Zing.vn trích dịch bài đăng Why trying too hard to be happy can make you miserable trên South China Morning Post, đề cập đến chuyện con người không phải lúc nào cũng cần cố gắng hạnh phúc.
“Hãy nhìn vào mặt tươi sáng”, “Suy nghĩ tích cực”, “Mỗi ngày chọn một niềm vui” là những lời mỗi người vẫn thường được nghe mỗi khi phải trải qua một ngày hay một giai đoạn tồi tệ.
Bạn bè chủ trương khuyên nhủ chúng ta lạc quan, “đừng buồn bã nữa” và rằng “mọi thứ rồi sẽ cũng tốt đẹp dần lên nếu loại bỏ những thứ không đáng”.
Khi lên mạng xã hội, ai cũng sẽ đọc được vô vàn lời hay ý đẹp, với nội dung chính cổ vũ con người sống hạnh phúc.
Sự thật là mỗi người đều cần động lực để duy trì sự lạc quan, nhất là khi phải trải qua các giai đoạn khó khăn. Ý tưởng luôn phải giữ năng lượng vui vẻ trở thành mặc định trong đầu của tất cả và sẽ là sai trái nếu chúng ta chọn buồn đau, sầu não.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc gắng gượng để trở nên hạnh phúc có thể được coi là “độc hại”.
"Không ai nên mong đợi bản thân luôn luôn hạnh phúc"
“Các tài liệu khoa học đều chỉ ra hạnh phúc đem lại nhiều tác động tốt đẹp, ai cũng cố gắng sống một đời tươi vui”, Paul Krismer, người đứng đầu tổ chức Happiness Experts Company (Canada), cho hay.
“Song các cảm xúc tiêu cực không phải không có mặt lợi của nó. Ví dụ, nỗi sợ khiến chúng ta tránh xa nguy hiểm, nỗi buồn dạy chúng ta cách coi trọng và bảo vệ mọi thứ, sự xấu hổ sửa chữa những hành vi sai trái. Đó là cơ chế sinh tồn quan trọng”.
Chuyên gia Krismer thừa nhận ông “rùng mình” khi nghe những lời khuyên có nội dung “chúng ta nên sống vui dù thế nào đi chăng nữa”. Theo ông, điều này không chỉ phủ nhận trải nghiệm thực tế trong cuộc sống thực, mà còn có thể tác động tiêu cực đến tinh thần.
"Việc gắng gượng để trở nên hạnh phúc mọi lúc mọi nơi chỉ đem lại kết quả tiêu cực". Ảnh: Sputnik. |
“Nếu cố tình phớt lờ sự sợ hãi hay nỗi đau buồn, thường chúng sẽ chẳng bao giờ biến mất. Chúng ta có thể giải khuây bằng cách uống rượu, mua sắm hay ngồi lướt mạng xã hội nhưng nếu cảm xúc đủ mãnh liệt, chúng sẽ luôn ở đó trong tâm trí. Việc trốn tránh về lâu dài còn có thể dẫn đến trầm cảm”, chuyên gia phân tích.
Năm 2018, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Emotion cũng chỉ ra việc cổ vũ mọi người lạc quan, vui vẻ đem lại sức khỏe tốt hơn, thì việc khuyến khích quá mức có thể đem lại tác dụng ngược, dễ nảy sinh stress, căng thẳng và thất vọng.
Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu cho hay việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc yêu đời có thể khiến chúng ta dễ bị ám ảnh bởi thất bại.
“Lần tới khi bạn trải qua những cảm xúc tiêu cực, thay vì kìm nén hoặc phớt lờ chúng, hãy làm quen với chúng. Khi chúng ta ‘thân thiện’ với những cảm xúc ‘xấu xí’, chúng dần trở nên kém mạnh mẽ. Chúng ta nhìn nhận chúng như những trạng thái tạm thời, sẽ đến và sẽ đi”, ông Krismer đánh giá.
Theo Timothy Sharp, Giám đốc của The Happiness Institute (Sydney, Australia), các cảm giác như buồn bã, căng thẳng, lo lắng, tức giận và thất vọng là hoàn toàn bình thường.
“Suy nghĩ bạn không nên trải nghiệm những cảm xúc như vậy không phải là một lối sống tốt. Đơn giản, chúng ta không thể lúc nào cũng hân hoan, vui sướng. Không ai nên mong đợi bản thân luôn luôn hạnh phúc”, giáo sư Timothy đánh giá.
Kết nối xã hội là điều bắt buộc
Tiến sĩ Barbara Fredrickson, Giám đốc Phòng thí nghiệm Tâm lý và Cảm xúc tích cực tại Đại học North Carolina (Mỹ), định nghĩa hạnh phúc là một thuật ngữ thuộc về bất kỳ 10 cảm xúc: niềm vui, lòng biết ơn, sự thanh thản, sự hứng thú, niềm hy vọng, niềm tự hào, niềm cảm hứng, sự giải trí, sự kinh ngạc và tình yêu.
Nếu bạn biết cảm giác nào dễ tiếp cận nhất với bạn, bạn có thể cấu trúc cuộc sống của mình để biến những cảm xúc đó thành một trải nghiệm thường xuyên hơn.
Ví dụ, nếu bạn thuộc tuýp người thích giải trí, bạn có thể đến các câu lạc bộ, quán bar mỗi tối. Nếu bạn ưa thích trải nghiệm, hãy chọn đi bộ trong các môi trường tự nhiên như rừng cây, núi non mỗi khi có cơ hội.
Ngoài ra, chuyên gia Krismer tin rằng điều quan trọng nằm ở chỗ phải duy trì kết nối xã hội, tức là dành thời gian chất lượng với bạn bè, gia đình hoặc tham gia vào cộng đồng.
“Kết nối xã hội là điều cần thiết, bởi vì các nghiên cứu đều cho thấy trạng thái tinh thần không lành mạnh liên quan mạnh mẽ đến sự mất tương tác với những người xung quanh. Tất nhiên có những lý do khác song một khi mang cảm giác bị cô lập, các vấn đề tâm lý thường trầm trọng hơn”.
Lời khuyên cuối cùng, hãy duy trì lối sống lành mạnh: ngủ đủ giấc, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục mỗi ngày.
“Tình trạng tinh thần gắn chặt với sức khỏe thể chất của chúng ta, vì vậy một lối sống lành mạnh là nền tảng cho niềm hạnh phúc. Chúng ta không thể tích cực nếu không tự chăm sóc cho bản thân”, ông Krismer kết luận.