Theo nhà tâm lý học Daniel Kahneman, những kỳ nghỉ ngắn thường cũng tuyệt vời không kém chuyến đi dài. Các nghiên cứu khoa học về hành vi cho thấy một kỳ nghỉ sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhờ những điều nhỏ bé, như lên kế hoạch kỹ lưỡng trước khi đi và kể về chuyến đi lúc đã về.
Ông Kahneman dành nhiều thời gian tìm hiểu về mối liên hệ giữa trải nghiệm và ký ức. Ông phát hiện ra rằng tâm lý con người có thể được chia ra thành “cái tôi trải nghiệm” và “cái tôi ghi nhớ”. Phần trải nghiệm sẽ tận hưởng những phút giây của hiện tại, còn phần ghi nhớ nhìn nhận cuộc sống qua gương chiếu hậu.
Những trải nghiệm mới sẽ được ghi nhớ trong não bộ. |
Hạnh phúc được định nghĩa tùy thuộc vào “cái tôi” nào bạn muốn chú trọng hơn. Nếu muốn làm “cái tôi trải nghiệm” thỏa mãn, hãy lên kế hoạch cho một chuyến đi dài. Thêm một tuần nằm dài tắm nắng và nhâm nhi cocktail sẽ khiến bạn bớt căng thẳng hơn việc ngồi cắm cúi gõ máy tính.
Nếu muốn tối đa hóa hạnh phúc cho “cái tôi ghi nhớ” - vốn tồn tại lâu hơn phần kia, một kỳ nghỉ dài ít có tác dụng hơn. Bộ não con người có xu hướng ghi nhớ những gì mới mẻ. Theo ông Kahneman, nếu cuộc sống của bạn không thay đổi gì nhiều trong một thời gian dài, bạn sẽ không nhớ được các chi tiết cụ thể.
Khi đi nghỉ hai tuần thay vì một tuần, bạn không thay đổi để tạo ra các ký ức mới. Tất cả sẽ hòa vào thành một ký ức mờ nhạt. Bạn có thể chỉ nhớ được một hoặc hai khoảnh khắc nổi bật.
Tóm lại, nếu thật sự cần nghỉ trong một quãng thời gian dài, bạn có hai lựa chọn. Thứ nhất, bạn có thể thay đổi kỳ nghỉ sau một nửa thời gian, để tạo ra các ký ức mới. Lựa chọn thứ hai là dành nửa thời gian còn lại để làm điều gì đó ít tốn kém hơn, như ở nhà thư giãn thay vì phung phí tiền cho khách sạn và thuê xe. Số tiền bạn bỏ ra ở nửa sau của kỳ nghỉ có thể sẽ chẳng đem lại gì về lâu dài cho bạn.