Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Lịch sử và Tiếng Anh là 2 môn có tỷ lệ điểm dưới trung bình cao nhất trong 9 môn thi THPT quốc gia năm 2019. Cụ thể, cả nước có 569.905 thí sinh dự thi môn Lịch sử, trong đó 399.016 em bị điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ 70,01%.
Môn Tiếng Anh có 542.775 thí sinh có điểm dưới trung bình, chiếm 69% tổng số 789.544 bài thi.
Đồ thị phổ điểm của hai môn này lệch sang trái mốc điểm 5. Điểm trung bình môn Lịch sử là 4,3. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,75. Môn Tiếng Anh có điểm trung bình là 4,36. Điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,2.
Nhiều điểm thấp nhưng kết quả xét đại học lại cao
TS Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho biết phần lớn thí sinh dự thi môn Lịch sử (môn thành phần trong bài tổ hợp Khoa học Xã hội) là để xét tốt nghiệp THPT. Với mục đích này, 70,01% thí sinh có điểm dưới trung bình.
Trong khi đó, hầu hết thí sinh dự thi Lịch sử để xét tuyển đại học đều đạt điểm trên 5. Kết quả thống kê cho thấy 12.472 bài thì đạt điểm từ 8 trở lên. Số lượng bài thi đạt điểm 10 môn Lịch sử thậm chí đứng thứ 3 trong số 9 môn thi, với 80 bài.
Phổ điểm thi môn Tiếng Anh THPT quốc gia 2019. Nguồn: Bộ GD&ĐT. |
Cũng theo ông Hồng, nhìn tổng quan hai kết quả cho thấy điểm thi phản ánh chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông. Thí sinh chú trọng các môn xét tuyển đại học, điều này đã tồn tại trong xã hội nhiều năm qua.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với môn Tiếng Anh, khi thí sinh dự thi để lấy xét tuyển đại học phần lớn đạt kết quả cao. Nhóm thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT có mức điểm vừa phải.
TS Sái Công Hồng lý giải điểm trung bình môn Tiếng Anh trên phạm vi toàn quốc thấp, trong khi số điểm từ 8 trở lên và điểm tuyệt đối cao là do chênh lệch lớn giữa vùng có điều kiện khó khăn và vùng thành thị thuận lợi.
Trong khi điểm trung bình môn học này của cả nước là 4,36, điểm trung bình của thí sinh Hội đồng thi TP.HCM xấp xỉ 5,8. Gần 65% thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên.
Với môn Giáo dục Công dân có nhiều thí sinh đạt điểm 10 nhất, TS Sái Công Hồng cho rằng các câu hỏi gần gũi tình huống cuộc sống, phù hợp lứa tuổi, giúp các em làm quen pháp luật.
Chất lượng giảng dạy chưa tốt, chưa đồng đều
Kết quả thi có nhiều điểm dưới trung bình của môn Lịch sử, Tiếng Anh, là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm qua.
Bên cạnh một số ý kiến lo lắng về chất lượng dạy và học của hai môn này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học và sau đại học, ĐH Quốc gia Hà Nội, lại cho rằng phổ điểm thi cho thấy sự chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy học.
Lịch sử tiếp tục là môn thi có điểm trung bình thấp nhất trong số 9 môn. Dù vậy, con số này được cải thiện so với năm ngoái, tăng từ 3,79 lên 4,3. Điểm trung bình môn Tiếng Anh (4,36), chỉ cao hơn một chút so với môn Lịch sử. Đồ họa: Hồng Anh. |
Cụ thể, so với kỳ thi năm trước, điểm trung bình môn Lịch sử và Tiếng Anh đều tăng lên. Năm 2018, mức điểm này của môn Lịch sử là 3,79, kém điểm trung bình của năm nay 0,51 điểm. Môn Tiếng Anh tăng từ 3,9 điểm trung bình năm trước lên 4,36 điểm trung bình của năm nay.
Tỷ lệ điểm từ 8 trở lên của hai môn này cũng tăng. Năm 2018, môn Lịch sử có 4.226 bài thi đạt từ 8 điểm trở lên, chiếm 0,75% tổng số bài thi. Năm nay, con số này là 12.472, chiếm 2% tổng số bài thi.
Môn Tiếng Anh, năm 2018, có 22.046 bài thi đạt từ điểm 8 trở lên, chiếm 2,7%. Năm nay, có 47.077 bài thi đạt từ 8 điểm trở lên, chiếm 5,96%.
PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam), cho rằng nguyên nhân thực tế của môn Lịch sử nhiều năm bị điểm thấp là phương pháp giảng dạy chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện. Các em cũng chưa hứng thú học tập.
Môn Tiếng Anh, bên cạnh lượng lớn điểm dưới trung bình, vẫn có nhiều điểm từ 8 trở lên, phản ánh sự chênh lệch chất lượng giảng dạy giữa các vùng miền, đặc biệt thành thị và nông thôn.
"Thí sinh không làm bài mới bị điểm liệt Ngữ văn"
Phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay cũng gây bất ngờ với môn Ngữ văn. Theo số liệu, cả nước có 3.147 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 trở xuống), giảm hơn 1.440 bài so với năm 2018. Trong đó, Ngữ văn có số lượng thí sinh bị điểm liệt cao nhất, với 1.265 bài (chiếm 40%). Con số này gấp 7 lần so với năm 2018 (181 bài bị điểm liệt).
Lý giải về điều này, thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM - cho rằng đề thi THPT quốc gia có rất nhiều câu dễ kiếm điểm trong phần đọc hiểu, nghị luận xã hội hay nghị luận văn học.
“Chỉ có những em cố tình không làm bài mới bị điểm liệt. Những câu hỏi đơn giản về thể thơ, câu trả lời hành trình theo đuổi khát vọng đều rất dễ có điểm, nếu các em viết đúng chính tả, đoạn văn”, thầy Đức Anh nêu quan điểm.
Trong trường hợp học sinh làm bài nhưng vẫn bị điểm liệt chứng tỏ các em có tư duy rất kém.