Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nam (30 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng đau tai, cảm giác đau tăng dần khi nhai hoặc ngáp, tai nặng, đầy, tức trong tai, nghe kém.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ điều trị phát hiện một số vảy, mảnh vụn hình thành trong ống tai ngoài và vành tai. Ngoài ra, ống tai ngoài bị lấp đầy bởi những mảng màu xám, đen và trắng. Thậm chí, nhiều sợi bào tử nấm mọc trên các mảng này cùng mùi hôi khó chịu.
Sau khi bóc lấy một phần của mảng bám, các bác sĩ đã mang mẫu đi soi tươi và nuôi cấy và chẩn đoán nam bệnh nhân bị nấm ống tai.
Thói quen lấy ráy tai có thể gây hại cho thính lực. Ảnh minh họa: Standard. |
Bệnh nhân chia sẻ mình thường xuyên ra quán cắt tóc, nhờ thợ lấy ráy tai và cảm thấy rất dễ chịu. Tuy nhiên, sau lần cuối cùng, nam bệnh nhân bắt đầu thấy ngứa trong ống tai. Cảm giác ngứa tăng dần dù anh ngoáy tai liên tục. Sau 1-2 ngày, các biểu hiện trên xuất hiện và buộc nam bệnh nhân phải đi khám.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã làm sạch và nhỏ thuốc tai cho nam bệnh nhân, đồng thời chỉ định theo dõi trong thời gian tới.
Các chuyên gia khuyến cáo thói quen lấy ráy tai dù khá phổ biến nhưng rất nguy hiểm. Chúng ta không nên lấy ráy tai dù khi ráy đang ướt hay khô. Nguyên nhân là việc sử dụng bông tăm ngoáy tai khiến ráy bị đẩy vào sâu trong ống tai, gây tắc khi đến giới hạn.
Một số bệnh nhân khi tới khám, ráy tai đã đầy kín ống tai do thói quen dùng bông tăm ngoáy tai khi ráy ướt. Lúc này, các bác sĩ phải xử lý bằng dụng cụ chuyên biệt, lấy ráy ra ngoài trong nhiều ngày.
Theo bác sĩ tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, ráy tai là một lớp bảo vệ thính lực, giúp chúng ta tránh để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. Thông thường, lớp màng này có thể tự rơi ra theo cơ chế của ống tai mà không cần tác động từ bên ngoài.