Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao hãng hàng không được đuổi khách khỏi máy bay?

Hãng United Airlines (Mỹ) gây ra làn sóng phẫn nộ hôm 9/4, khi cưỡng chế hành khách xuống máy bay do thiếu ghế. Câu hỏi đặt ra là hãng có được phép làm như vậy hay không?

Ngày 9/4, hãng hàng không có trụ sở ở Chicago này đã cưỡng chế một hành khách xuống khỏi máy bay, khi không có đủ người tự nguyện nhường chỗ cho 4 nhân viên của hãng trong chuyến bay 80 ghế từ Chicago tới Louisville.

Vụ việc được nhiều hành khách quay video lại, trong đó một hành khách từ chối nhường chỗ với lý do ông là bác sĩ và cần gặp bệnh nhân vào hôm sau. Ông chống cự khi bị an ninh sân bay lôi ra khỏi ghế trong khi một số hành khách khác phản đối. Ảnh chụp và video cho thấy người đàn ông này bị chảy máu ở môi và có vẻ như đã ngất khi cảnh sát kéo ông dọc lối đi. Lát sau, ông trở lại ghế ngồi với vẻ bối rối và máu chảy đầy cằm. Hiện danh tính vị khách này chưa được xác nhận.

Duoi khach khoi may bay anh 1
Hành khách bị thương, chảy máu trong quá trình cưỡng chế. Ảnh: New York Daily News.

Sau khi các video và ảnh chụp được đăng tải trên mạng, hãng hàng không đã phải đối mặt với một làn sóng phẫn nộ tập trung vào một câu hỏi: “Sao họ có thể làm như vậy?”.

Một phần vấn đề này phát sinh từ chính sách thường bị bỏ qua, trong đó các hãng được phép ngăn hành khách lên máy bay nếu số người đặt vé vượt quá số chỗ ngồi. Hành khách đã mặc định đồng ý với chính sách này khi đặt vé.

Việc bán nhiều vé hơn số ghế là hoạt động có tính tiêu chuẩn của các hãng hàng không. Họ thường tính toán lượng khách dao động dựa trên số liệu khách vắng mặt trong quá khứ. Hãng thường tặng hành khách voucher nếu máy bay không đủ ghế, nhưng mỗi hãng có một cách xử lý khác nhau.

George Hobica, người sáng lập Airfarewatchdog.com, cho biết: “Các hãng bán nhiều vé hơn ghế vì có khách không đến, và họ không muốn phải bay với ghế trống”. Ngoài ra, một số trường hợp khác có thể phát sinh như máy bay quá nặng, người thuộc không quân cần chỗ hay phi hành đoàn cần bay tới nơi làm việc.

Trong trường hợp của United Airlines, theo phát ngôn viên Maddie King, bốn nhân viên của hãng cần bay chuyến do hãng hàng không đối tác Republic Airlines điều hành, để có thể phục vụ một chuyến bay khác ở Louisville vào ngày hôm sau nếu không muốn phải hủy chuyến.

Duoi khach khoi may bay anh 2
Cách xử lý của hãng United khiến nhiều người bất bình. Ảnh: Circa.

Các chuyên gia đồng tình rằng cách xử lý của hãng United không phù hợp với quy định. Trước hết, việc này thường diễn ra ở cửa lên máy bay, chứ không đợi tới lúc hành khách đã vào vị trí.

Theo luật liên bang Mỹ, khi một máy bay thiếu chỗ, hãng cần kiểm tra xem có ai tự nguyện nhường chỗ hay không. Các hãng tự chọn cách đền bù, nhưng hành khách thường được tặng voucher cho chuyến bay sau hoặc phiếu quà tặng. Theo Robert Mann, giám đốc công ty tư vấn hàng không R.W. Mann & Company, hàng ngày trên toàn nước Mỹ có hàng nghìn trường hợp tự nguyện nhường chỗ.

Nếu hãng không tìm được người tự nguyện, họ được phép chọn hành khách phải xuống máy bay. Theo dữ liệu của Bộ Giao thông Mỹ, 46.000 hành khách đã không được bay vì lý do này vào năm 2015. Các hãng hàng không có chính sách riêng về thứ tự hành khách được ưu tiên trong trường hợp có người cần bắt buộc xuống máy bay. Quy định này nằm trong các điều khoản hành khách đã đồng ý khi mua vé.

Theo hãng United, những người khuyết tật hoặc trẻ em được ưu tiên. Hãng American Airlines dựa trên thứ tự check-in (làm thủ tục), đồng thời xem xét trường hợp khẩn cấp, giá vé và khách hàng trung thành. Delta Air Lines cũng dựa trên thứ tự check-in và khách hàng trung thành, cũng như chỗ của hành khách trong cabin. Hãng ưu tiên người khuyết tật, trẻ em hay người trong quân đội. JetBlue Airways quảng cáo rằng hãng không bán vé quá chỗ, nhưng vẫn đưa quyền này vào hợp đồng.

Hành khách bị lôi xuống khỏi máy bay do thiếu chỗ Hãng United Airlines (Mỹ) đã khiến nhiều người phẫn nộ khi cưỡng chế hành khách xuống máy bay khi vị bác sĩ này không tình nguyện nhường chỗ.

Hoàng Linh

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm