16 tháng sau khi gia nhập với giá 112 triệu euro từ Real Madrid, Ronaldo vẫn chưa một lần ghi bàn từ chấm đá phạt trực tiếp cho "Bianconeri".
Đó là một thống kê đáng bàn, nhất là khi CR7 được ưu ái thực hiện gần như tất cả pha sút phạt có khả năng tạo ra bàn thắng cho Juve. Bản thân CR7 cũng là cầu thủ tấn công được đặt làm trung tâm ở Juve và là ngôi sao của toàn bộ đội bóng, thậm chí cả giải đấu.
Ronaldo có 34 bàn cho Juventus sau khi chuyển tới từ Real Madrid, nhưng không bàn nào trong số đó được thực hiện từ chấm đá phạt trực tiếp. Ảnh: Reuters, |
Ronaldo - chân sút phạt tồi
Báo chí châu Âu mới đây đưa ra thống kê gây sốc: Ronaldo thực hiện 28 cú đá phạt trực tiếp kể từ khi chuyển tới Juve, song không lần nào bóng đi vào lưới.
9 trong số 28 cú đá này không chính xác. Sự vô duyên của Ronaldo trên chấm đá phạt khiến Juve bỗng đánh mất đi thứ vũ khí từng giúp họ thoát hiểm nhiều lần trong quá khứ.
Juve vốn có 2 chân đá phạt cự phách là Miralem Pjanic và Paulo Dybala. Pjanic có 15 cú đá phạt thành bàn trong sự nghiệp tại Serie A, đứng thứ 7 trong lịch sử giải đấu cao nhất Italy. Dybala mới 26 tuổi nhưng cũng kịp có 10 lần hưởng niềm vui từ những cú đá phạt trực tiếp ở cấp độ CLB.
Trong thời gian dài, báo chí Italy nhìn nhận Juve sở hữu hai viên ngọc quý trên chấm sút phạt cố định. Pjanic thuận chân phải, Dybala thuận chân trái, Juve coi như không bao giờ thiếu cách để trừng phạt đối thủ mỗi khi được hưởng những cú đá phạt trực tiếp.
Pjanic và Dybala ghi tổng cộng 16 bàn trên chấm đá phạt cho Juventus, nhưng chỉ 1 trong số này được thực hiện trong gần 1 năm rưỡi qua. Ảnh: Getty. |
Song tất cả đổ bể khi Ronaldo tới Turin. Dybala không có bàn nào từ chấm đá phạt trực tiếp, Pjanic khá hơn khi có đúng 1 bàn trong 16 tháng.
Tiền vệ người Bosnia thừa nhận trên tờ Gazzetta dello Sport hồi đầu mùa trước rằng Ronaldo giờ là người sẽ thực hiện 100% các cú đá phạt lệch về phía góc trái cho Juve, còn anh và Dybala đứng đó “chỉ để lên hình cho đẹp”.
HLV Juve khi đó là Max Allegri thừa nhận Ronaldo và hai đồng đội đã có thỏa thuận rằng anh sẽ nhận lấy những cú đá phạt từ xa, còn Dybala - Pjanic sẽ chịu trách nhiệm nhận những quả phạt ở cự ly gần. Kế hoạch được lên khá tốt chỉ trừ việc Ronaldo luôn xung phong... sút mọi quả phạt mà Juve có.
Cuối mùa trước, Juve được hưởng quả phạt ở cự ly 20 m trước Napoli, Ronaldo chủ động đứng ra ngoài để Pjanic thực hiện, và bàn thắng ngay lập tức đến. Đó cũng chính là pha lập công giúp Juve chính thức cắt đuôi Napoli trong cuộc đua vô địch.
Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi: Đã có bao nhiêu bàn thắng như thế của Juve bị từ chối vì Ronaldo là người sút thay vì Pjanic hay Dybala?
Các cú đá phạt của Ronaldo tại Juventus thường sẽ có kết cục như thế này. |
Vì sao Ronaldo sút phạt thiếu hiệu quả?
Kể từ mùa 2016/17, Ronaldo mới sút phạt thành công đúng một lần. Cũng trong quãng thời gian này, Lionel Messi đã có 17 bàn từ chấm đá phạt trực tiếp. Cuối tuần trước, Messi nâng số cú đá phạt trực tiếp thành bàn ở cấp độ CLB lên con số 44 bàn, ngang bằng với CR7.
Trong 3 năm, "El Pulga" đã thực hiện cú nước rút không tưởng để bắt kịp CR7 gần như chững lại hoàn toàn sau một thời gian dài reo rắc những ác mộng trên chấm đá phạt. Sau cùng, điều gì đã diễn ra với Ronaldo?
Kỹ năng sút phạt (knuckle ball) mà Ronaldo tìm ra và đưa lên đỉnh cao trong màu áo Manchester United là nỗi ám ảnh với các thủ môn trong thời gian dài. Báo chí Tây Ban Nha từng mất không ít công sức để bóc tách cách sút phạt của CR7. Họ tìm ra Ronaldo huy động sức mạnh của gần như toàn bộ cơ thể để sút phạt thay vì chỉ lực chân hay đùi.
Tất cả cơ bắp trên cơ thể anh gồm: cơ bụng, cơ vai, chân, đầu gối, cổ chân thậm chí là từng ngón chân đều phát huy được toàn bộ sức mạnh. Ngoài ra, anh còn thêm uy lực cho cú sút từ những cú lắc vai, tương tự những cú phát bóng của cầu thủ bóng chuyền.
Tính từ mùa 2018/19, Messi có 10 cú đá phạt thành bàn còn Ronaldo có 9 lần sút phạt đưa bóng vượt qua hàng rào và đi thẳng ra ngoài. Đồ họa: ESPN. |
Giáo sư Ken Bray - chủ nhân cuốn sách nghiên cứu về các kỹ thuật sút bóng đương đại (How to Score: Science and the Beautiful Game - Cách thức ghi bàn dưới góc nhìn khoa học và nghệ thuật) - cho rằng Ronaldo sút phạt chẳng khác nào cầu thủ đánh bóng chày.
Ken Bray cho biết: "Ronaldo là cầu thủ có cách sút bóng đặc biệt nhất. Cậu ấy không tạo ra đường bóng xoáy như các cầu thủ khác vẫn làm. Sau khi Ronaldo tác động vào trái bóng, nó giống như quả bóng chày bị đánh bởi lực cực mạnh gây biến dạng. Đó là lý do tại sao mỗi pha sút bóng của cậu ấy thường rất khó đoán và không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào”.
Những siêu phẩm vào lưới Arsenal tại Champions League hay Portsmouth tại Premier League của Ronaldo đều in đậm vào ký ức giới mộ điệu. Tất cả đều là hệ quả từ cách sút phạt đặc biệt của CR7.
Ronaldo từng là hung thần trên chấm đá phạt khi còn khoác áo MU và sau này là Real Madrid. Ảnh: Getty. |
Song hơn một thập kỷ đã trôi qua từ ngày ấy, không chỉ thủ môn mà cả các CLB giờ dần cảnh giác hơn với những cú nã đại bác đưa bóng đi liệng đó của CR7. Họ tìm ra rằng cách sút phạt đặc biệt của Ronaldo chỉ được phát huy hiệu quả nếu bóng được đặt ở cự ly khoảng 25 m đổ lên, từ đó tìm ra cách hạn chế phạm lỗi ở khoảng cách này.
Với những cú sút phạt theo cự ly xa, các thủ môn cùng hàng rào chắn cũng chủ động di chuyển cảnh giác hơn. Khi sự bất ngờ không còn, Ronaldo sút phạt thiếu hiệu quả là điều dễ hiểu.
Ronaldo từng chủ động nhường Pjanic sút phạt và giúp Juve giành chiến thắng. Đây có thể là giải pháp cho Juve trong việc tìm lại chiến thắng từ chấm đá phạt, điều từng là truyền thống trong lịch sử “Bà đầm già thành Turin” với những biểu tượng như Michel Platini, Roberto Baggio, Alessandro Del Piero hay Andrea Pirlo.
Vấn đề chỉ là liệu Ronaldo có gạt bỏ cái tôi để nhường hẳn quyền ghi bàn cho đồng đội hay không.