Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao ‘Inception’ vẫn đứng vững trong lòng khán giả sau 10 năm?

Mùa hè năm nay, bom tấn giả tưởng của đạo diễn Christopher Nolan kỷ niệm 10 năm ra mắt. Sau một thập kỷ, đây vẫn luôn là tác phẩm điện ảnh lý thú đối với công chúng.

phim Inception anh 1

Inception chuẩn bị được tái phát hành tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm tròn 10 tuổi, đồng thời chiêu đãi khán giả một trích đoạn từ Tenet - bom tấn sắp sửa khởi chiếu sau nhiều lần bị trì hoãn bởi dịch bệnh của đạo diễn Christopher Nolan.

Theo lẽ thường, một tác phẩm điện ảnh chỉ cần ra rạp vài tháng đã có thể mất dần sự quan tâm của khán giả trong kỷ nguyên nội dung giải trí mới liên tục xuất hiện, chứ chưa nói đến một bộ phim có tuổi đời lên tới một thập kỷ và có thể dễ dàng thưởng thức trên truyền hình hoặc qua định dạng DVD hay Blu-ray.

Song, thông tin Inception được tái phát hành vẫn gây thích thú cho khán giả. Đơn giản bởi như nhiều tác phẩm khác của “thánh” Nolan, Inception vẫn khiến người ta hăng say bình luận, tranh luận mỗi khi nhắc đến và bộ phim mang tới trải nghiệm nghe-nhìn khác hẳn tại rạp chiếu bóng nếu so với ở nhà.

Chưa bao giờ nguội lạnh trong lòng khán giả

Trước tiên, cần phải khẳng định rằng Inception không phải là một “cult film” (phim thiêng) - cụm từ dùng để chỉ những tác phẩm không gây chú ý khi mới ra mắt, nhưng sau đó dần hình thành cộng đồng fan khi được chiếu trên truyền hình hoặc phát hành ra định dạng băng đĩa.

phim Inception anh 2

Inception nằm trong top 10 bộ phim ăn khách nhất năm 2010 và nhận đề cử Oscar Phim truyện xuất sắc vào đầu 2011. Ảnh: Warner Bros.

Với doanh thu lên đến 829 triệu USD, Inception đứng thứ tư trong danh sách những bộ phim điện ảnh ăn khách nhất 2010, đồng thời nhận 8 đề cử Oscar, trong đó có hạng mục Phim truyện xuất sắc. Tính đến 2018, doanh thu từ các định dạng băng đĩa của bộ phim đã đạt hơn 160 triệu USD.

Sức hút đầu tiên của bộ phim là Christopher Nolan - nhà làm phim sau đó có thêm ba bộ phim gặt hái thành công lớn là The Dark Knight Rises (2012), Interstellar (2014) và Dunkirk (2017). Ông nằm trong số không nhiều những đạo diễn mà tên tuổi thậm chí còn xếp trên các diễn viên xuất hiện trên màn ảnh. Cái tên Nolan được xem như bảo chứng cho thành công của các dự án mà ông làm đạo diễn và giúp nhà sản xuất không quá đắn đo khi rót vốn đầu tư.

Inception chính là bước ngoặt cho thành công thương mại của Nolan. Tại thời điểm 2010, kinh phí đầu tư 160 triệu USD là một canh bạc. Ngoài hai phim về Batman (Christian Bale) - siêu anh hùng nổi tiếng nhất của truyện tranh DC, các tác phẩm khác của Nolan tuy được đánh giá cao nhưng không phải là bom tấn phòng vé.

Nếu không tính Batman Begins (2005) và The Dark Knight (2008), Insomnia (2002) là phim có doanh thu cao nhất của Nolan trước năm 2010 với thành tích 113,8 triệu USD. Trớ trêu thay, đó là bộ phim remake đến từ nhà làm phim hiện được coi là có trí tưởng tượng và óc sáng tạo bậc thầy.

Sau Inception, hai tác phẩm không dựa trên bất cứ nguyên tác nào của Nolan là InterstellarDunkirk lần lượt thu về 677,5 và 526,9 triệu USD. Hậu Inception, các nhà sản xuất hẳn đã dành cho Christopher Nolan nhiều niềm tin hơn.

Cũng như “thánh” Nolan, phần lớn dàn sao Inception đều gặt hái nhiều thắng lợi trong một thập kỷ qua. Leonardo DiCaprio vẫn là ngôi sao quyền lực hàng đầu Hollywood và dắt túi tượng vàng Oscar diễn xuất - điều mà hai bạn diễn trong bom tấn là Marion Cotillard và Michael Caine đã có từ trước.

Dàn diễn viên phụ cũng có thêm nhiều bước tiến trong sự nghiệp: Joseph Gordon-Levitt mang đến những vai diễn khẳng định thực lực trong 50/50, Looper hay The Walk; Ellen Page mới đây tham gia The Umbrella Academy gây chú ý trên Netflix; Cillian Murphy trở thành linh hồn của series Peaky Blinders; hay Tom Hardy thậm chí đã thăng hoa với hàng loạt tác phẩm chất lượng như Warrior, Locke, Mad Max: Fury Road…

Inception thu hút sự chú ý của nhiều thế hệ khán giả. Trên bảng xếp hạng Top 250 của IMDb do người dùng bầu chọn, phim hiện đứng ở vị trí thứ 13. Bộ phim đi vào văn hóa đại chúng khi được các loạt phim hoạt hình South Park hay The Simpsons giễu nhại (parody), cũng như phổ biến trên mạng Internet với vô vàn ảnh chế (meme) cảnh cuộc trò chuyện giữa hai nhân vật của DiCaprio và Murphy.

Vượt qua bài test thời gian

Không hiếm trường hợp phim bom tấn được đầu tư quy mô, có đạo diễn hoặc diễn viên tên tuổi, nhưng nhanh chóng chìm vào quên lãng. Inception có thể được chú ý nhờ “vẻ bề ngoài”, nhưng đọng lại trong tâm trí người xem rốt cuộc vẫn là chất lượng tác phẩm.

Phim góp mặt trong 273 danh sách tổng hợp top 10 phim hay nhất năm 2010 và xếp vị trí số một trong 55 danh sách. Đến 2019, nhiều nhà phê bình và các phương tiện truyền thông tiếp tục đưa Inception vào danh sách các phim hay nhất thập niên 2010.

phim Inception anh 3

Đạo diễn Christopher Nolan và Leonardo DiCaprio trên trường quay Inception. Ảnh: Warner Bros.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà năm 2012, tạp chí Total Film từng bình chọn Inception là phim “dễ xem lại nhất mọi thời đại”. Dù có thời lượng lên đến gần 150 phút, tác phẩm không hề đem lại cảm giác lê thê.

Ngay từ đầu phim, khán giả đã được giới thiệu khái niệm “thâm nhập giấc mơ” tầng tầng lớp lớp qua màn thử thách mà Sato (Ken Wantanabe) dành cho hai chuyên gia “trích xuất” Dom (DiCaprio) và Arthur (Gordon-Levitt). Dòng phim heist (trộm cướp) với những phi vụ được lên kế hoạch chi tiết là điều không hiếm gặp. Song, đột nhập vào tâm trí người khác để “cấy” một ý tưởng quả là nhiệm vụ độc nhất vô nhị.

Ngoài sự độc đáo trong ý tưởng, Inception còn ghi điểm với những cảnh quay mang tính đột phá. Cho đến trước thành công của La La Land (2016), đây vẫn là phim gần nhất giành giải Oscar Quay phim xuất sắc được ghi hình bằng máy phim, thay vì kỹ thuật số.

Trái với những phim viễn tưởng thường có đến hơn 2.000 cảnh quay kỹ xảo, toàn bộ Inception thực tế chỉ có khoảng 500 cảnh quay như vậy. Nhiều trường đoạn hấp dẫn như trận chiến trong hành lang xoay, các nhân vật lơ lửng không trọng lực hay núi tuyết lở đều được quay theo phương pháp truyền thống thay vì áp dụng công nghệ CGI.

phim Inception anh 4

Một trường đoạn hành động ấn tượng của bộ phim. Ảnh: Warner Bros.

Theo nhà quay phim Wally Pfister, Nolan đã từ chối quay phim dưới định dạng 3D theo gợi ý của hãng Warner Bros. Ông e ngại rằng công nghệ sẽ khiến khán giả mất tập trung vào trải nghiệm kể chuyện của Inception, bất chấp thành công của định dạng tại thời điểm đó sau cơn sốt mang tên Avatar (2009).

Để ghi lại những cảnh phim không áp dụng kỹ xảo, dàn diễn viên đã phải “trầy vi tróc vẩy”. Joseph Gordon-Levitt có lần chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ đau nhiều như thế trên trường quay, khi phải nhảy và đập người vào tường cả ngày. Nhưng đây cũng là trải nghiệm quay phim vui nhất tôi từng có”.

Cảnh quay mà Gordon-Levitt nhắc đến diễn ra ở tầng thứ hai của giấc mơ, khi hành lang lộn tùng phèo do những người ở tầng thứ nhất đang bị truy đuổi. Có đến 500 nhân viên đoàn phim tham gia thực hiện cảnh phim chỉ kéo dài vài phút kể trên.

Hạn chế sử dụng CGI, nhưng khi cần thiết, Inception vẫn khiến người xem phải ngỡ ngàng. Cảnh cả thành phố Paris hoa lệ bị gập lại, phá tan những quy tắc vật lý chính là ví dụ tiêu biểu. Sau này, cảnh quay tương tự về những thế giới, chiều không gian đặc biệt hoặc những tòa nhà bị thay đổi cấu trúc trong Upside Down (2012) hay Doctor Strange (2016) đều ít nhiều lấy cảm hứng từ kẻ tiên phong Inception.

Bên cạnh hình ảnh, phần nhạc nền do nhà soạn nhạc Hans Zimmer đảm nhận cũng được ghi nhớ, với hiệu ứng ầm ầm ngay đầu phim, cùng bản nhạc Time da diết khép lại tác phẩm.

Cái kết gây tranh luận bất tận

Inception mới lạ khi mới ra mắt và vẫn chưa hề cũ kỹ sau 10 năm. Khái niệm đột nhập vào những giấc mơ cùng nhiều quy tắc phức tạp về các tầng mơ, tầng viễn thức (limbo) hay con quay totem… được đề cập xuyên suốt bộ phim khiến khán giả tập trung cao độ và trở thành chủ đề bàn tán trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội về điện ảnh.

Chuyện gây tranh cãi nhiều nhất đương nhiên là cái kết của bộ phim, khiến nhiều khán giả soi xét từng chi tiết như chiếc nhẫn của Dom hay tiếng reo vọng lại của con anh. Tất cả chỉ để tìm ra đáp án cho câu hỏi: cái kết là đời thực hay giấc mơ?

phim Inception anh 5

Liệu cái kết của bộ phim là thực hay mơ? Đó là câu hỏi vẫn khiến người xem trăn trở suốt 10 năm qua. Ảnh: Warner Bros.

Đó là bài toán mà ngay cả chính dàn diễn viên trong phim cũng trăn trở đi tìm kiếm lời giải. Tài tử gạo cội Michael Caine từng chia sẻ với người hâm mộ hồi 2018 rằng: “Khi mới nhận kịch bản Inception, tôi cũng thấy khó hiểu và nói với đạo diễn Nolan rằng mình không hiểu khi nào là mơ, khi nào là thực. Cậu ấy trả lời tôi, ‘Cảnh phim nào ông góp mặt thì là đời thực’”.

Chiểu theo câu nói đó, có thể luận ra đoạn kết của phim là thực, bất chấp chiếc totem của Dom vẫn quay. Nhưng thực hay mơ, đó không phải là điều quan trọng nhất với Nolan.

Trong một lần ghé thăm Đại học Princeton vào năm 2015, vị đạo diễn từng bày tỏ quan điểm rằng: “Ở đoạn kết, nhân vật Dom Cobb của Leonardo DiCaprio đã được ở bên cạnh các con, và anh ấy không còn quan tâm đến điều gì khác nữa”.

Nolan có thể muốn vậy, nhưng sản phẩm ông tạo ra có quá nhiều điều để tranh luận, để soi xét, và khiến khán giả mừng rỡ mỗi khi phát hiện ra một tình tiết được cài cắm. Đâu phải ai cũng để ý rằng nếu ghép chữ cái đầu tên các nhân vật Dom, Robert, Eames, Arthur, Mal và Saito trong phim, ta sẽ được chữ “Dreams” (Những giấc mơ) chứ?

Tại Việt Nam, Inception dự kiến được tái phát hành từ 21/8.

‘Tenet’ - canh bạc 200 triệu USD của ‘thánh’ Nolan và Warner Bros.

Hãng Warner Bros. và ngành công nghiệp điện ảnh đang nín thở chờ đợi tháng 7. Đến nay, bom tấn “Tenet” của đạo diễn Christopher Nolan vẫn quyết tâm giữ lịch ra rạp từ 17/7.

Thịnh Joey

Bạn có thể quan tâm