Thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, nhiều giáo viên ở TP.HCM mong ngóng khoản tiền cuối năm.
Dù không có lương tháng 13 và thưởng Tết như nhiều ngành nghề khác, nếu các trường khéo léo chi tiêu, cuối năm, giáo viên vẫn được chia một khoản tiền.
Có giáo viên nhận hơn 30 triệu đồng dịp Tết
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết năm trước, thầy được “thưởng” khoảng 11 triệu đồng, trong đó có tiền thưởng của trường, phần chăm lo giáo viên của thành phố và phần chi tiêu nội bộ còn lại chia cho giáo viên. Đây là khoản tiền không hề nhỏ đối với những giáo viên cấp hai như thầy trong dịp Tết.
“Thêm được khoản nào thì giáo viên cũng vui vì Tết bao nhiêu thứ cần sắm sửa. Năm nay thầy cô cũng mong chờ vào khoản tiền cuối năm này, hy vọng được hơn năm ngoái vì vật giá leo thang, thứ gì cũng đắt đỏ”, thầy Bảo nói.
Tết Nguyên đán năm nay, giáo viên trường THPT Nguyễn Du (quận 10) nhận được ít nhất 15 triệu đồng, người nhiều nhất 32 triệu đồng. Giáo viên trong trường phấn khởi khi nghe thông tin về khoản tiền "thưởng Tết" năm nay.
Giáo viên trường THPT Nguyễn Du. Ảnh minh họa: THPT Nguyễn Du. |
"Tết năm nay, giáo viên được nhận tiền thưởng cao hơn năm ngoái nên mọi người đều phấn khởi. Hiện tại, mới giáo viên TP.HCM có thêm khoản thu nhập này. Mình cũng mong có thêm cơ chế, chính sách cho các đồng nghiệp ở tỉnh thành khác để giáo viên không phải tủi thân khi nhìn các ngành, nghề khác", một thầy giáo chia sẻ.
Thầy Đ.Đ.A., giáo viên một trường THPT trên địa bàn thành phố, chia sẻ với những giáo viên không dạy thêm, khoản tiền cuối năm của các trường thực sự có ý nghĩa với họ. Dịp Tết, gia đình nào cũng phải sắm sửa, người xa quê còn phải lo chi phí tàu xe, quà cáp, lì xì con cháu. Giáo viên với đồng lương của mình, khó lo được mùa Tết trọn vẹn nên cuối năm ai cũng mong ngóng, trông chờ vào khoản tiền thu nhập tăng thêm, hy vọng một cái Tết "ấm" hơn.
"Năm nay, thưởng Tết của giáo viên TP.HCM khấm khá hơn. Nhưng với trường nào phải xây dựng, chi tiêu nhiều, cuối năm, giáo viên nhận rất ít, thậm chí không có, nên đôi lúc cũng chạnh lòng khi nhìn những ngành nghề khác", thầy Đ.A. nói.
Chia sẻ về khoản thu nhập cuối năm của trường mình, cô Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho hay cô và nhiều đồng nghiệp trong trường cũng rất mong chờ khoản tiền này. Thông thường đến sát Tết Nguyên đán, trường mới công bố mức "thưởng".
"Giáo viên có thêm khoản lo Tết, một số có tiền tiết kiệm sau cả năm làm việc. Chứ lương cơ bản hàng tháng của giáo viên rất thấp. Giáo viên 13 năm vào nghề lương chỉ tầm 7 triệu đồng/tháng. Nếu không dạy thêm, ở thành phố thì mức lương đó làm sao lo cho gia đình", cô Thảo nói.
"Khéo co thì ấm"
Cô Vũ Thị Xuân Dung, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho hay kế toán của trường đang gấp rút tính các khoản tiền còn lại của năm 2019 để chia cho giáo viên dịp Tết.
Nữ hiệu trưởng cho biết năm nay, khoản tiền "thưởng Tết" của trường có thể sẽ nhỉnh hơn năm ngoái một chút. Năm ngoái, mỗi giáo viên nhận được mười mấy triệu đồng.
Cô Dung cho hay khoản tiền cuối năm mà giáo viên nhà trường nhận được bao gồm tiền thu nhập tăng thêm trong quý 4 và tiền trường tiết kiệm được trong một năm qua.
Một số giáo viên cho rằng các trường khéo léo chi tiêu tiết kiệm thì giáo viên được nhờ khoản tiền cuối năm sau khi quyết toán. Ảnh: SGGP. |
Cụ thể, tiền tiết kiệm được là ngân sách dành cho trường trong một năm, sau khi chi tiêu còn dư lại và các khoản tiền để dành khác như dạy buổi hai, học phí tăng cường tiếng Anh, tiền cho thuê dịch vụ căn tin...
Đối với giáo viên TP.HCM, nhờ cơ chế đặc thù, thành phố có Nghị quyết số 03 về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức xuất sắc năm 2019 được tăng tối đa 1,2 lần so với mức chi của năm 2017. Năm 2020 là 1,8 lần. Căn cứ hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa của từng năm, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng cán bộ, công chức, viên chức gắn với hiệu quả công việc và không cào bằng.
"Các khoản tiền này đều được chia cho tất cả giáo viên trong trường căn cứ theo hệ số lương, thâm niên, kết quả thi đua, phụ cấp chức vụ. Ví dụ, người kiêm thêm chủ nhiệm, tổ trưởng, tổ phó sẽ được nhận cao hơn giáo viên khác một chút, ai thi đua có thành tích như thế nào cũng được đưa vào xem xét", cô Dung phân tích.
Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay tất cả trường tại THPT đều có những khoản tiền tiết kiệm và thu nhập tăng thêm cho giáo viên nhưng mức "thưởng Tết" mỗi nơi mỗi khác. Khoản tiền này cao hay thấp tùy thuộc quyết định chi tiêu, lèo lái của hiệu trưởng theo đúng nghĩa "khéo co thì ấm".
"Hơn nữa, với khoản tiền tiết kiệm và thu nhập tăng thêm, có trường chia theo từng tháng, từng quý để giáo viên trang trải cuộc sống hàng ngày. Có trường lại dồn đến cuối năm rồi chia luôn một lần", nữ hiệu trưởng nói.
Một hiệu trưởng khác ở quận 10 cũng thông tin trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, giáo viên sẽ được nhận cùng lúc 3 khoản, gồm: Thu nhập tăng thêm quý 4, thu nhập do tiết kiệm trong năm và tiền thưởng Tết Nguyên đán của trường.
Trong đó, khoản tiền tiết kiệm trong năm là thu nhập tăng thêm do tiết kiệm sau khi đã chi hết các khoản trong năm tài chính. Khoản này sẽ được chia đều cho tất cả cán bộ giảng viên, từ 3-4 triệu/người.
Tiền thưởng Tết Nguyên đán cũng có mức như nhau, mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhận mức 3 triệu đồng. Riêng khoản thu nhập quý 4 là khoản kinh phí theo Nghị quyết 03 của HĐND TP.HCM. Khoản này tùy vào công việc, vị trí, năng lực mà mỗi giáo viên sẽ nhận mức khác nhau.