Đảo giúp con người cao lên; đảo tự nhiên xuất hiện, tự biến mất; đảo gây ra những cái chết thương tâm cho con người... là những bí ẩn lớn với các nhà khoa học.
Hòn đảo giúp con người tăng chiều cao
Trên vùng biển rộng lớn của Caribbean có một hòn đảo nhỏ của nước Pháp, được gọi là Martinique.
Hòn đảo này được cho là kỳ lạ vì có thể giúp con người tăng chiều cao. Kể từ năm 1948 đến nay, vóc dáng của những người sống trên đảo không ngừng tăng lên.
Nam giới trưởng thành có chiều cao trung bình trên 1,90 m. Nữ giới trưởng thành cao trung bình trên 1,74 m. Những người cao dưới mức này được cho là lùn. Người ở nơi khác đến sống trên đảo một thời gian, chiều cao cũng tăng lên.
Đảo Martinique giúp con người không ngừng cao lên. Ảnh: Getty. |
Theo sách Những hiện tượng bí ẩn về nhân loại, tiến sĩ khoa học Grameen (64 tuổi, người Pháp) cùng trợ lý của ông đã cao lên hơn 7 cm sau 2 năm trên đảo. Một nhà nghiên cứu động vật người Brazil, sau 3 tháng sống trên đảo này, cũng cao thêm 4 cm. Nhà lữ hành người Anh tên Parker cao thêm 3 cm sau chuyến du lịch một tháng trên đảo.
Không chỉ con người, động vật sống trên đảo cũng có chiều cao hơn hẳn loài tương tự sống nơi khác trên thế giới.
Đến nay, chưa có giải thích cho hiện tượng bất thường trên. Nhiều giả thiết khác nhau đã được các nhà khoa học đưa ra. Kết luận thuyết phục nhất của các nhà khoa học là hòn đảo này tiềm ẩn bên trong một loại khoáng sản có tính phóng xạ, làm cho động, thực vật phát triển dị thường.
Hòn đảo tự ẩn hiện không rõ nguyên nhân
Theo sách Khám phá những vùng đất kỳ lạ, tháng 4/1933, một đoàn thuyền của Trung Quốc đến đảo Hải Nam để đo mực nước. Trên đường trở về, họ nhìn thấy một hòn đảo không tên, cây cối um tùm.
Điều kỳ lạ là nửa tháng sau quay lại, họ không thấy hòn đảo như lúc trước. Hòn đảo lúc ẩn lúc hiện bất thường, các thủy thủ cho rằng họ bị ảo giác.
3 năm sau, đoàn thuyền của Pháp đi qua khu vực này, họ cũng thấy hòn đảo như người Trung Quốc. Đảo có cây cối mọc um tùm. Khi thuyền viên đưa bản đồ ra xem, họ không thấy hiện tên hòn đảo ở vị trí này.
Kỳ lạ hơn nữa là, ngay lập tức, hòn đảo lại đột nhiên biến mất, một lúc sau nó lại xuất hiện ở một vị trí khác.
Sau khi trời sáng, các thuyền viên đã nhìn thấy 2 hòn đảo. Sau khi tới Philippines, thuyền trưởng Suna Si đã kể lại cho mọi người nghe, nhưng họ đều cho rằng ông và thuyền viên bị ảo giác.
Không thể giải thích được hiện tượng kỳ bí, vị thuyền trường quyết định quay lại khu vực có 2 hòn đảo, nhưng thật kỳ lạ, khi đoàn thuyền của ông tới, 2 hòn đảo đã biến mất.
Để giải thích cho hiện tượng kỳ bí này, các nhà khoa học đã mất rất nhiều năm nghiên cứu, có ý kiến cho rằng sự biến mất và xuất hiện của hòn đảo liên quan đến sự vận hành tinh cầu. Dù vậy, một đáp án chính xác cho hiện tượng này vẫn là điều bí ẩn.
Hòn đảo chết chóc Sable
Theo sách Những bí ẩn trên thế giới chưa được giải đáp, ở Đại Tây Dương có một hòn đảo tên là Sable thường vẫn được được mệnh danh là "Đảo chết"
Các nhà địa chất học cho biết trong những năm trở lại đây, dưới tác động của những đợt sóng lớn, vị trí và diện tích hòn đảo không ngừng thay đổi.
Đầu tiên, nó là một cồn cát do trầm tích hình thành. 200 năm sau, cồn cát biến thành đảo sa mạc. Hòn đảo này hoang vu, gần như không tồn tại sự sống, diện tích bị thu hẹp còn một nửa, dài hơn 40 km, rộng chưa tới 2 km.
Kỳ lạ hơn nữa, hòn đảo này đã tự di chuyển về phía Đông 20 km. Trên bản đồ biển của nhiều nước, chỗ của hòn đảo được đánh dấu là nơi cấm thuyền bè.
Theo số liệu thống kê, số lượng tàu gặp nạn tại khu vực hòn đảo này đã lên tới hơn 500 chiếc, hơn 5.000 người đã bỏ mạng tại đây.
Đảo chết Sable. |
Để giải thích những hiện tượng bí ẩn về hòn đảo này, cũng như nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn thương tâm của tàu thuyền đi qua, nhiều giả thiết đã được đưa ra.
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn là do khu vực này thường xuyên xuất hiện những cơn sóng lớn bất thường, cuốn phăng tất cả tàu bè; có ý kiến cho rằng do từ trường trên đảo biến đổi không ngừng, khiến máy móc trên tàu không hoạt động được, gây ra tai nạn.
Các nhà khoa học cho rằng do đảo thường xuyên thay đổi vị trí và diện tích, trong khi xung quanh nó đều là những bãi cát trôi và bờ biển vuông, thời tiết thay đổi thất thường, gió bão liên tiếp nên tàu thuyền thường xuyên gặp nạn.
Dù vậy, tất cả giả thiết này đều chưa được chấp nhận hoàn toàn. Hy vọng rằng trong một ngày không xa, khoa học sẽ giải thích được những hiện tượng bất thường của đảo chết, hạn chế những rủi ro thương tâm liên quan tới hòn đảo này.