Phim “remake” (làm lại) từng là một trào lưu rầm rộ của điện ảnh trước khi “đổ bộ” sang truyền hình. Sau thành công của Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng năm 2017, phim truyền hình chuyển thể, phóng tác từ kịch bản, tác phẩm nước ngoài tiếp tục được ưa chuộng trong năm 2018.
Nếu trước đây, mỗi năm màn ảnh nhỏ chỉ có khoảng 1-2 phim “remake”, năm nay số lượng đã tăng lên đáng kể.
Ngày ấy mình đã yêu được mua bản quyền từ bộ phim Hàn Quốc Discovery of Love của đài KBS. |
Bùng nổ phim “remake”
Năm 2018 có ít nhất 4 phim truyền hình “remake” phim nước ngoài. Trên sóng VTV có Cả một đời ân oán, Ngày ấy mình đã yêu. Sóng HTV có Gạo nếp gạo tẻ. Sóng VTC có Hậu duệ mặt trời.
Cả một đời ân oán là bộ phim được mua kịch bản chuyển thể từ tác phẩm của Đài Loan Cô dâu bạc triệu. Đây là dự án phim trọng điểm của VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của VTV) do Vũ Trường Khoa, Trọng Trinh và Bùi Tiến Huy đồng đạo diễn.
Phim có tới 2 phần cùng phát sóng trong năm, quy tụ dàn diễn viên tương đối đình đám của cả hai miền Nam Bắc như Mạnh Trường, Hồng Đăng, Hồng Diễm, Mỹ Uyên, Lan Phương, Huỳnh Anh,…
Trong khi, Ngày ấy mình đã yêu được mua bản quyền từ bộ phim Hàn Quốc Discovery of Love của đài KBS. Phim gồm 24 tập và do Khải Anh đạo diễn. Phim có sự tham gia của Nhã Phương, Nhan Phúc Vinh, Bảo Thanh…
Gạo nếp gạo tẻ của đạo diễn Võ Thạch Thảo “remake” từ kịch bản phim Wang's Family. |
Đa phần phim truyền hình Việt "remake" từ phim của thị trường châu Á do gần gũi về văn hóa. Gạo nếp gạo tẻ của đạo diễn Võ Thạch Thảo “remake” từ kịch bản phim Wang's Family - tác phẩm truyền hình có đề tài gia đình ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2013. Phim được phát sóng trên HTV.
Một tác phẩm “remake” cũng không thể không kể trong năm vừa qua là Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt. Phim được làm lại từ tác phẩm cùng tên nổi tiếng của Hàn Quốc, phát sóng năm 2016 trên kênh KBS2, với sự tham gia của các diễn viên chính Song Joong Ki, Song Hye Kyo, Kim Ji Won và Jin Goo.
Ngoài 4 dự án phim kể trên, màn ảnh nhỏ Việt năm 2018 còn chứng kiến cả phim sitcom “remake”. Đó là Mẹ ơi, Bố đâu rồi làm lại từ bộ phim sitcom Mỹ Last man standing ra mắt vào năm 2011 và đã trải qua 6 mùa phát sóng.
Không phải phim nào cũng được đón nhận
Trong bốn bộ phim truyền hình “remake” lên sóng năm 2018, Gạo nếp gạo tẻ được đánh giá là tác phẩm Việt hóa thành công nhất. Nhờ đó, phim đã trở thành phiên bản khá độc lập, thậm chí còn được người Việt khen hay hơn bản gốc.
Gạo nếp gạo tẻ là bức tranh đủ màu sắc về đề tài gia đình. Ở đó, có đủ những mâu thuẫn cùng bi kịch của nhiều mối quan hệ như mẹ chồng - nàng dâu, con yêu - con "ghẻ", bố mẹ - con cái, vợ chồng, anh em, ngoại tình... Xem phim, khán giả dễ nhìn được những câu chuyện của chính bản thân từng trải qua hoặc xung quanh cuộc sống.
Bản phim của Việt Nam đã được khéo léo thay đổi nhiều chi tiết, đặc biệt là về văn hoá và lời thoại, khiến người xem không còn thấy rõ dáng dấp của tác phẩm Hàn Quốc.
Đến ẩm thực trong phim cũng đã có sự thay đổi. Những món ăn nổi tiếng của xứ Hàn như kim chi, mì đen đã được thay thế mà bún đậu mắm tôm, dưa cà - đặc sản của người Việt.
Trái ngược với Gạo nếp gạo tẻ là Hậu duệ mặt trời. Phiên bản Việt của Hậu duệ mặt trời nhận nhiều phản ứng trái chiều vì thất bại trong khâu Việt hóa. Phim có nhiều tình tiết, bối cảnh xa lạ với người Việt.
Là tác phẩm về người lính, nhưng phim bị chỉ trích là có sai phạm về lễ tiết, tác phong so với các quy định của quân đội Việt Nam. Bộ Quốc Phòng sau đó lên tiếng yêu cầu phim sửa sai sót.
Sau đó, nhà sản xuất đã có động thái “sửa sai” bằng cách thêm dòng chữ trong phần giới thiệu ở mỗi tập phim: “Các nhân vật, tình huống và sự kiện trong phim đều là sản phẩm hư cấu do những người làm phim xây dựng, các đất nước trong phim là đất nước giả tưởng, mọi sự trùng hợp trong phim nếu có chỉ là ngẫu nhiên".
Phiên bản Việt của Hậu duệ mặt trời nhận nhiều phản ứng trái chiều vì thất bại trong khâu Việt hóa. |
Hậu duệ mặt trời tiếp tục lên sóng sau đó. Tuy nhiên, phim không được khán giả đón nhận, không thể gây bão được như kỳ vọng. Phim kết thúc trong im ắng.
Trong số bốn phim “remake”, Cả một đời ân oán và Ngày ấy mình đã yêu ở mức “đạt yêu cầu” trong khâu Việt hóa. Chúng không “thảm họa” như Hậu duệ mặt trời, nhưng không thể thành bản Việt hóa thành công như Gạo nếp gạo tẻ.
So với bản gốc Cô dâu bạc triệu của Đài Loan, Cả một đời ân oán chủ yếu là câu chuyện vợ cả - vợ lẽ, con chung - con riêng. Do vậy, nhân vật Dung của Hồng Diễm và Đăng của Mạnh Trường có phần mờ nhạt. Và Dung cũng không thể trở thành nhân vật trung tâm như bản gốc.
Trong khi, Ngày ấy mình đã yêu là câu chuyện xoay quanh Hạ (Nhã Phương) và Sol (Bảo Thanh) - hai cô bạn thân "con chấy cắn đôi" sắp bước sang tuổi 30. Phim xoay quanh cuộc sống, tình yêu, tình bạn, tình cũ, tình mới, được nhận xét là “tròn trịa”, tôn trọng bản gốc, nhưng vẫn chưa đủ gây bão.
Việt hóa là câu chuyện không đơn giản
Từ thành công của Gạo nếp gạo tẻ và thất bại của Hậu duệ mặt trời, có thể thấy tầm quan trọng của khâu Việt hóa. Đó chính là yếu tố quyết định thành bại của một bộ phim.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa cho rằng Việt hóa là khâu quan trọng để chuyện phim trở nên gần gũi với người Việt. Anh cho biết đã chủ động cải biên, thay đổi một vài tình tiết để phim bớt khốc liệt so với bản gốc.
Ở tiểu thuyết Trung Quốc, bà Điều - mẹ chồng của Trang (bạn thân của nữ chính Minh Vân) - thông đồng với bọn buôn người bắt cóc cháu gái. Sau khi biết chuyện, Trang phát điên và tự sát trong viện tâm thần.
Tùng thì chìm trong men rượu và qua đời vì bị tai nạn. Bà Điều phải ngồi tù vì hành vi tội lỗi của mình. Con của Trang được Vân và Sơn nuôi.
Nhưng khi chuyển thể sang Việt Nam, đạo diễn và biên kịch đã thay đổi hình ảnh người mẹ chồng mất nhân tính thành một người phụ nữ quê mùa, hiền lành, bất cẩn và có phần cổ hủ. Sự cải biên này được nhận xét là nhân văn, phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Cả một đời ân oán là bộ phim được mua kịch bản chuyển thể từ tác phẩm của Đài Loan Cô dâu bạc triệu. |
Một số chuyên gia nhận định rằng nếu làm phim "remake" mà chỉ chăm chăm với cốt truyện, nhân vật, tính cách, trang phục,... không sai bản gốc một chút nào thì rất dễ thất bại. Quan trọng là phải làm sao biết biến những tình tiết hay ho của kịch bản gốc trở nên phù hợp với công chúng Việt.
Tiến sĩ, nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái ví von tác phẩm "remake" như "món ăn ngoại". "Món ăn ngoại" được đem về nấu nướng, pha chế ở Việt Nam thì phải Việt hóa.
"Nếu cách pha chế thiếu sự Việt hóa đúng độ, người Việt sẽ không sao thưởng thức nổi. Khi không thưởng thức nổi, công chúng sẽ chuyển kênh, không xem, thậm chí không buồn bình luận nữa", nhà phê bình nêu quan điểm.