Lê Thị Dần giành 100 triệu trong chương trình Thách thức danh hài. |
Đáp ứng nhu cầu giải trí
Nhắc đến sở thích hài, trước tiên phải nói đến yếu tố vùng miền. Hài kịch dường như ở trong tim và máu người miền Nam. Từ xa xưa, hài là phần không thể thiếu trong mỗi tác phẩm cải lương, tuồng. Sau này, bất kể chương trình ca, múa nhạc đều không vắng bóng hài. Chưa kể, những năm đầu thế kỷ 21, sân khấu hài cực thịnh với hàng chục nhóm hài hoạt động mạnh mẽ tại TP HCM và các tỉnh Nam bộ. Hiện nay, số lượng diễn viên hài miền Nam lớn hơn nhiều miền Bắc. Vì thế đa số các chương trình hài đều tập trung ở miền Nam hoặc sản xuất bởi công ty ở TP HCM như Ơn giời, cậu đây rồi.
Sức hấp dẫn của các game show hài trước tiên phải nhắc đến là đáp ứng được nhu cầu giải trí lớn của khán giả. Khi ai cũng căng thẳng chạy theo guồng quay công việc và áp lực mưu sinh, việc được cười thoải mái, thư giãn sau giờ làm việc trở thành nhu cầu cần thiết.
Những game show hài đang phát sóng trên truyền hình đa số được mua từ các phiên bản quốc tế, nhờ đó đã có sẵn một kết cấu tương đối chặt chẽ. Việc còn lại của các nhà sản xuất là xây dựng được tiểu phẩm và tập hợp diễn viên. Sự xuất hiện của các diễn viên hài với tài ăn nói hóm hỉnh, biết tạo “chiêu trò” bỗng trở thành món ăn tinh thần được khán giả truyền hình yêu mến.
Những tiểu phẩm của các nghệ sĩ là thí sinh tham gia trong Ơn giời, cậu đây rồi, Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt… không yêu cầu phải đưa ra thông điệp ý nghĩa mà quan trọng là khiến khán giả cười nhiều nhất, vui nhất. Một nữ nghệ sĩ nổi lên từ cuộc thi hài cho biết: “Ban đầu tôi còn đau đầu đưa thông điệp vào tiểu phẩm nhưng không thành công. Đến tiểu phẩm khác, tôi cứ điên trên sân khấu, diễn theo bản năng và không nghĩ đến thông điệp thì khán giả lại ủng hộ nhiệt tình. Có lẽ điều khán giả cần nhất là sao được cười thả ga”.
Trường Giang lấy nước mắt của khán giả trong gameshow hài. |
Hồi hộp và nước mắt
Để một chương trình thành công, cần thêm nhiều gia vị bên cạnh yếu tố hài hước. Vì thế trong mỗi tập phát sóng các game show hài, nhà sản xuất tạo sức hút bằng các mảng miếng hài kết hợp với nước mắt và những yếu tố bất ngờ. Nếu trong Ơn giời, cậu đây rồi, khán giả bất ngờ trước màn xử lý thông minh của các khách mời, những tình huống khó đỡ do các trưởng phòng tạo nên thì trong Thách thức danh hài khán giả lại hồi hộp chờ đợi màn thể hiện của các thí sinh không chuyên, xem họ sẽ được thưởng bao nhiêu tiền.
Đó là chưa kể sự phong phú của các tiết mục vì thu hút sự tham gia của số lượng lớn thí sinh khắp cả nước ở đủ mọi độ tuổi khác nhau. Nếu ở mùa một, Thách thức danh hài là sự kết hợp của yếu tố hài hước với những màn xúc động rơi nước mắt từ hoàn cảnh của thí sinh. Năm nay, nhà sản xuất đổi mới bằng các tiết mục của những nhân vật đặc biệt – em bé nhỏ tuổi, người dân tộc... Sự xuất hiện của các em bé mới 4 tuổi như Ku Tin, Anh Khang hay cô gái dân tộc Lê Thị Dần khiến chương trình thu hút hơn.
Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt lại là cuộc so tài của các nghệ sĩ qua các tiểu phẩm do chính họ dàn dựng, thể hiện. So với cuộc thi dành cho khán giả thì chương trình có nghệ sĩ tham gia đảm bảo chất lượng của các tiểu phẩm hơn. Mỗi tập, các thí sinh không muốn lặp lại mình nên liên tục đổi mới, lúc hài hước, lúc lại bi đến mức khán giả và giám khảo khóc sưng mắt. Điển hình là Huỳnh Lập trong Cười xuyên Việt tập 6 khiến 4 giám khảo không kìm được nước mắt.
Trong Ơn giời, cậu đây rồi, bên cạnh những tiểu phẩm hài hước, có những tiểu phẩm lấy nước mắt của người xem. Đơn cử, Trường Giang và Nhã Phương xuất hiện trong tập 7, khiến cả trường quay lặng đi khi thể hiện nỗi đau của người chồng mắc bệnh ung thư...
Trấn Thành thể hiện cảm xúc khi ngồi ghế giám khảo. |
Giám khảo nổi tiếng
Tràn ngập các chương trình hài nên việc các danh hài được trọng dụng là điều dễ hiểu. Hiện nay, Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang có lẽ là những gương mặt nổi bật nhất. Hầu như không có game show hài nào vắng mặt họ. Theo các nhà sản xuất, họ là những diễn viên tài năng, có chuyên môn và khả năng ăn nói. Sự xuất hiện cùng khả năng biến hóa của họ khiến chương trình nhiều màu sắc và hấp dẫn hơn. Vì thế, nhà sản xuất Cười xuyên Việt sẵn sàng chiều theo lịch diễn của Trấn Thành. Hoặc để có cái gật đầu của Hoài Linh, nhà sản xuất sẽ phải trả mức cát-xê ngất ngưởng và lịch quay - tất nhiên phải theo lịch của danh hài.
Sự xuất hiện dày đặc của họ gây nên những luồng ý kiến trái chiều nhưng hiện tại chưa ai có đủ sức hút để thay thế họ. Và nhà sản xuất không dám mạo hiểm để chọn những gương mặt khác. Với cách nhìn của người trong nghề, đạo diễn kỳ cựu Lê Quốc Nam cho rằng: “Trấn Thành, Việt Hương hay Hoài Linh là một trong những yếu tố quan trọng giúp chương trình thành công. Không chỉ bởi danh tiếng của họ, cách họ nhận xét, thể hiện cảm xúc mới là điều quan trọng. Theo tôi, họ được khán giả thích thú vì họ không diễn, họ không nói những điều đèm đẹp vừa lòng cả nhà, họ thể hiện cái tôi chân thật. Đó chính là điều khán giả cần”.
Nói về điều này, diễn viên Nam Thư từng nhận xét về Trấn Thành: “Cậu ấy không bao giờ ngược đãi cảm xúc bản thân. Không có gì có thể ép buộc Thành thay đổi cảm xúc của mình”. Còn Việt Hương từng thừa nhận, khi chị nhận xét thì chị quên mình là giám khảo mà nói cảm xúc cá nhân. Thậm chí sau chương trình, điều gì chưa nói hết, chị sẽ gọi cho thí sinh đó để chia sẻ tiếp. Đạo diễn Lê Quốc Nam nhấn mạnh, sự khác biệt của họ cũng chính là điểm họ nổi bật và làm được điều các thế hệ tiền bối không làm được.